Thỉnh thoảng mắc phải 4 “căn bệnh” này chưa hẳn đã là điều xấu
- Mộc Lan
- •
Đôi khi, một số tình trạng bất thường nhỏ như sốt, ho, nôn mửa… có thể xảy ra, khiến cơ thể phải chịu đựng mệt mỏi, đau đớn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá hoảng sợ nhé, bởi vì những hiện tượng này có thể đang giúp hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta trở nên hoàn thiện hơn.
Thỉnh thoảng trong cuộc sống, nếu bạn gặp phải 4 căn bệnh nhỏ dưới đây thì có lẽ cũng không phải là điều gì quá tệ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu:
1. Ho
Thường khi thời tiết hanh khô, mọi người bị ho nhiều hơn, hoặc khi gặp phải môi trường khói thuốc, bụi bặm, hóa chất…, cũng sẽ xuất hiện hiện tượng ho này.
Trong nhiều trường hợp, ho không phải là bệnh mà là phản xạ để bảo vệ hệ hô hấp. Nếu trong cơ thể tiết ra quá nhiều thứ hoặc có chứng viêm, các tế bào niêm mạc đường hô hấp sẽ bị kích thích, làm cho phổi đẩy không khí ra ngoài với áp lực và tốc độ cao.
Ho chủ yếu là để đào thải dịch tiết trong đường hô hấp hoặc dị vật do viêm nhiễm ra ngoài, đây cũng là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể trước các kích thích bên ngoài.
Nếu bạn uống thuốc ngay khi vừa ho, các dịch viêm này sẽ bị giữ lại trong đường hô hấp, cản trở việc bài tiết ra ngoài cơ thể, như vậy tất nhiên sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.
Tuy nhiên, nếu ho nhiều, ho khạc đờm kéo dài, ho ra máu, đó lại thường là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản mạn, lao phổi, ung thư phổi,… Nếu gặp hiện tượng ho nặng như vậy, bạn nên đến bệnh viện để gặp bác sĩ chuyên khoa nhé.
2. Sốt
Sốt được định nghĩa là tình trạng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn giới hạn nhiệt bình thường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cơn sốt không phải lúc nào cũng là vấn đề nguy hiểm.
Cơn sốt được xem là một phần của phản ứng miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh như ký sinh trùng, virus, vi khuẩn. Nói cách khác, sốt thực chất là một cơ chế bảo vệ, khi nhiệt độ cơ thể con người tăng cao, một số vi sinh vật gây bệnh sẽ không thể hoạt động mạnh và tác dụng của các “tế bào miễn dịch” của cơ thể cũng được đẩy lên cao hơn.
Tế bào miễn dịch là các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch của cơ thể như bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa axit, tế bào lympho,… Các tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng và các bệnh khác.
Sốt không nhất thiết là do bệnh, khi vận động mạnh, nhiệt độ sinh lý tăng trong thời kỳ tiền kinh nguyệt và mang thai cũng có thể xảy ra hiện tượng này.
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu cơn sốt cao kéo dài, cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh gây hại cho cơ thể.
3. Nôn mửa
Nôn, ói hay nôn mửa là tình trạng rối loạn tiêu hóa buộc thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản và trào ra ngoài qua đường miệng hoặc đôi khi qua mũi.
Buồn nôn và nôn không hẳn là một điều xấu, trong một số trường hợp, đây là hiện tượng cơ thể đào thải các chất có hại cho sức khỏe, là một chức năng bảo vệ cơ thể bình thường.
Nếu khi cảm thấy buồn nôn hoặc nôn ói mà lập tức uống thuốc thì các chất độc hại trong cơ thể sẽ bị giữ lại mà không thể thoát ra ngoài. Do đó, nếu tình trạng nôn không quá nghiêm trọng, bạn có thể bổ sung nước một cách hợp lý để tránh rối loạn tuần hoàn trong cơ thể.
Những lúc này bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh, nếu bạn đang ở trên xe, thuyền hoặc máy bay, hãy dựa vào ghế, hít thở chậm và sâu, lựa chọn ngồi ở nơi có ít chuyển động nhất. Nếu là đang ở nhà, bạn nên nghỉ ngơi trên giường, tốt nhất là gần phòng tắm hoặc có bô tiện dụng.
Không nên ăn ngay sau khi nôn, nên nghỉ ngơi một lúc rồi mới tiếp tục ăn uống gì đó.
Tuy nhiên nếu nôn liên tục khó kiểm soát, đồng thời kèm theo sốt, đau bụng, chóng mặt, ngất xỉu, hoặc trong trường hợp nôn sau khi ăn uống cùng một nhóm người, bạn cần đi khám ngay nhé.
4. Tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, có nước, xảy ra thường xuyên hơn so với bình thường. Đây cũng là một tình huống phổ biến. Đừng quá lo lắng khi bạn ăn một số thực phẩm không sạch, uống nước lạnh, thậm chí một số người bị tiêu chảy hoặc tiêu chảy theo từng giai đoạn.
Vì tiêu chảy thường là làm sạch hệ thống đường ruột của chúng ta, cơ thể cũng sẽ bài tiết một số chất độc hại, đồng thời một lượng lớn vi khuẩn sẽ bị tống ra ngoài.
Đối với những trường hợp tiêu chảy ở mức độ nhẹ, không thường xuyên, tốt hơn là không nên tự mua thuốc uống tùy tiện. Còn những trường hợp mức độ nặng và nghiêm trọng, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị sớm.
Lời khuyên
Nếu gặp các triệu chứng khó chịu, bạn đừng nên vội mua thuốc về uống. Cần cẩn thận quan sát, nếu tình trạng không thuyên giảm thì nên đến bệnh viện để khám kịp thời, sẽ hữu ích hơn nếu tìm ra nguyên nhân thực sự đằng sau những hiện tượng này.
Ngay cả khi cơ thể không có biểu hiện gì bất thường cũng cần đi khám sức khỏe định kỳ. Có thể phải xét nghiệm máu trong thời gian khám sức khỏe, do đó, trước khi đi khám, bạn nên đi ngủ sớm và dậy sớm, duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt bình thường. Điều này có lợi hơn cho độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Mộc Lan (Theo Vision Times)
Xem thêm:
Từ khóa Hổ Nôn mửa sốt tiêu chảy hệ miễn dịch