Cân nặng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển chức năng phổi của trẻ em. Phổi không đạt dung tích tối đa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh phổi, tiểu đường.

Tre bi benh phoi
Cân nặng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển chức năng phổi của trẻ em. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Mới đây, một nghiên cứu đã cảnh báo rằng trẻ em quá gầy hoặc quá béo đều có nguy cơ bị suy giảm chức năng phổi. Tuy nhiên, nếu các em có thể bình thường hóa cân nặng trước khi trưởng thành thì tình trạng suy giảm này có thể thay đổi.

Cứ 10 trẻ thì sẽ có 1 em có chức năng phổi kém phát triển trong thời thơ ấu. Nếu gặp phải tình trạng này thì các em không thể đạt được dung tích phổi tối đa khi trưởng thành. Điều này sẽ khiến các em tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh phổi và tiểu đường.

“Các bậc phụ huynh cần tối ưu hóa sự phát triển của con cái ngay từ khi còn nhỏ, trong những năm đầu đi học và tuổi vị thành niên”, tiến sĩ Erik Melén, giáo sư nhi khoa tại Viện Karolinska ở Thụy Điển, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 3.200 trẻ em từ khi sinh ra đến năm 24 tuổi. Trong thời gian đó, chỉ số BMI của các em được đo từ bốn đến 14 lần.

“Đây là nghiên cứu lớn nhất từ ​​trước đến nay. Chúng tôi đã theo dõi các em từ khi sinh ra cho đến năm 24 tuổi, nghĩa là chúng tôi cũng đã quan sát toàn bộ các giai đoạn phát triển chức năng phổi của các em”, nhà nghiên cứu chính Gang Wang, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về khoa học lâm sàng và giáo dục tại Viện Karolinska, cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, cân nặng của trẻ (quá gầy, quá béo, bình thường) sẽ được định hình khi trẻ được 2 tuổi. Họ đã đo chức năng phổi của trẻ ở độ tuổi 8, 16 và 24 để có thể đưa ra những nhận định về sự phát triển đường thở của trẻ em.

Kết quả cho thấy khi so với trẻ có BMI bình thường thì những trẻ có BMI cao hoặc tăng cao có chức năng phổi bị suy giảm khi trưởng thành, chủ yếu là do luồng khí trong phổi bị hạn chế.

“Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng nhóm có BMI ban đầu cao nhưng BMI trở nên bình thường trước tuổi dậy thì có chức năng phổi không bị suy giảm khi trưởng thành”, tiến sĩ Melén lưu ý.

Các mẫu nước tiểu từ trẻ em có BMI cao cũng cho thấy mức độ chất chuyển hóa của axit amin thiết yếu histidine tăng cao. Một mô hình tương tự đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

“Thông qua nghiên cứu, chúng tôi có thể nhận ra các dấu hiệu sinh học khách quan cho mối tương quan mà chúng tôi đã tìm thấy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa biết chính xác mối liên hệ phân tử giữa BMI cao, histidine và sự phát triển phổi bị suy giảm”, tiến sĩ Melén cho biết.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng BMI thấp cũng có liên quan đến tình trạng chức năng phổi kém vì phổi không có điều kiện để phát triển đầy đủ.

“Trọng tâm chúng tôi muốn nói ở đây là tình trạng thừa cân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến những trẻ em có BMI thấp và đưa ra các biện pháp dinh dưỡng hợp lý”, Wang cho biết.

Minh Minh (Theo upi)