Hành trình chiến thắng ung thư bằng trái tim của một giáo sư
- Tú Liên
- •
Với một khối u gan kích thước 19cm, di căn phổi và nhiều đợt điều trị, Giáo sư danh dự Hàn Bách Thành (Han Bo-Cheng) của Đại học Y khoa Đài Bắc đã vượt qua mọi thử thách để chiến thắng ung thư gan. 15 năm sau, ông vẫn không tái phát ung thư và cho rằng sự phục hồi của mình không chỉ nhờ y học mà còn nhờ một yếu tố mạnh mẽ: chữa lành cảm xúc. Câu chuyện của ông mang lại niềm hy vọng và góc nhìn sâu sắc cho những ai đang đối mặt với ung thư hoặc bất kỳ khủng hoảng lớn nào trong đời.

Chữa lành từ bên trong
Khi nhận chẩn đoán ung thư, cách bạn đối mặt với bệnh và vượt qua quá trình điều trị trở thành mối quan tâm lớn không chỉ với bản thân mà cả những người thân yêu. Với ông Hàn, bước ngoặt không chỉ đến từ y học – mà còn là từ tâm lý.
Năm 2008, ông được chẩn đoán mắc ung thư gan với khối u khổng lồ dài 19 cm, nặng 2 kg. Sau ca phẫu thuật cắt bỏ 2/3 lá gan, ung thư di căn đến phổi. Ông đã trải qua 25 đợt hóa trị, 12 lần xạ trị và điều trị nhắm trúng đích. Khi ung thư tái phát ba năm sau, ông tiếp tục phải phẫu thuật lần nữa. Từ đó đến nay, ông hoàn toàn không tái phát bệnh.
Không chỉ lấy lại sức khỏe, ông còn trông trẻ hơn tuổi thật – điều mà ông cho là nhờ một sự biến chuyển hoàn toàn trong cách nghĩ.
Ông Hàn tin rằng một phần quan trọng trong quá trình hồi phục nằm ở việc xử lý cảm xúc: “Tôi chính là gốc rễ của mọi vấn đề, và tình yêu thương là câu trả lời cho tất cả”.
Đó là một nhận thức then chốt trong hành trình hồi phục của ông.
Việc bệnh nhân cảm thấy trầm cảm hay cáu gắt trong quá trình điều trị là điều dễ hiểu, nhưng những cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể cản trở quá trình chữa lành. Ông nhấn mạnh rằng, ngoài thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sau chẩn đoán, việc quản lý cảm xúc còn quan trọng hơn và cũng là phần khó nhất.
Ông kể lại khoảnh khắc lần đầu tiên nhận chẩn đoán như “sét đánh giữa trời quang”. Những ngày đầu hóa trị khiến ông mất vị giác, và từng than phiền với vợ về những bữa cơm bà nấu đầy tâm huyết. Chỉ khi thấy bà khóc, ông mới nhận ra và xin lỗi – hành động đó không chỉ hàn gắn mối quan hệ đang căng thẳng, mà còn mang lại sự nhẹ nhõm và niềm vui sâu sắc, trở thành bước ngoặt trong quá trình chữa lành từ bên trong.
Gốc rễ cảm xúc của bệnh tật
Ông Hàn nhấn mạnh rằng cảm xúc tiêu cực kéo dài như oán giận, buồn phiền, sợ hãi… có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho bệnh tật phát triển.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trầm cảm và lo âu có thể cản trở quá trình điều trị và phục hồi ung thư, làm giảm chất lượng sống và khả năng sống sót. Ông nhắc nhở bệnh nhân ung thư rằng không thể chỉ trông chờ vào điều trị y tế, mà cần thay đổi cả tâm lý, cảm xúc.
“Đừng sống trong sự giằng xé, và đừng để cảm xúc tiêu cực kéo bạn xuống”, ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng nhiều thói quen sống không lành mạnh, như thức khuya, ăn uống bừa bãi… thường bắt nguồn từ căng thẳng cảm xúc. Ông khuyên người bệnh nên tự soi xét lại những nguyên nhân bên trong đã dẫn đến bệnh tật – chẳng hạn, bỏ qua việc quản lý cảm xúc khiến cuộc sống mất cân bằng, làm suy giảm miễn dịch.
Chìa khóa, theo ông, là cần nhìn nhận, xử lý cảm xúc, dám thay đổi và nuôi dưỡng hệ miễn dịch. Điều này có thể giúp tế bào ung thư thoái lui, thậm chí tái lập trí nhớ tế bào theo chiều hướng tích cực.
Ông nói: “Hãy bắt đầu từ trái tim. Đó là lúc bạn bắt đầu đi đúng hướng”.
Một trái tim hạnh phúc là liều thuốc tốt nhất
Dù ăn uống và vận động là quan trọng, ông Hàn cho rằng sự chữa lành thực sự còn cần có niềm vui và sự an lạc từ bên trong.
“Niềm vui là một lực lượng chống ung thư vô hình nhưng đầy sức mạnh”.
Ông chia sẻ rằng hạnh phúc rất dễ có được qua những việc nhỏ, như làm việc thiện, giúp đỡ người khác, học cách hài lòng. Để chuyển từ tâm lý oán trách sang lòng biết ơn cần có sự bao dung. Khi đối mặt với lỗi lầm của người khác, thay vì tranh cãi đúng sai, hãy chọn tha thứ và cảm thông – đó cũng là cách bạn giúp chính mình. Đây chính là bí quyết giúp ông tìm lại cả sức khỏe lẫn hạnh phúc.
Ông khuyên mọi người nên làm nhiều việc tốt và giúp đỡ người khác. Khi đó, cảm xúc và sức khỏe sẽ dần được cải thiện.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giúp đỡ người khác, sống vị tha có thể cải thiện sức khỏe tâm thần, tạo ra cảm xúc tích cực, và điều đó tác động đến miễn dịch. Cải thiện tâm trạng có thể ảnh hưởng đến các chỉ số miễn dịch, giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
Ông nhấn mạnh rằng, khi hệ miễn dịch được củng cố, rất nhiều vấn đề sức khỏe sẽ được giải quyết. Đây là cách đơn giản và tiết kiệm nhất để duy trì sức khỏe.
Bình an nội tâm tạo nên sức mạnh chống ung thư
Sau hơn 10 năm vượt qua các đợt phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị nhắm trúng đích, ông Hàn vẫn duy trì được sức khỏe ổn định. Ông hy vọng sẽ dùng trải nghiệm của mình để tiếp thêm niềm tin cho những bệnh nhân ung thư khác trong hành trình chiến đấu và hồi phục.
Ông thừa nhận rằng bệnh nhân ung thư đôi khi phải đối mặt với sự trách móc hoặc hiểu lầm từ gia đình – có thể do áp lực cảm xúc, gánh nặng điều trị hoặc thay đổi vai trò trong gia đình.
Ông khuyên người bệnh nên “trước tiên hãy tự rèn luyện bản thân, thay vì đòi hỏi từ người khác, và hãy giữ cho tâm hồn cởi mở”. Hãy biết trân quý cuộc sống, sống trong hiện tại, tìm kiếm niềm vui và sự thư giãn bất cứ khi nào có thể. Đối mặt với tổn thương, rồi can đảm bước tiếp.
“Khi bạn bắt đầu thay đổi từ trái tim, sức khỏe và hy vọng sẽ đến”.
Tú Liên, theo The Epoch Times
Từ khóa ung thư
