Virus corona mới: Những điều bạn cần biết
- Tiến Phong
- •
Đứng trước đại mỗi đại dịch bệnh truyền nhiễm, điều cần thiết là phải hiểu rõ nguồn lây, cơ chế gây bệnh, từ đó mới tìm được cách phòng ngừa hợp lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì hiện nay chúng ta chưa có hiểu biết đầy đủ về loại virus corona mới (2019-nCoV) đang gây ra đại dịch trên toàn cầu. Tuy vậy, cũng giống như các loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp khác, cách phòng ngừa và phương thức lây truyền của chúng có những điểm tương đồng với nhau. Dưới đây là các khuyến cáo của các nhà chuyên môn về chủng nCoV này.
1. Virus corona 2019-nCoV lây truyền như thế nào?
Những hiểu biết hiện này của các chuyên gia y tế về loại virus 2019-nCoV là không nhiều. Những gì họ biết hiện nay là dựa vào những ‘chủng virus cùng họ’ đã từng được nghiên cứu trước đó, chúng thuộc họ virus kí sinh trên các động vật như lạc đà, trâu, mèo và dơi. Trong một số trường hợp hiếm gặp, virus này có thể lây bệnh từ người qua người như SARS, MERS và bây giờ là 2019-nCoV (1).
Loại virus lây từ người sang người là do tiếp xúc gần. Khi người mang mầm bệnh ho, hắt hơi hay xì mũi, sẽ tạo ra những giọt nước nhỏ trong không khí trong phạm vi khoảng 6 feet (tương đương với 1,83m). Những giọt nước nhỏ có mang virus này bắn vào không khí một khoảng thời gian, rồi rơi xuống các vật dụng xung quanh trong phạm vi nói trên. Người ở gần khi hít phải, hoặc bị bắn vào miệng, mắt, mũi thì sẽ nhiễm virus. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chưa hoàn toàn chắc chắn việc sờ vào các vật dụng hoặc bề mặt có mang virus rồi sờ lên mũi, mắt, miệng thì có bị lây nhiễm hay không, nhưng về lý thuyết thì điều này là có thể.
2. Phòng bệnh nCoV như thế nào?
Vì cơ chế lây truyền của virus là thông qua việc tiếp xúc gần, vậy nên tránh tiếp xúc với nguồn bệnh là yếu tố cốt lõi. Dưới đây là một số khuyến cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (2).
- Rửa tay bằng xà bông ít nhất 20 giây sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi xì mũi, sau khi ho và sau khi hắt hơi.
- Khi không có nước và xà phòng thì có thể dùng dung dịch sát khuẩn có nồng độ cồn ít nhất 60%. Khi thấy tay bẩn thì phải rửa tay bằng xà phòng.
- Không đưa tay chưa được rửa sạch lên mắt, mũi và miệng.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh khi không cần thiết.
- Dùng khăn giấy che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó bỏ ngay vào sọt rác.
- Rửa sạch và khử trùng thường xuyên những vật dụng và những vị trí hay tiếp xúc trong nhà.
Ngoài ra Tổ chức Y tế Thế giới còn khuyến cáo không nên ăn thịt gia súc, gia cầm sống hoặc những đồ ăn chưa được nấu chín (3).
3. Khi nào cần đeo khẩu trang?
Theo các chuyên gia thì việc đeo khẩu trang chỉ có hiệu quả trong trường hợp:
- Người đang bị bệnh hoặc người nghi ngờ bị bệnh hoặc có chỉ định cách ly.
- Người đang chăm sóc người bị bệnh hoặc tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh.
Trong hai trường hợp này thì nên đeo khẩu trang loại N95 trở lên mới có tác dụng phòng ngừa (4).
Việc đeo khẩu trang đối với các trường hợp khác có thể tạo nên tâm lý yên tâm giả và làm lơ là các biện pháp phòng ngừa khác. Tuy nhiên đeo khẩu trang cũng một phần có tác dụng làm người đeo ít sờ tay lên mũi, miệng và mắt hơn (4). Do đó, trong những điều kiện ít nguy cơ thì có thể cân nhắc không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
4. Khi nào cần đi khám Bác sĩ?
Bạn nên đi gặp Bác sĩ khi có một trong các triệu chứng sau (3):
- Sốt
- Ho
- Khó thở
5. Có cách nào để phòng bệnh hiệu quả hơn không?
Tăng cường sức đề kháng của bản thân cũng là một cách giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh. Một lối sống cân bằng hợp lý sẽ giúp bạn tăng khả năng đề kháng của mình với virus. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, trà xanh có tác dụng ức chế sự phát triển của virus trong phòng thí nghiệm, giúp làm giảm tỷ lệ bị nhiễm cúm và cảm lạnh (5).
Ngoài ra, một nghiên cứu của tiến sĩ Bruce Barrett, Đại học Wisconsin được tiến hành vào năm 2012 cho thấy thiền định hoặc luyện tập giúp làm giảm tỷ lệ bị viêm nhiễm đường hô hấp đến 40-50% (6). Một nghiên cứu khác của tiến sĩ Bruce vào năm 2018 cũng cho kết quả thiền định giúp làm giảm đáng kể khả năng bị nhiễm cúm và viêm hô hấp (7).
Các nghiên cứu về tác hại của rượu cho thấy, lạm dụng rượu sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch đặc biệt hàng rào miễn dịch bảo vệ của đường hô hấp cũng suy yếu do đó dễ bị mắc nhiễm trùng đường hô hấp (9).
Tiến Phong (t/h)
Tài liệu tham khảo:
1. CDC: How 2019-nCoV Spreads. In. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/about/transmission.html; 2020.
2. CDC: About 2019-nCoV: Prevention & Treatment. In. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/about/prevention-treatment.html; 2020.
3. WHO: Novel Coronavirus 2019: Advice for public. In. https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public; 2020.
4. Pathak N: Can Wearing a Mask Protect You From Coronavirus? . In. https://www.medscape.com/viewarticle/924531; 2020.
5. Furushima D, Ide K, Yamada H: Effect of Tea Catechins on Influenza Infection and the Common Cold with a Focus on Epidemiological/Clinical Studies. Molecules (Basel, Switzerland) 2018, 23(7):1795.
6. Barrett B, Hayney MS, Muller D, Rakel D, Ward A, Obasi CN, Brown R, Zhang Z, Zgierska A, Gern J et al: Meditation or exercise for preventing acute respiratory infection: a randomized controlled trial. Ann Fam Med 2012, 10(4):337-346.
7. Barrett B, Hayney MS, Muller D, Rakel D, Brown R, Zgierska AE, Barlow S, Hayer S, Barnet JH, Torres ER et al: Meditation or exercise for preventing acute respiratory infection (MEPARI-2): A randomized controlled trial. PLOS ONE 2018, 13(6):e0197778.
Từ khóa Tăng sức đề kháng Phòng bệnh nCoV virus corona 2019-nCoV