Người xưa thường nói “Thuốc đắng giã tật”. Hóa ra, vị đắng không chỉ là hương vị – đó còn là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến cơ thể.

lettuce
Rau diếp. (Ảnh: Pauline Mak/Flickr)

Thực phẩm và thảo dược có vị đắng có thể không phải là thứ khiến chúng ta thèm ăn ngay từ đầu bữa, nhưng theo cả y học hiện đại và kinh nghiệm dân gian hàng thế kỷ, đây lại chính là “mảnh ghép còn thiếu” cho một lối sống lành mạnh. Từ hỗ trợ tiêu hóa, ổn định đường huyết cho đến tác động đến các hormone liên quan đến việc kiểm soát cân nặng, những loại thực vật có vị đắng đang dần trở lại và được nhìn nhận với một góc nhìn mới.

Chiết xuất đắng là các loại dịch chiết cô đặc từ thảo dược có vị đắng tự nhiên. Nhiều loại trong số đó bạn có thể dễ dàng tìm thấy tại các cửa hàng thực phẩm chức năng hoặc đặt mua trực tuyến. Chỉ cần vài giọt trước bữa ăn đã đủ để “đánh thức” hệ tiêu hóa, khởi động các quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Nhưng điều gì đứng sau vị đắng đặc trưng ấy khiến chúng có nhiều tác dụng đến vậy?

Đánh thức ‘Phản xạ đắng’

Vị đắng kích hoạt các thụ thể đặc biệt không chỉ trên lưỡi mà còn trên toàn bộ đường tiêu hóa. Các thụ thể này, được gọi là thụ thể vị giác loại 2 (TAS2R), sẽ kích hoạt “phản xạ đắng”, giúp hỗ trợ tiêu hóa bằng cách phân giải các phân tử thức ăn hiệu quả hơn. Phản xạ đắng cũng có thể kích thích nhu động ruột, một phản ứng của thần kinh phó giao cảm đảm nhận vai trò “nghỉ ngơi và tiêu hóa”.

Mặc dù các loại thảo mộc đắng đã được sử dụng trong hàng nghìn năm trong Trung y và các hệ thống chữa bệnh truyền thống khác để hỗ trợ hệ tiêu hóa, nhưng khoa học hiện đại hiện mới đang khám phá cách chúng hoạt động.

Phản xạ đắng kích thích sản xuất nước bọt, axit dạ dày, mật và các enzyme tiêu hóa. Việc tiết axit dạ dày mạnh (axit clohydric), vốn suy giảm tự nhiên theo tuổi tác, đặc biệt quan trọng đối với quá trình tiêu hóa protein. Nhìn chung, những dịch tiết này giúp cơ thể tiếp nhận thức ăn, cho phép phân giải và hấp thụ hiệu quả hơn.

Cải thiện sức khỏe

Những tác động tổng hợp của vị đắng đối với dịch tiết tiêu hoá và tín hiệu thụ thể ảnh hưởng đến việc giải phóng các hormone chuyển hóa như peptide-1 giống glucagon (GLP-1), giúp cải thiện hiệu quả đường huyết. Nó cũng ảnh hưởng đến mức độ hấp thụ và di chuyển thức ăn qua ruột. Những thay đổi sinh lý này có thể có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đang tập trung vào việc giảm cân.

Nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra rằng các loại thảo mộc đắng thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh bằng cách khuyến khích sự phát triển của lợi khuẩn và giảm các vi khuẩn có hại. Vì phần lớn hệ miễn dịch nằm ở ruột nên sự cân bằng này cũng hỗ trợ khả năng miễn dịch và có thể làm giảm tình trạng viêm.

Vị đắng có thể giúp giảm cảm giác thèm ăn và ảnh hưởng đến hormone gây đói, từ đó có khả năng khiến bạn ăn ít hơn. Ngoài ra, vị đắng có thể có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, giúp bảo vệ não, tim và các cơ quan khác khỏi tác hại của tình trạng viêm mãn tính và căng thẳng oxy hóa – vốn có thể dẫn đến tổn thương tế bào.

