Ung thư thực quản tương đối phổ biến và là một trong những loại ung thư gặp nhiều thách thức khi điều trị. Các triệu chứng thường chỉ rõ rệt khi bệnh ở giai đoạn tiến triển. Tuy nhiên cũng có nhiều dấu hiệu sớm của ung thư thực quản. Hiểu và chú ý đến các dấu hiệu này sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và tăng khả năng chữa khỏi bệnh. 

r shutterstock 1255777684
(Ảnh minh họa: aslysun/Shutterstock)

Thực quản là một ống cơ nối họng với dạ dày, có vai trò vận chuyển thức ăn và chất lỏng. Tại thời điểm chẩn đoán, căn bệnh thường đã lan sang cơ quan khác, do vậy tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Hiệp hội ung thư thế giới, trong năm 2020 đã có hơn 3.200 người dân Việt Nam được chẩn đoán Ung thư thực quản, và hơn 3000 người bệnh tử vong vì căn bệnh này, xếp thứ 9 về số ca tử vong do bệnh ung thư.

Theo bệnh viện Cleveland Clinic, ung thư thực quản thường phát triển nhanh. Vì có tính đàn hồi nên thực quản có thể căng dãn quanh khối u đang phát triển, do đó triệu chứng thường không rõ rệt trừ khi bệnh đã đến giai đoạn muộn. 

Đặc biệt, theo bệnh viện K Việt Nam, chỉ có chưa đến 2% số người bệnh được chẩn đoán ung thư thực quản ở giai đoạn sớm, trong khi với các ung thư khác, tỷ lệ chẩn đoán sớm có thể lên tới 20, thậm chí gần 50% (ung thư vú, ung thư cổ tử cung). Nếu phát hiện sớm, các chuyên gia y tế có thể phẫu thuật cắt bỏ u. Khi ở giai đoạn muộn, tiên lượng điều trị rất khó khăn,tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt xấp xỉ 5%. Những con số trên chỉ ra tầm quan trọng của việc phát hiện sớm ung thư thực quản, nhằm cải thiện tỷ lệ sống. 

Các dấu hiệu sớm của ung thư thực quản

Việc phát hiện sớm ung thư thực quản gặp nhiều thách thức, do đó chúng ta cần nắm rõ các triệu chứng kín đáo. 

Những triệu chứng sớm của ung thư thực quản bao gồm: 

  • Khó nuốt: Khó chịu khi nuốt đồ ăn là một triệu chứng phổ biến, đặc biệt với thức ăn đặc. Có thể cảm thấy như nghẹn ở họng hoặc lồng ngực;
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: Giảm cân rõ rệt mà không có nguyên nhân thường có liên quan với giảm thèm ăn và khó nuốt;
  • Đau hoặc khó chịu ở ngực: Đau hoặc khó chịu ngực dai dẳng sau ăn là một dấu hiệu cảnh báo;
  • Ho hoặc khàn giọng dai dẳng: Những dấu hiệu này thường là do kích thích thực quản hoặc u phát triển;
  • Khó tiêu: Thường xuyên khó tiêu và ợ nóng dạ dày mà không đáp ứng với điều trị thường gợi ý ung thư thực quản giai đoạn sớm;
  • Nôn: Trong những trường hợp nặng, ung thư thực quản có thể kích thích đường tiêu hoá, gây nôn;
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Các triệu chứng như ợ nóng, trào ngược axit thường xảy ra trước khi nôn.

2 trường hợp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả

Dưới đây là hai trường hợp lâm sàng thực tế:

Người bệnh đầu tiên là ông John, 55 tuổi. Ban đầu ông có triệu chứng khó nuốt nhưng không để ý, chỉ coi là vấn đề nhỏ. Tuy nhiên triệu chứng kéo dài và nặng dần. Cuối cùng ông đến khám bác sĩ và được khuyến nghị nội soi. Kết quả nội soi cho thấy ông bị ung thư giai đoạn sớm. Khi phát hiện sớm, ông John đã điều trị hoá trị và phẫu thuật. Kết quả là không còn khối u trong 3 năm gần đây. Trường hợp này nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện bệnh sớm. 

