Một báo cáo vào tháng 5 đã gợi mở về xu hướng đáng lo ngại ở người trưởng thành dưới 45 tuổi. Sau đây là những gì báo cáo phát hiện, cũng như các triệu chứng và yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng.

r shutterstock 2103675932
(Ảnh minh họa: aslysun/Shutterstock)

Trong 20 năm qua, ung thư đại trực tràng ngày càng ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng tăng đáng kể ở những người dưới 45 tuổi, với mức tăng gấp năm lần ở trẻ em từ 10 đến 14 tuổi. Xu hướng đáng quan tâm này đã thu hút sự chú ý rộng rãi, thúc đẩy các khuyến nghị hạ thấp hơn nữa độ tuổi sàng lọc hiện tại là 45. Các chuyên gia cũng kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về ung thư đại trực tràng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, chẳng hạn như chế độ ăn uống và thói quen lối sống không lành mạnh.

Theo số liệu thống kê năm 2023 của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư đại trực tràng là căn bệnh ung thư gây tử vong thứ hai tại Hoa Kỳ sau ung thư phổi. Hơn 153,000 người ở Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng và dự kiến ​​sẽ có 52,550 người tử vong vì căn bệnh này. Trong số này, 19,550 ca bệnh và 3,750 ca tử vong liên quan đến bệnh nhân dưới 50 tuổi, được phân loại là Ung thư đại trực tràng khởi phát sớm.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là những người trẻ tuổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn sau vì họ ở dưới độ tuổi sàng lọc. Khi phát hiện, ung thư đại trực tràng thường ở giai đoạn di căn và lan rộng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn nhiều.

Báo cáo tiết lộ ‘Xu hướng rất đáng lo ngại’

Một nghiên cứu được trình bày tại sự kiện Tuần lễ bệnh tiêu hóa 2024 vào tháng 5 đã sử dụng cơ sở dữ liệu WONDER của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) để phân tích tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng từ năm 1999 đến năm 2020. Những thay đổi về tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng theo từng nhóm tuổi như sau:

  • Độ tuổi từ 10 đến 14: tăng 500 phần trăm
  • Độ tuổi từ 15 đến 19: tăng 333 phần trăm
  • Độ tuổi từ 20 đến 24: tăng 185 phần trăm
  • Độ tuổi từ 25 đến 29: tăng 68 phần trăm
  • Độ tuổi từ 30 đến 34: tăng 71 phần trăm
  • Độ tuổi từ 35 đến 39: tăng 58 phần trăm
  • Độ tuổi từ 40 đến 44: tăng 45 phần trăm

“Dữ liệu này cho thấy một số xu hướng rất đáng lo ngại, đặc biệt là ở nhóm dân số trẻ tuổi, những người thường không được nghĩ đến khi cân nhắc sàng lọc ung thư đại trực tràng cho bệnh nhân”, Tiến sĩ Islam Mohamed, tác giả chính của nghiên cứu và là bác sĩ nội trú tại Đại học Missouri–Kansas City, cho biết trong một tuyên bố.

Nhận biết các triệu chứng ung thư trực tràng

Ung thư thường được coi là một căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Trong nhiều năm, độ tuổi sàng lọc ung thư đại trực tràng được khuyến nghị ở Hoa Kỳ là 50 tuổi. Tuy nhiên, do lo ngại ngày càng tăng về tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở những người trẻ tuổi, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã hạ độ tuổi sàng lọc được khuyến nghị xuống còn 45.

Nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào những người dưới 45 tuổi vì họ không nằm trong hướng dẫn sàng lọc hiện hành. Sự giám sát này làm tăng nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát hiện và điều trị sớm đối với ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Ông Mohamed cho biết trong tuyên bố, rằng bất kể độ tuổi nào, khi có triệu chứng liên quan đều có khả năng mắc ung thư đại trực tràng. Ông nói thêm: “Điều quan trọng là công chúng phải nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư đại trực tràng”.

Những bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng khởi phát sớm có thể gặp phải những thay đổi về thói quen đại tiện, đau bụng hoặc chảy máu trực tràng. Tiến sĩ Mohamed lưu ý rằng nếu những triệu chứng này xảy ra, điều quan trọng là phải cẩn thận và đánh giá kịp thời.

ung thu dai truc trang
(Ảnh minh họa: Blausen Medical Communications, Inc./ Wikimedia)

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mặc dù không có phương pháp chắc chắn nào để ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, nhưng việc sàng lọc có thể phát hiện ra các tế bào bất thường trước khi chúng tiến triển thành ung thư. Ngoài ra, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ thay đổi được có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư.

