Âm thanh không còn là thứ tiếng ồn lặng lẽ phía sau, mà là một ngôn ngữ từng tế bào trong cơ thể có thể lắng nghe và thấu hiểu…

am nhac co dien
Âm nhạc cổ điển là một trong các liệu pháp âm thanh điều trị hiệu quả. (Ảnh: Edward/ The Epoch Times)

Theo một nghiên cứu mới từ Đại học Kyoto, được công bố trên tạp chí Communications Biology, tế bào con người có khả năng “phản hồi” với sóng âm, từ đó mở ra tiềm năng cách mạng trong điều trị các bệnh như béo phì. 

Ông Masahiro Kumeta, chuyên gia về sinh học tế bào và phân tử, tác giả chính của nghiên cứu nhận định: Tôi tin rằng âm thanh có thể trở thành một công cụ độc đáo để kiểm soát hoạt động tế bào và sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực”.

Nghiên cứu cấp độ tế bào

Có lẽ không chỉ có bộ não và đôi tai của chúng ta hiểu được âm thanh, cấp độ vi mô hơn như tế bào dường như cũng thể hiện khả năng tương tự.

Nghiên cứu sử dụng một thiết bị đặc biệt để phát sóng âm, bao gồm một máy phát âm thanh kỹ thuật số kết nối với màng rung trong đĩa nuôi cấy tế bào. Các tế bào nuôi cấy được tiếp xúc với sóng âm ở nhiều tần số khác nhau, cả trong phạm vi con người nghe được và không nghe được, trong thời gian từ 2 đến 24 giờ. Các mẫu âm thanh bao gồm tiếng ồn trắng và âm thanh đơn tần. Kết quả cho thấy:

  • Âm thanh trong phạm vi nghe được gây ra đáp ứng đáng kể ở tế bào, có thể làm giảm sự chuyển hóa của tế bào tiền thân thành tế bào mỡ, tức ngăn chặn hình thành tổ chức mỡ.
  • Khoảng 190 gen trong tế bào phản ứng với sóng âm, và âm thanh cũng ảnh hưởng đến cách tế bào kết dính với nhau.

Tuy nhiên, nghiên cứu hiện chỉ giới hạn ở mức tế bào nuôi cấy, và nhóm của ông Kumeta đang tiến hành thử nghiệm trên chuột để xác minh hiệu quả.

Liệu pháp an toàn, tiềm năng ứng dụng rộng rãi

Tác giả Kumeta tin rằng nghiên cứu sẽ mở ra hướng đi mới trong điều trị béo phì an toàn, không xâm lấn. Ví dụ, một thiết bị phát âm thanh gắn trên cơ thể có thể kích thích sâu bên trong mà không cần phẫu thuật loại bỏ mỡ. 

Tiến sĩ Joseph Mercola, một bác sĩ y học gia đình không tham gia nghiên cứu, nhận định rằng nghiên cứu này mở ra khả năng sử dụng tần số âm thanh cụ thể để ảnh hưởng đến hành vi tế bào mà không cần thuốc, phẫu thuật hay tiếp xúc vật lý. 

Jason Sonners, tiến sĩ về sinh học phân tử và y học tái tạo, cho rằng nghiên cứu mở ra tiềm năng âm thanh có thể hỗ trợ chữa lành vết thương, sửa chữa thần kinh, hoặc kích hoạt tế bào gốc mà không cần can thiệp hóa học hay cơ học. 

Ngoài ra theo tiến sĩ Mercola, âm thanh là dạng năng lượng, không phải chất lạ với cơ thể. Do đó liệu pháp này sẽ an toàn và chính xác hơn, đặc biệt là với mô nhạy cảm hoặc bị viêm. 

Còn theo tiến sĩ Sonners, nghiên cứu này là lời nhắc nhở đầy mạnh mẽ về việc cơ thể nhạy cảm ra sao với môi trường xung quanh, không chỉ đối với các tác nhân hóa học hoặc cơ học, mà còn đối với các dạng sóng như ánh sáng và âm thanh.

Liệu pháp âm nhạc trong y học cổ truyền

Nghiên cứu cũng góp phần chứng thực cho liệu pháp âm nhạc được Trung y ứng dụng trong nhiều thế kỷ qua. 

Thời Trung Hoa cổ đại, một trong những mục đích đầu tiên của âm nhạc là chữa bệnh. Người ta tin rằng âm nhạc có khả năng chữa lành trái tim, làm phong phú tâm trí và làm hài hòa tâm hồn con người. Trong Hán văn giải tự, chữ Dược 藥 (thuốc) tương tự với chữ Nhạc 樂 (âm nhạc) trong âm nhạc.

(Video: Văn hóa Truyền thống Việt Mỹ)

Trung y dựa trên triết lý Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), trong đó mỗi yếu tố liên kết với một cơ quan, cảm xúc, mùa, và cả âm thanh hoặc tần số âm nhạc cụ thể.

Ngũ âm và Ngũ hành: Theo lý thuyết Trung y, năm nốt nhạc chính (Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ) tương ứng với năm yếu tố và các cơ quan:

  • Cung (nốt C, yếu tố Thổ): Liên kết với lá lách, hỗ trợ tiêu hóa, tư duy, và sự ổn định.
  • Thương (nốt D, yếu tố Kim): Liên kết với phổi, điều hòa hô hấp và cảm xúc buồn bã.
  • Giốc (nốt E, yếu tố Mộc): Liên kết với gan, giúp giảm căng thẳng và tức giận.
  • Chủy (nốt G, yếu tố Hỏa): Liên kết với tim, thúc đẩy niềm vui và sự cân bằng tinh thần.
  • Vũ (nốt A, yếu tố Thủy): Liên kết với thận, hỗ trợ sức sống và giảm sợ hãi.

Nhịp độ: Trung y cũng coi các nhịp độ ( số nhịp mỗi phút) tương ứng với các cơ quan cụ thể. Ví dụ:

  • 108 nhịp/phút được cho là cộng hưởng với gan, giúp giải tỏa căng thẳng.
  • 120 nhịp/phút liên quan đến thận, hỗ trợ sức khỏe sinh sản và năng lượng.
  • 126 nhịp/phút tốt cho tim và phổi, giúp cải thiện tuần hoàn và hô hấp.

Những hạn chế và hướng đi trong tương lai 

Nhận xét về nghiên cứu, giáo sư Lixing Lao từ Đại học Y học Tích hợp Virginia chỉ ra điểm hạn chế là chưa đưa ra được tần số âm thanh cụ thể ảnh hưởng đến gen nào, nhưng đây là bước khởi đầu quan trọng. Ông khuyến khích nghiên cứu sâu hơn để xác định các âm thanh hoặc tần số phù hợp cho từng bệnh lý cụ thể. 

Còn với tiến sĩ Mercola, ông hình dung một ngày trong tương lai bệnh nhân có thể đến phòng khám, nằm xuống và nhận liệu pháp âm thanh nhắm đích, tác động đến tế bào theo thời gian thực mà không cần thuốc hay kim tiêm.

Ông nhận định rằng, “Còn quá sớm để kết luận. Nhưng công trình này khiến ta nhìn nhận âm thanh không còn là thứ tiếng ồn lặng lẽ phía sau, mà là một ngôn ngữ từng tế bào trong cơ thể có thể lắng nghe và thấu hiểu. Nhận thức ấy không chỉ làm thay đổi y học — nó thay đổi cả cách ta cảm nhận về sự sống, trong một thế giới đầy những rung động”.

Ths.BS Đỗ Trường Giang (t/h)