Vậy, bạn đã sẵn sàng để cải thiện sức khỏe đường ruột một cách tự nhiên chưa? Sau đây là cách để bắt đầu:

Bắt đầu từ từ và kiên trì

Để thấy được lợi ích, hãy sử dụng các loại tinh chất đắng thường xuyên – lý tưởng nhất là khoảng 15 phút trước bữa ăn chính. Sử dụng thuốc đắng trước khi bắt đầu ăn giúp huấn luyện vị giác, kích thích tiết dịch dạ dày và hỗ trợ toàn bộ hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu chưa quen, vị đắng có thể rất nồng. Một số người thích bắt đầu bằng cách thêm một nắm rau đắng, chẳng hạn như rau arugula (xà lách rocket), vào món salad hoặc trộn vào bữa ăn chính đã nấu chín.

Nếu bạn đã sẵn sàng sử dụng tinh chất đắng, hãy bắt đầu với khoảng 1ml hoặc 20 giọt hỗn hợp tinh chất đắng tiêu hóa chất lượng cao một lần một ngày trước bữa ăn, sau đó tăng dần lên trước cả ba bữa ăn.

Chọn loại sản phẩm đắng phù hợp

Hãy tìm các sản phẩm pha trộn có chứa các loại thảo mộc đắng kinh điển như long đởm, rễ bồ công anh, atisô, nho Oregon, hoàng liên hoặc gừng. Trên thị trường có sẵn các lựa chọn không chứa cồn dành cho những người không muốn hoặc cần tránh cồn, chẳng hạn như phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.

Kết hợp thực phẩm có vị đắng

Hãy thử thêm những thực phẩm này vào bữa ăn của bạn:

  • Rau bồ công anh: Xào với dầu ô liu nguyên chất và tỏi hoặc gừng.
  • Rau diếp xoăn: Rắc một nắm lên các món ăn đã nấu chín hoặc salad để tạo vị đắng hoặc cay nhẹ.
  • Mướp đắng (khổ qua): Nhồi với thịt để nấu canh, xào trứng hoặc thịt.
  • Nõn cải sen: Có thể luộc, xào tỏi hoặc thịt bò.
  • Lá đu đủ: Thường dùng lá non (lá bánh tẻ), có thể luộc chấm mắm nêm, xào thịt hoặc nấu canh với tim, gan.
  • Rau đắng: Thêm vào các món gỏi, nấu canh, hoặc xào tỏi.
  • Vỏ cam quýt: Thêm vào sữa chua, sinh tố hoặc pha trà.
  • Ca cao không đường hoặc sô cô la đen: Sử dụng như một món ăn nhẹ, một ly thức uống nóng hoặc thêm vào sinh tố.

Lắng nghe cơ thể của bạn

Hãy chú ý cảm giác của bạn sau khi thêm vị đắng vào khẩu phần ăn. Hệ tiêu hóa được cải thiện, ít đầy hơi hơn và năng lượng cân bằng hơn là những dấu hiệu phổ biến cho thấy việc thêm vị đắng đang phát huy tác dụng. Bạn nên viết nhật ký thực phẩm trong một tuần khi dùng thử để theo dõi phản ứng của cơ thể. Việc này sẽ giúp xác định những thay đổi và cảnh báo về bất kỳ phản ứng nào có thể liên quan đến quá liều.

Các loại chiết xuất đắng không chỉ là một xu hướng chăm sóc sức khỏe mà còn là một phương pháp chữa bệnh đã được kiểm nghiệm theo thời gian và giờ đây đã được khoa học hiện đại chứng minh.

Vì vậy, lần tới khi bạn nhìn thấy lá bồ công anh ở chợ hoặc một chai tinh chất đắng tại cửa hàng thực phẩm chức năng tại địa phương, hãy thử dùng chúng trong bữa ăn nhé.