Có thể kiểm soát nguy cơ thông qua nhiều phương pháp, bao gồm quản lý chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng và hoạt động thể chất. Ví dụ, tiêu thụ nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt trong khi giảm lượng thịt đỏ và thịt chế biến có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, tránh hút thuốc và giảm tiêu thụ rượu cũng có thể góp phần làm giảm nguy cơ. Tại Hoa Kỳ, việc tiêu thụ rượu có liên quan đến khoảng 6% các trường hợp ung thư và 4% các ca tử vong do ung thư.

Các yếu tố nguy cơ chính của ung thư trực tràng

Vào tháng 4, Tiến sĩ John Marshall, phó giám đốc chăm sóc lâm sàng tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Georgetown Lombardi và là chuyên gia về ung thư đường tiêu hóa, đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với Katie Couric về tầm quan trọng của hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng và duy trì sức khỏe tổng thể.

“[Lối sống hiện đại] bằng cách nào đó đã thay đổi hệ vi sinh bên trong của chúng ta. … Chúng tôi nghĩ rằng đó là một phần lớn trong hệ thống miễn dịch của chúng ta”, ông nói.

Hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh và nhiễm trùng đường ruột cũng như điều chỉnh tình trạng viêm bằng cách tác động đến hệ thống miễn dịch. Các chức năng này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ung thư đại trực tràng.

Marshall cho biết những người trẻ tuổi trong môi trường hiện đại tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng hơn, bao gồm thói quen ăn uống kém (như tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến), béo phì và thường xuyên sử dụng các sản phẩm có chứa vi nhựa.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ xác định béo phì, tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến, hút thuốc và sử dụng rượu là các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi đối với ung thư đại trực tràng. Ngược lại, các yếu tố di truyền, không thể thay đổi, chỉ chiếm khoảng 5 phần trăm các trường hợp ung thư đại trực tràng.

Một đánh giá có hệ thống năm 2022 về ung thư đại trực tràng khởi phát sớm đã ủng hộ các khuyến nghị về chế độ ăn uống của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có thói quen dinh dưỡng kém—chẳng hạn như tiêu thụ nhiều thực phẩm chiên và chế biến, chế độ ăn nhiều chất béo, đồ uống và món tráng miệng có đường, cùng với lượng folate và chất xơ hấp thụ thấp—có khả năng mắc ung thư đại trực tràng trước tuổi 50 cao hơn đáng kể.

Các yếu tố nguy cơ bổ sung

Ngoài chế độ ăn uống, nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến sự xuất hiện của ung thư đại trực tràng. Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, Tổng giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế phương Bắc tại New York, chia sẻ với tờ The Epoch Times rằng chức năng miễn dịch suy giảm, căng thẳng tâm lý gia tăng, ngủ kém và hoạt động thể chất không đủ đều góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe và làm tăng nguy cơ ung thư.

Một yếu tố nguy cơ mới nổi khác thu hút sự chú ý rộng rãi là vi nhựa, được định nghĩa là các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm, vi nhựa tràn lan trong không khí, nước, thực phẩm và các sản phẩm hàng ngày. Khi ăn phải, chúng có thể gây ra những thay đổi sinh lý trong ruột. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng vi nhựa có thể làm giảm độ dày và tổn thương lớp niêm mạc ruột, làm suy yếu chức năng hàng rào của lớp này. Điều này khiến các tác nhân gây bệnh và độc tố dễ dàng xâm nhập vào niêm mạc đại tràng, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.

Ông Dương lưu ý rằng vi nhựa có thể giải phóng các chất gây ung thư, tăng phản ứng viêm, gây tổn thương oxy hóa trong cơ thể và thậm chí dẫn đến đột biến DNA. Do đó, việc hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa và nano nhựa là điều nên làm để giảm các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng và các bệnh khác.

Ung thư đại trực tràng tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (GLOBOCAN) 2022, ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc mới trên toàn cầu với 1.926.425 ca và đứng thứ 2 về tỷ lệ tử vong do ung thư (chỉ sau ung thư phổi).

Tại Việt Nam, trong năm 2022 ghi nhận 16.835 ca mắc mới, đứng thứ 4 trong những bệnh ung thư phổ biến (chiếm tỷ lệ 9,7%) và đứng thứ 5 về tỷ lệ tử vong do ung thư (chỉ sau ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú và ung thư dạ dày).

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ gần như tương đương, với nữ chiếm 47% và nam chiếm 53%. Độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 40 tuổi trở lên, chiếm tới 95,7% và bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.

Dữ liệu được GLOBOCAN khảo sát và ghi nhận hàng năm, công bố gối đầu. Số liệu mới nhất là GLOBOCAN 2022 được công bố vào năm 2023. Năm 2024 chưa có dữ liệu ung thư 2023.

Thanh Lam (dịch và t/h)