4 chiến dịch lớn phương Tây thúc đẩy để ứng phó ĐCSTQ
- Vương Hách
- •
Trong lịch sử chính trị loài người, xung đột giữa hai mô hình là dân chủ và độc tài toàn trị chưa bao giờ chấm dứt, biểu hiện ngày nay là hệ thống dân chủ với Mỹ và phương Tây đại diện và hệ thống toàn trị đầy nguy hại với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đại diện. Trong cuộc chiến này, có thể kể 4 mặt trận lớn đã và đang được phương Tây triển khai trước tình trạng xâm nhập và bành trướng từ nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trận chiến TikTok
Ngày 14/4, Quốc hội bang Montana Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 54/43 để thông qua dự luật cấm TikTok ở bang này, nếu được thống đốc phê duyệt thì lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2024 và bang Montana sẽ là bang đầu tiên của Mỹ cấm hoàn toàn việc tải xuống TikTok trên thiết bị cá nhân.
Trước đó, ngày 27/2 Nhà Trắng đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan Chính phủ Mỹ trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ TikTok khỏi thiết bị. Ngày 24/3 tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ kéo dài hơn 5 giờ, các thành viên của Hạ viện Mỹ đã chất vấn Giám đốc điều hành Tiktok Chu Thụ Tư (Zhou Shouzi) về mối liên hệ của TikTok với ĐCSTQ. Nhiều nghị sĩ Mỹ đã không ngừng thúc đẩy dự luật yêu cầu ByteDance bán cổ phần của TikTok, nếu không TikTok sẽ bị cấm trên toàn nước Mỹ. Hiện tại, hơn một nửa trong số 50 bang của Mỹ đã cấm sử dụng TikTok trên thiết bị của chính quyền bang.
TikTok là phiên bản nước ngoài của Douyin, một nền tảng video ngắn thuộc sở hữu của ‘gã khổng lồ’ công nghệ ByteDance của Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ lại không cho dùng ứng dụng này ở trong nước. Douyin và TikTok có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu. TikTok có thuật toán mạnh với nhiều vấn đề đi quá giới hạn về luân thường đạo lý. Nhóm phóng viên của WSJ nhận thấy rằng TikTok sẽ đẩy người dùng vào rất nhiều nội dung có hại như ma túy và khiêu dâm, được mô tả là “ma túy kỹ thuật số”. Hơn nữa, ĐCSTQ sử dụng TikTok để thúc đẩy cuộc chiến nhận thức, thu thập thông tin cá nhân của người dùng và gây khủng hoảng an ninh đối với nước khác. Từ cuối năm 2019, thế giới dần hình thành thế bao vây TikTok, theo đó có 14 nước ở 4 châu lục và 3 tổ chức lớn ở Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công của họ.
Tất nhiên, không chỉ các nước phương Tây cấm TikTok mà ngay cả nước rất thân với ĐCSTQ như Pakistan kể từ tháng 10/2020 cũng đã ít nhất 4 lần tạm cấm TikTok với lý do lo ngại ứng dụng này cổ súy nhiều hành vi không đứng đắn. Năm 2022, Ban lãnh đạo Taliban của Afghanistan cũng cấm TikTok với lý do bảo vệ thanh niên khỏi “rơi vào những trò nhảm nhí”.
Có thể thấy phong trào cấm TikTok trên thế giới không phải nhỏ. Điều này cũng phản ánh xu hướng lịch sử của cộng đồng quốc tế do phương Tây thống trị kiên quyết từ chối ĐCSTQ.
Nhìn từ góc độ xu thế chung của lịch sử, có thể coi lệnh cấm TikTok là trận chiến lớn để cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn sự xâm nhập của ĐCSTQ. Ngoài trận chiến này, có 3 trận chiến lớn của cộng đồng quốc tế đối với ĐCSTQ được nêu trong bài viết này như sau.
Hệ thống “đồn cảnh sát hải ngoại” của ĐCSTQ
Tháng 9/2022, một báo cáo của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders tại Tây Ban Nha đã vạch trần vấn đề đồn cảnh sát mật “110 hải ngoại’ mà từ lâu đã được ĐCSTQ cho hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài, cho hay hệ thống này của ĐCSTQ trải khắp hàng chục nước (ít nhất là 54) trên 5 châu lục. Ngày 5/12 năm đó, một báo cáo tiếp theo từ Safeguard Defenders tiết lộ thêm 48 đồn cảnh sát của ĐCSTQ ở 53 nước, nâng tổng số đồn lên 102. Tờ El Correo (Tây Ban Nha) và Đài RTL Nieuws (Hà Lan) cùng trang web điều tra Follow the Money đã qua hoạt động điều tra độc lập chứng thực thêm các cáo buộc của Safeguard Defenders, cho hay những đồn “110 hải ngoại” này đã được sử dụng để quấy rối những người Trung Quốc bất đồng chính kiến ở nước ngoài cũng như chiến dịch “thuyết phục hồi hương” và thu thập thông tin tình báo của ĐCSTQ đối với công dân Trung Quốc ở nước ngoài.
