Một loại vaccine thử nghiệm mới đang được kỳ vọng có thể điều trị mọi loại khối u, theo công bố của các nhà nghiên cứu tại Mỹ.

te bao mien dich co the nguoi
Vaccine mRNA mới giúp hỗ trợ hệ miễn dịch nhận diện và tấn công tế bào ung thư. (Ảnh: Shutterstock)

Các chuyên gia từ Đại học Florida (University of Florida) cho biết họ đã phát triển một loại vaccine mRNA có khả năng “huấn luyện” hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư – tiến gần hơn đến mục tiêu tạo ra một loại vaccine ung thư phổ quát.

Loại vaccine này được ví như “one-two-punch” – chiêu thức boxing gồm cú đấm thẳng mở đường cho cú đấm chéo hạ gục đối thủ – vì nó cũng hoạt động theo hai bước: đánh thức hệ miễn dịch, rồi giúp hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Không giống như vaccine thông thường có chức năng phòng bệnh, loại vaccine này được dùng như một phương pháp điều trị.

Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine này giúp tăng hiệu quả của liệu pháp miễn dịch, một phương pháp điều trị ung thư đang được sử dụng nhằm hỗ trợ hệ miễn dịch nhận diện và tấn công tế bào ung thư.

Thử nghiệm trên chuột cho thấy khi kết hợp vaccine với một loại thuốc miễn dịch phổ biến gọi là chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (immune checkpoint inhibitor), ngay cả các khối u “khó trị” cũng có thể được loại bỏ.

Không giống các loại vaccine ung thư trước đây thường nhắm vào một loại protein cụ thể trong tế bào ung thư, loại vaccine mới này hoạt động bằng cách kích hoạt mạnh hệ miễn dịch, khiến cơ thể “tưởng” đang bị virus tấn công.

Cách làm này giúp tăng nồng độ protein PD-L1 trong khối u, từ đó làm cho khối u nhạy cảm hơn với thuốc miễn dịch và giúp tế bào miễn dịch dễ dàng nhận diện và loại bỏ khối u.

Các tác giả nghiên cứu chia sẻ:

“Chúng tôi nhận thấy rằng khi sử dụng một loại vaccine không nhắm cụ thể vào ung thư mà chỉ để kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh, cơ thể vẫn tạo ra phản ứng chống ung thư rất mạnh mẽ”.

“Vì vậy, loại vaccine này có tiềm năng được ứng dụng rộng rãi cho nhiều bệnh nhân ung thư – thậm chí có thể phát triển thành loại vaccine dùng sẵn (off-the-shelf), không cần cá nhân hóa”.

Trong suốt 8 năm qua, phòng thí nghiệm của tiến sĩ Sayour đã nghiên cứu các loại vaccine ứng dụng công nghệ mRNA tương tự như vaccine COVID-19.

Năm ngoái, nhóm đã thử nghiệm một phiên bản cá nhân hóa trên 4 bệnh nhân mắc glioblastoma – một dạng ung thư não ác tính thường gây tử vong – và ghi nhận được phản ứng miễn dịch mạnh và nhanh, giúp chống lại ung thư.

Phát hiện mang tính bước ngoặt

Nghiên cứu mới nhất, được công bố trên tạp chí Nature Biomedical Engineering, đã thử nghiệm một phiên bản không cá nhân hóa của vaccine, tức là không thiết kế riêng cho từng khối u – nhưng kết quả vẫn rất ấn tượng.

Ở chuột bị u hắc tố (melanoma) – một loại ung thư da nguy hiểm – việc kết hợp vaccine với thuốc ức chế PD-1 đã làm cho khối u thu nhỏ lại. Ở một số mô hình ung thư da, xương và não, việc sử dụng vaccine đơn lẻ (không kết hợp thuốc) cũng đã loại bỏ hoàn toàn khối u.

Các nhà nghiên cứu giải thích: “Ngay cả một phản ứng miễn dịch có vẻ như không liên quan trực tiếp đến khối u cũng có thể kích hoạt các tế bào T vốn không hoạt động, khiến chúng nhân lên và tấn công khối u – miễn là phản ứng đó đủ mạnh”.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang nỗ lực cải tiến công thức vaccine và đặt mục tiêu bắt đầu thử nghiệm trên người càng sớm càng tốt.

Thách thức

Hiệu quả của vaccine mRNA trong điều trị ung thư cần thêm thời gian và các thử nghiệm quy mô lớn để xác minh. Về mặt an toàn, dù hiện chưa thấy tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng hậu quả lâu dài của việc kích hoạt miễn dịch mạnh vẫn cần được theo dõi cẩn trọng. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học cảnh báo cần nghiên cứu kỹ các rủi ro liên quan vaccine mRNA COVID-19 trước khi mở rộng ứng dụng sang ung thư, tránh sai lầm tiêm rộng rãi khi bằng chứng chưa đủ đầy đủ.