Người bệnh thứ hai là bà Maria, 60 tuổi. Bà có triệu chứng nóng rát mạn tính ở cả dạ dày và lồng ngực kèm theo cả đau kéo dài vài tháng. Ban đầu bà dùng thuốc trung hoà axit để giảm triệu chứng, nhưng cơn đau vẫn nặng lên. Sau đó bà đến khám bác sĩ và được chẩn đoán bị ung thư thực quản. Bà Maria đã nhận được phác đồ điều trị toàn diện bao gồm xạ trị, liệu pháp nhắm đích và truyền vitamin C liều cao. Cho đến nay, bà vẫn rất khỏe mạnh.

Những trường hợp này minh họa cho tầm quan trọng của việc nhận biết triệu chứng sớm cũng như điều trị kịp thời. Tương tự nhiều loại ung thư khác, điều trị ung thư thực quản sẽ hiệu quả hơn khi được phát hiện sớm; một khi bệnh đã di căn thì sẽ gặp nhiều thách thức trong điều trị. 

Dùng vitamin C làm liệu pháp bổ trợ điều trị ung thư thực quản

Bệnh nhân thứ hai đề cập ở trên đã dùng vitamin C liều cao tiêm tĩnh mạch để hỗ trợ điều trị ung thư thực quản. Theo thông tin từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, một số nghiên cứu đã chỉ ra vitamin C tiêm tĩnh mạch có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư và giảm tác dụng phụ liên quan đến ung thư, với một vài tác dụng phụ được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin C tiêm tĩnh mạch để điều trị ung thư vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận.

Một nghiên cứu năm 2020 đã chứng minh rằng việc kết hợp hai phương pháp chống lão hóa – chế độ nhịn ăn và vitamin C liều cao – đã điều trị hiệu quả các khối u ở chuột kháng trị với các biện pháp truyền thống.

Một tổng quan năm 2021 chỉ ra vitamin C tiêm tĩnh mạch liều cao khi được sử dụng làm chất bổ trợ với thuốc chống ung thư, đã thể hiện tác dụng làm tăng độ nhạy cảm, tăng cường hoặc hiệp đồng đối với liệu pháp xạ trị, hóa trị và miễn dịch trên nhiều loại ung thư khác nhau.

Thói quen lành mạnh phòng ngừa ung thư thực quản

Tương tự ung thư gan, ung thư thực quản có tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn đáng kể so với nữ giới. Tại Hoa Kỳ, nguy cơ mắc ung thư thực quản trong suốt cuộc đời là khoảng 1/127 đối với nam giới và 1/434 đối với nữ giới. Nói cách khác, khả năng mắc bệnh của nam giới cao gấp 3 lần nữ giới. Sự chênh lệch này chủ yếu là do các yếu tố nguy cơ chính như hút thuốc, uống rượu, béo phì và thói quen ăn uống không lành mạnh phổ biến hơn ở nam giới.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mặc dù không thể phòng ngừa mọi trường hợp ung thư thực quản, đặc biệt là những ca chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền, nhưng tránh một số yếu tố nguy cơ thay đổi được có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Hãy cân nhắc những lời khuyên dưới đây để giảm nguy cơ:

  • Tránh hút thuốc và uống rượu: Tại Hoa Kỳ, hút thuốc và uống rượu là những yếu tố nguy cơ chính về lối sống đối với ung thư thực quản. Mỗi yếu tố này đều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ thậm chí còn cao hơn khi kết hợp cả hai.
  • Ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây và rau quả: Chế độ ăn nhiều thịt chế biến và thực phẩm chiên rán có liên quan nhiều đến tăng nguy cơ ung thư, trong khi chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp giảm nguy cơ.
  • Tránh uống cà phê hoặc trà nóng (trên 65 độ C): Thường xuyên uống đồ cực nóng có thể gây tổn thương lâu dài cho các tế bào niêm mạc thực quản, do đó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản, từ đó có thể làm tăng khả năng bị ung thư thực quản. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ này.

Đại Hải (dịch và t/h), theo The Epoch Times