Thử nghiệm lâm sàng xác nhận châm cứu có thể điều trị đau thần kinh tọa
- Lý Ngọc
- •
Đau thần kinh tọa là một căn bệnh khó điều trị, hiệu quả của điều trị bảo tồn và phẫu thuật đều rất hạn chế. Một thử nghiệm lâm sàng mới đây phát hiện ra rằng châm cứu có thể điều trị đau thần kinh tọa, bệnh nhân được điều trị bằng châm cứu trong 4 tuần và trong vòng một năm vẫn có hiệu quả cải thiện cơn đau.
Đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng và có thể gây đau dữ dội và tàn tật lâu dài. Nhiều bệnh nhân đau thần kinh tọa mãn tính sử dụng châm cứu để giảm đau, nhưng có rất ít nghiên cứu liên quan xác nhận hiệu quả của châm cứu. Thử nghiệm lâm sàng mới nhất, bằng cách so sánh hiệu quả của nhóm kiểm soát châm cứu thật và châm cứu giả, đã xác nhận rằng châm cứu có thể làm giảm hiệu quả chứng đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm và hiệu quả vượt xa tác dụng giả dược.
Nghiên cứu này được công bố trên trang web Tạp chí Nội khoa của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 10 năm nay. Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 220 bệnh nhân bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm. Những người tham gia được chia thành hai nhóm, một nhóm được châm cứu thực sự cho bệnh đau thần kinh tọa và nhóm còn lại được châm cứu giả.
Châm cứu thực sự theo lý thuyết của y học cổ truyền Trung Hoa, tùy theo tình trạng của bệnh nhân, chọn 7 huyệt để châm. Ở nhóm châm cứu giả, bác sĩ châm cứu đặt kim vào 7 huyệt không phải trên da của người tham gia, cách xa kinh lạc, trong đó có 6 kim cùn, chạm vào da nhưng không cắm vào da. – làm cho châm cứu giả cảm giác thực tế hơn.
Điều trị được thực hiện 10 buổi trong 4 tuần. Sau khi điều trị, các nhà nghiên cứu đã theo dõi bệnh nhân trong 48 tuần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng so với những bệnh nhân đau thần kinh tọa được châm cứu giả, những bệnh nhân được châm cứu thực sự ít bị đau chân hơn đáng kể và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của họ phục hồi đáng kể sau 4 tuần. Dựa trên sự tự đánh giá của bệnh nhân, bệnh nhân trong nhóm châm cứu thực sự đã giảm đau chân 30,8%, trong khi nhóm châm cứu giả giảm 14,9%. Ngoài ra, những bệnh nhân trong nhóm châm cứu thực sự cũng có những cải thiện lớn hơn về tình trạng đau lưng, tần suất xuất hiện các cơn đau và các chỉ số khác.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu này là một trong những thử nghiệm lớn nhất và nghiêm ngặt nhất về hiệu quả của châm cứu trong điều trị đau thần kinh tọa. Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, châm cứu nên được coi là phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm.
Nguyên lý châm cứu và giảm đau
Theo lý thuyết của y học cổ truyền Trung Hoa, năng lượng trong cơ thể con người, Khí, lưu thông trong cơ thể và các con đường mà năng lượng chảy qua được gọi là kinh lạc. Các huyệt đạo cho phép năng lượng chảy trơn tru hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, bác sĩ Ngô Quốc Bân, giám đốc Phòng khám Y học cổ truyền của Đài Loan, cho biết, châm cứu giúp thông suốt khí huyết tại vị trí bị chèn ép của dây thần kinh, làm thư giãn các cơ và dây chằng căng thẳng ở khu vực đó, thúc đẩy tuần hoàn, và loại bỏ viêm nhiễm cũng như sưng tấy. Khi kết hợp với “phương pháp động khí”, tức là xoa bóp hoặc châm cứu vào các huyệt xa, đồng thời vận động phần bị ảnh hưởng, sẽ tăng cường tuần hoàn khí huyết tại khu vực đó, giúp các khớp cột sống bị lệch dễ dàng mở ra và trở về vị trí đúng.
Ông Ngô Quốc Bân giới thiệu rằng y học cổ truyền Trung Hoa có nhiều huyệt thực nghiệm để điều trị chứng đau thắt lưng, chẳng hạn như huyệt Yêu Thống (EX-UE16), huyệt Dưỡng Lão (SI6), huyệt Nhân Trung (GV26) và huyệt Ủy Trung (BL40), cũng có thể được sử dụng kết hợp với phương pháp động khí có thể giúp giảm đau ngay lập tức cho một số bệnh nhân.
Bệnh nhân khác nhau sẽ phù hợp với những phương pháp điều trị khác nhau
Đối với đau thần kinh tọa, các phương pháp điều trị y tế hiện đại bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid và thuốc giãn cơ để giảm triệu chứng, cũng như tiêm steroid ngoài màng cứng, vật lý trị liệu như lực kéo, v.v. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy vẫn chưa rõ liệu các phương pháp điều trị này có hiệu quả hay không. Điều trị bằng phẫu thuật nhằm loại bỏ phần thoát vị của đĩa đệm, có thể nhanh chóng làm giảm các triệu chứng của một số bệnh nhân. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả lâu dài của phẫu thuật có thể không tốt hơn trị liệu truyền thống.
