Những người mắc bệnh này không nên ăn vải thiều
- Minh Minh
- •
Vải thiều là loại trái cây được tiêu thụ nhiều vào mùa hè nhờ giá rẻ và hương vị tươi ngon. Trong vải thiều chứa rất nhiều các vitamin tốt cho sức khỏe như B1, B2, các chất khoáng như Ca, Fe, P… Nhưng vải có tính nóng, người khỏe mạnh không nên ăn nhiều mà những người mắc bệnh sau lại càng nên tránh:
1. Người bị tiểu đường
Trong cùi vải thiều có nhiều đường glucoza, ăn quá nhiều vải tươi một lúc có thể làm hàm lượng đường glucoza trong máu vượt quá khả năng hấp thu, chuyển hóa của gan.
Mặc dù trái cây rất tốt cho cơ thể nhưng người bị tiểu đường cần chú ý có loại nên ăn và không nên ăn.Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị tiểu đường nên ăn quả có chỉ số đường huyết (GI) ≤ 69 và chỉ số GI càng thấp càng tốt. Những loại quả nên ăn là táo, kiwi, anh đào, việt quất, dâu tây, quả mơ, ổi, lê, bơ, chà là, roi, cóc, lựu, đu đủ.
2. Người nóng trong
Khi cơ thể bị nóng trong, ăn vải thiều sẽ khiến mụn và ban đỏ xuất hiện, thậm chí sẽ dẫn tới các phản ứng xấu như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt. Những người mắc bệnh có đờm, thủy đậu, mụn nhọt, rôm sảy, chắp lẹo mắt… cũng nên hạn chế ăn vải thiều.
Mùa hè có rất nhiều loại trái cây tươi ngon nhưng phần lớn lại mang tính nóng. Chính vì thế mùa hè chúng ta dễ bị nhiệt hơn. Nếu bị nhiệt mà vẫn muốn ăn hoa quả, bạn nên ăn táo, đu đủ, lê. Bạn cũng nên nghiền nát cùi dừa, ép lấy nước và súc miệng. Một ngày thực hiện 3-4 lần. Nước cốt dừa giúp diệt vị khuẩn, làm nhanh lành các vết lở loét và giảm cơn đau.
3. Người mắc bệnh trĩ, các bệnh lý tại hậu môn trực tràng
Các bệnh lý tại khu vực hậu môn, trực tràng như bệnh trĩ, apxe hậu môn, nứt kẽ hậu môn, rò ống hậu môn… không nên ăn nhiều vải thiều vì sẽ gây nóng trong, dễ gây kích ứng ống hậu môn và không tốt cho quá trình điều trị bệnh.
Các chuyên gia khuyên những người mắc các bệnh lý này nên ăn thực phẩm nhiều chất xơ như rau mồng tơi, rau đay, rau diếp cá, rau bina, khoai lang; thực phẩm có tính mát như: củ sen, mướp đắng, thịt vịt, cà tím, dưa chuột, thanh long; thực phẩm giàu sắt như gan gà hấp cua, cá ngừ, mận, mơ khô, nho khô, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, mè đen, quả óc chó, mật ong.
4. Phụ nữ có thai
Vải thiều là một loại quả có lợi cho sức khỏe vì thành phần dinh dưỡng dồi dào. Trong 100g vải có chứa: 66 kcal, 0,4g lipid, 0g cholesterol, 1g natri, 171mg Kali, 17g cacbonhydrat, 15g đường, 1,3g chất xơ, 0,8g protein, 71,5g vitamin C, 0,1mg vitamin B6, 5mg canxi, 0,3mg sắt, 10mg magie.
Thực tế, phụ nữ có thai được phép ăn vải thiều nhưng chỉ ở mức độ vừa phải (khoảng 8 quả 1 ngày). Bạn nên ăn sau khi ăn cơm xong, cơ thể tích trữ đủ nước sẽ không bị nóng. Quả vải có hàm lượng đường quá cao, không tốt cho những thai phụ đã từng mắc bệnh tiểu đường và mắc chứng thừa cân.
Ăn vải thiều có thể gây xuất huyết, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nhiệt độ cơ thể dẫn tới nguy hiểm cho thai nhi và các biến chứng khác. Hơn nữa hiện nay vải thiều để tránh bị sâu thì người trồng thường hay phun thuốc sâu, có những nơi phun nhiều thuốc trừ sâu sau đó ít ngày thu hoạch. Vì vậy bà bầu nên hạn chế ăn vải thiều.
***
Với trẻ em, hệ tiêu hóa còn yếu, ba mẹ không nên để con ăn vải tự do. Trong Đông y, trái vải được sử dụng làm thuốc chữa bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Vì thế bạn có thể cho con ăn nhưng phải lưu ý không ăn vải khi đang đói, mỗi lần chỉ nên cho bé ăn khoảng 100g vải tươi (khoảng 5 – 6 quả), nên ăn cả lớp màng trắng và phần cùi trắng phía bên ngoài trái vải (nhiều người thường bỏ lớp màng này do chúng có vị chát mà không biết rằng nếu ăn kèm theo sẽ không bị sinh hỏa).
Ba mẹ không nên chọn những chùm vải có quả to mà chỉ mua những chùm vải quả tròn, nhỏ vừa phải, cỡ to hơn ngón chân cái một chút. Cành, lá và cuống phải tươi, nếu không vải rất dễ bị sâu đầu. Vỏ quả vải có màu đỏ hồng, không có đốm, cầm tay bóp nhẹ thấy căng mọng, bằng cảm quan có thể dễ dàng nhận thấy nhưng quả vải như vậy thì phần vỏ tương đối nhẵn, ít sần sùi.
Để bảo quản, bạn hãy dùng kéo cắt cuống vải cách phần núm khoảng 1cm. Rửa sạch với nước rồi vớt vải ra rổ, để thật ráo. Chia vải thành những phần vừa ăn rồi đóng túi nilon kín, cất ngăn mát (ngăn để rau củ) trong tủ lạnh. Vải sẽ không bị sâu, thối và giữ được lớp vỏ tươi và hương vị thơm ngon như lúc ban đầu.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Chăm sóc sức khỏe quả vải