“Con đi chơi đừng để mướt mát mồ hôi nhé!” – lời nhắc tưởng chừng giản đơn ấy đã in sâu trong ký ức tuổi thơ của biết bao người. Nhưng đằng sau câu nói ấy là cả một sự quan tâm về sức khỏe, xuất phát từ kinh nghiệm dân gian lâu đời. Ra mồ hôi khi tập luyện như thế nào là tốt? Góc nhìn của y học hiện đại và y học cổ truyền sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tượng này – để tập luyện đúng cách, khỏe mạnh và an toàn hơn mỗi ngày.

nước kiềm
(Ảnh: GP PIXSTOCK/ Shutterstock)

Từ góc độ y học hiện đại

Theo y học hiện đại, mồ hôi đóng vai trò chính trong việc điều hòa thân nhiệt. Khi vận động, cơ thể sinh nhiệt, và tuyến mồ hôi sẽ hoạt động để thải nhiệt qua quá trình bay hơi trên bề mặt da. Quá trình này giúp tránh hiện tượng tăng thân nhiệt đột ngột, từ đó bảo vệ hệ thần kinh và tim mạch.

Ngoài ra, mồ hôi còn hỗ trợ cơ thể thải một phần nhỏ các chất độc và kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium – vốn có thể tích lũy từ môi trường sống. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong mồ hôi có chứa các peptide kháng khuẩn tự nhiên như dermcidin, góp phần bảo vệ da khỏi vi sinh vật gây bệnh.

Tuy nhiên, ra mồ hôi nhiều – đặc biệt khi không kèm theo sự bù nước và điện giải hợp lý – có thể gây mất nước, rối loạn điện giải (mất natri, kali, magie), dẫn đến các triệu chứng như hoa mắt, chuột rút, kiệt sức hoặc thậm chí ngất xỉu. Ở những người có bệnh lý tim mạch, thận, hay tăng huyết áp, việc đổ mồ hôi quá mức còn có thể gây bất ổn sinh lý nguy hiểm.

Ra mồ hôi dưới góc nhìn Trung y

Trung y xem mồ hôi là biểu hiện của “tân dịch” (chất dịch sinh lý trong cơ thể) và mối liên hệ mật thiết với khí huyết. Theo cổ thư, “hãn vi tâm chi dịch” – mồ hôi là dịch của tâm, có nghĩa sự vận hành và bài tiết mồ hôi chịu ảnh hưởng từ hoạt động của tạng tâm và khí vệ (lớp phòng thủ của cơ thể).

Việc tiết mồ hôi đúng mức (chỉ hơi toát mồ hôi) sau vận động được xem là một hình thức giúp khai thông kinh lạc, đẩy tà khí ra ngoài, thúc đẩy lưu thông khí huyết, sinh dương, điều hòa âm – dương trong cơ thể. Trong nhiều phép trị liệu như xông hơi, xoa bóp, châm cứu – ra mồ hôi nhẹ được xem là dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, nếu ra mồ hôi quá nhiều hoặc mất kiểm soát, cơ thể sẽ bị hao tổn dương khí, dẫn đến các chứng “âm hư” (khô miệng, bứt rứt, mất ngủ), hoặc “khí hư” (mệt mỏi, tự hãn – mồ hôi ra tự nhiên không do vận động). Lâu ngày có thể làm tổn thương thận dương, cơ thể dễ lạnh, rối loạn hệ nội tiết và chuyển hóa, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và não bộ.

Đặc biệt, hiện tượng ra mồ hôi ban đêm (đạo hãn) được xem là dấu hiệu cảnh báo của âm hư nội nhiệt, thường gặp ở người suy nhược, mắc bệnh mãn tính hoặc sau ốm lâu ngày.

Cân bằng – yếu tố then chốt

Dù theo lý thuyết hiện đại hay truyền thống, ra mồ hôi chỉ mang lại lợi ích thực sự khi được kiểm soát hợp lý. Việc tập luyện cần được thực hiện vừa sức, có thời gian nghỉ hợp lý, và kết hợp bổ sung nước cùng điện giải đúng cách, ví dụ bằng nước ấm pha gừng nhẹ hoặc nước dừa.

Sau khi ra mồ hôi, cần tránh gió lùa, không nên tắm nước lạnh ngay, và nên thay trang phục khô để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm hàn tà. Những người thể trạng yếu, đang hồi phục càng nên giữ ấm và hạn chế ra mồ hôi nhiều.

Với người mắc bệnh nền, hoặc có biểu hiện mồ hôi bất thường, nên thăm khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Trong những trường hợp này, vai trò của bác sĩ Tây y và thầy thuốc y học cổ truyền đều có giá trị bổ trợ cho nhau.

Tú Liên (t/h)