Về việc nên chọn phương pháp điều trị nào, ông Ngô Quốc Bân nhấn mạnh rằng nên đưa ra các phương pháp điều trị và phục hồi chức năng tương ứng tùy theo tình trạng bệnh lý khác nhau của bệnh nhân để đạt được khả năng hồi phục lâu dài. Ông cũng chỉ ra rằng từ kinh nghiệm lâm sàng, phương pháp điều trị bằng lực kéo thường được sử dụng ở Đài Loan không hiệu quả lắm.
Tập luyện phục hồi chức năng là quan trọng
Ông Ngô Quốc Bân cho biết, khi lựa chọn phương pháp điều trị, ông sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh lý mà Tây y chẩn đoán. Đối với đau thần kinh tọa do độ cong cột sống thắt lưng quá thẳng, thoát vị đĩa đệm, hoặc hẹp ống sống, ông hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các động tác giúp thư giãn cơ cột sống thắt lưng, như động tác ôm đầu gối vào ngực (ôm gối kiểu em bé), nằm dùng gối lưng (gối sứ), để phục hồi chức năng.
Nếu là trường hợp trượt đốt sống thắt lưng, thì bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm sấp trên một chiếc gối hình bán nguyệt lớn để phục hồi vị trí.
Ông cũng chỉ ra, đối với những trường hợp trên, việc điều trị châm cứu đốt sống thắt lưng số 3, 4, 5 đã đạt kết quả rất tốt.
Tại sao châm cứu giả cũng có hiệu quả
Châm cứu là một phương pháp điều trị thông thường trong y học cổ truyền Trung Hoa, nhưng y học thực nghiệm từ lâu đã nghi ngờ rằng hiệu quả của châm cứu chỉ là tác dụng giả dược.
Trong các nghiên cứu về hiệu quả của châm cứu, các nhóm châm cứu thật thường được so sánh với các nhóm châm cứu giả để loại trừ tác dụng giả dược. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm châm cứu giả dường như cũng cho thấy tác dụng chữa bệnh và một số không khác biệt đáng kể so với nhóm châm cứu thật. Đây là một trong những lập luận chính cho quan điểm châm cứu như một loại thuốc giả dược.
Giám đốc của Trung tâm Y học Bắc New York, tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, trong cuốn sách “Châm cứu lâm sàng và y học cổ truyền Trung Quốc” (Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine) giải thích rằng nhóm châm cứu giả thường được sử dụng trong nghiên cứu là nhóm sử dụng kim giả để tác động lên huyệt nhưng không đâm thủng da, hoặc vị trí châm cứu không phải là huyệt vị cụ thể. Tuy nhiên, y học cổ truyền Trung Hoa coi cơ thể con người như một mạng lưới toàn diện và đan xen, trong đó mỗi phần đều liên kết với các phần khác thông qua các kênh năng lượng vô hình. Việc châm cứu vào bất kỳ phần nào của cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến các khu vực lân cận và tạo ra phản ứng năng lượng. Huyệt vị không chỉ là một điểm mà là một khu vực nhỏ với bán kính khoảng 0,5 cm. Nếu vị trí của kim giả không cách xa huyệt thật quá nhiều, vẫn có thể kích thích được huyệt vị này.
Ngoài ra, trong da còn có một mạng lưới năng lượng. Ngay cả khi không làm thủng da, kích thích châm cứu giả cũng có thể tạo ra tác dụng đưa năng lượng vào cơ thể.
Tự xoa bóp để giảm đau
Khi hiểu được nguyên lý châm cứu, chúng ta có thể tự chăm sóc bản thân thông qua việc xoa bóp huyệt. Tiến sỹ Dương Cảnh Đoan đã trình bày trên kênh tự truyền thông “Sức khỏe bốn chiều” của mình cách xoa bóp Tam gian huyệt (LI3) trên tay để giảm đau thần kinh tọa.
Huyệt Tam gian nằm ở chỗ lõm ở mặt ngón cái của khớp ngón trỏ. Nếu ấn vào sẽ có cảm giác đau nhức, tê bì. Phương pháp là xoa bóp ngược chiều kim đồng hồ 6 lần, xen kẽ với tay trái và tay phải, bạn có thể cảm thấy giảm các triệu chứng sau 3 đến 5 phút massage.
Cần lưu ý rằng việc điều trị bằng châm cứu đúng cách sẽ không gây ra tác dụng phụ cho hầu hết mọi người, nhưng một số bệnh nhân có tình trạng thể chất đặc biệt không phù hợp để điều trị bằng châm cứu. Vì thể chất của mỗi người là khác nhau nên các phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có kế hoạch điều trị cụ thể.
Lý Ngọc biên dịch
Từ khóa Châm cứu đau thần kinh tọa