Vì sao Trung y đặc biệt coi trọng giữ ấm vùng bụng vào mùa Đông?
- Sơn Thành
- •
Tiết trời mùa Đông hàn tà là chủ khí, dễ kết hợp với phong tà mà gây bệnh cho cơ thể, thường gặp nhất là cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, phế khí thũng, đau xương khớp… Theo Trung y, trong dưỡng sinh, nhiều người chú ý ủ ấm cho đầu cổ chân tay nhưng nếu bỏ qua vùng bụng thì là một thiếu sót lớn.
Theo y thư cổ Hoàng Đế nội kinh của Trung y, vùng bụng có tới 6 âm kinh đi qua, mà âm thuộc hàn, rất dễ ngưng tụ. Bụng tự nhiên trở thành nơi trọng yếu đối với sức khỏe con người. Nếu chất độc, chất béo tích tụ tại đây, lâu ngày sẽ gây tắc nghẽn kinh mạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành khí huyết. Cho nên có thể nói, sự tích ứ ở vùng bụng là nguồn gốc của trăm bệnh.
Bụng có rốn vốn là vị trí đặc biệt quan trọng. Trung y xem rốn là nguồn gốc của sự sống đầu tiên khi hình thành con người, là cuống rễ của sự sống sau khi ra đời. Trong châm cứu, chính giữa rốn gọi là huyệt Thần khuyết, còn gọi huyệt Khí xá. Các sách của Đông y khi nói đến huyệt Thần khuyết đều ghi rõ cấm châm. Huyệt Thần khuyết là “đầu mối giao thông” quan trọng trong hệ thống các đường kinh lạc, liên hệ mật thiết với lục phủ ngũ tạng, 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch.
Ngay dưới rốn lại có đan điền, cũng rất trọng yếu đối với cơ thể người. Vị trí của đan điền chính là huyệt Quan nguyên trên Nhâm mạch. Quan nguyên nghĩa là nơi “chứa nguyên khí của cơ thể”. Vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được làm tổn hại nguyên khí, bởi lẽ một khi đã bị tổn hại, nguyên khí sẽ rất khó phục hồi.
Trong thực tế, có nhiều người chưa già đã yếu, nhưng cũng có không ít người tuổi cao mà vẫn tráng kiện. Kỳ thực là có liên quan mật thiết đến việc điều dưỡng đan điền (hay nói khác hơn là vùng bụng) của chúng ta.
Theo y sư Thái Hồng Quang, là người Quảng Châu, Trung Quốc, chủ tịch Hội Nghiên cứu Sức khoẻ kinh lạc Quốc tế Hồng Kông, nhiều trường hợp suy nhược, kiệt sức, stress, thậm chí mất cân bằng nội tiết tố hay mắc bệnh nan y đều có nguyên nhân từ vùng bụng.
1. Bụng nhiễm hàn, bách bệnh sinh
Nhiệt độ vùng bụng càng thấp thì cơ thể càng bất ổn. Thông thường, nhiệt độ vùng bụng trên 36°C thì cơ thể khoẻ mạnh; 34°C thì bị stress, mệt mỏi, kiệt sức; 32°C thì phát sinh bệnh tật; còn dưới 30°C thì sinh ra khối u.
Với nữ giới, đa phần các chứng kinh nguyệt không đều, mất cân bằng nội tiết tố, u xơ tử cung, tắc ống dẫn trứng hay vô sinh ở nữ, đều có liên quan đến hiện tượng hàn tử cung (là một trong những nguyên nhân gây vô sinh).
2. Hàn khí ngưng trệ dễ hình thành khối u
Vùng bụng là nơi âm kinh quy tụ, nếu không chú ý bảo vệ, nó sẽ nhanh chóng trở thành nơi tích mỡ và hàn khí, lâu dần sinh ra khối u mỡ, khối u dạng sợi, nốt ruồi son, nốt ruồi đen, dị ứng, nếp nhăn… khiến khí huyết kinh mạch bị tắc nghẽn.
3. Vùng bụng càng hàn thì vòng bụng càng lớn
Một khi vùng bụng bị nhiễm hàn, mỡ sẽ tích tụ lại làm tắc nghẽn kinh mạch, khiến cơ thể cứ béo dần, vòng bụng ngày càng to, các khối u cũng di căn ngày càng rộng. Vùng bụng là nơi có 9 kinh mạch đi qua, nên nếu tại đây xuất hiện khối u thì các kinh mạch nói trên sẽ bị tắc nghẽn, tạo nên một loạt phản ứng dây chuyền trong quá trình vận hành khí huyết. Do đó, nhiều bệnh nhân béo phì dù đã uống thuốc giảm cholesterol, hạ đường huyết và huyết áp nhưng vẫn không hiệu quả, bởi mấu chốt cần xử lý là vùng bụng. Một khi số đo vòng bụng giảm, việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả.
4. Lạnh vùng bụng gây yếu liệt chi dưới
Vùng bụng còn là nơi chủ quản của mạch Đới, bao bọc các kinh dương minh, thiếu âm, mạch xung, mạch nhâm, mạch đốc, thái âm, thiếu dương, cho nên khi vùng bụng bị lạnh, phần dương khí bên trên khó giáng xuống, và âm khí bên dưới sẽ khó thăng lên trên, gây ra các bệnh như: yếu liệt hai chân, đầy bụng, tê từ thắt lưng xuống hai chân, chân mọng nước, hoặc suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Do vậy, làm ấm vùng bụng có thể cải thiện đáng kể các bệnh rối loạn Đới mạch nói trên.
Theo Trung y, nhiệt độ vùng bụng chính là tiêu chuẩn đánh giá mức độ stress và bệnh mãn tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu nhiệt độ trung bình của vùng bụng dưới 34°C sẽ gây hại cho sức khoẻ. Trẻ con được giữ ấm vùng bụng sẽ ít bị bệnh.
Để sưởi ấm cho bụng, đánh tan hàn tà ngưng trệ, bạn chỉ cần một chiếc đèn học hay đèn hồng ngoại, hoặc một gói ngải rang cám hay muối để vào vùng rốn, xoa quanh đó, dần dần sẽ thấy điều kỳ diệu xảy ra. Đây vốn là phương pháp chữa đau bụng do lạnh trong dân gian, nhưng nếu suy rộng ra, có thể giải quyết những chứng mà y học hiện đại vẫn còn gặp khó khăn.
Kỳ thực, giữ ấm vùng bụng vô cùng trọng yếu, ngay cả giữa hè nóng bức cũng cần giữ lưu ý hạn chế ăn uống đồ sống đồ lạnh, không lạm dụng điều hòa, khi ngủ cần che phủ cho bụng…
Sơn Thành
Từ khóa đông y Trung y Hàn lạnh hàn khí Hàn tử cung