Điều tra này đã gây báo động trong xã hội phương Tây. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ lập luận rằng mục đích của họ là cung cấp dịch vụ cho người Hoa ở nước ngoài (như hỗ trợ từ cảnh sát ĐCSTQ, trấn áp các hoạt động tội phạm liên quan đến người Hoa ở nước ngoài, xử lý giấy chứng nhận và báo cáo những thay đổi về tình trạng công dân [Trung Quốc]… ), nhưng phía giới chức ngoại giao Hà Lan cho hay động thái của ĐCSTQ “không thông qua cho phép của Hà Lan” là vi phạm chủ quyền của nước sở tại.
Các cuộc điều tra hiện đang được tiến hành tại ít nhất 14 nước bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các cuộc điều tra này cũng đã khiến một số chính phủ ra lệnh cho ĐCSTQ đóng cửa các đồn cảnh sát hải ngoại bất hợp pháp được thành lập ở nước họ (ví dụ, cảnh sát Canada đã thông báo ngày 2/3 rằng họ đã đóng cửa 4 đồn của Trung Quốc), ngoài ra cũng có một số nước đã chọn triệu tập các đại sứ của ĐCSTQ để yêu cầu làm rõ.
- Mỹ bắt giữ hai “cảnh sát mật” Trung Quốc thiết lập đồn cảnh sát bất hợp pháp
- Pháp, Đức điều tra các “đồn cảnh sát” bí mật của Trung Quốc
Loại trừ Huawei
‘Gã khổng lồ’ công nghệ Huawei được ĐCSTQ hậu thuẫn là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh của họ đã mở rộng ra hơn 170 nước và vùng lãnh thổ. Nhưng nhiều nước không ngừng nghi vấn về danh tính và lý lịch quân sự của người sáng lập Huawei. Kể từ năm 2018, Chính phủ Mỹ đã cáo buộc ĐCSTQ có thể giám sát thông qua thiết bị cơ sở hạ tầng của Huawei, do đó khuyến nghị không sử dụng thiết bị Huawei và ngăn chặn Huawei sử dụng công nghệ và linh kiện của Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ.
Tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và 70 công ty liên kết vào “Danh sách Thực thể” để kiểm soát thương mại. Năm 2020, Mỹ thắt chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei và khởi động sáng kiến “Mạng sạch” nhằm kêu gọi các nước hưởng ứng loại bỏ hoàn toàn sản phẩm thiết bị công nghệ của Trung Quốc “không đáng tin cậy” Huawei trong 5 lĩnh vực chính: nhà khai thác viễn thông, ứng dụng di động, cửa hàng ứng dụng, dịch vụ mạng đám mây và cáp ngầm. Ngày 14/10/2020 Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông Pompeo thông báo rằng hơn 40 nước và 50 công ty viễn thông đã tham gia sáng kiến “Mạng sạch” do Mỹ dẫn đầu, giúp cải thiện đáng kể tình hình an ninh quốc tế của mạng di động 5G.
Ngày 19/5/2022, Canada tuyên bố cấm Huawei tham gia mạng 5G của Canada và dỡ bỏ các thiết bị Huawei, trở thành nước thứ 7 cấm hoặc hạn chế việc sử dụng công nghệ Huawei trong mạng 5G (sau Mỹ, Úc, Anh , New Zealand, Nhật Bản và Thụy Điển). Canada cũng là nước cuối cùng trong “Liên minh Ngũ nhãn” (Five Eyes) cấm sử dụng công nghệ Huawei.
Bước sang năm 2023, Reuters dẫn ba nguồn tin quen thuộc tiết lộ Chính phủ Mỹ đã ngừng cấp giấy phép cung cấp cho các công ty Mỹ xuất khẩu thiết bị cho Huawei, tới tháng 5 Mỹ có thể ngăn chặn hoàn toàn Huawei bằng việc cắt hoàn toàn nguồn cung cấp của các công ty Mỹ cho Huawei.
Đóng cửa Viện Khổng Tử
Viện Khổng Tử đầu tiên trên thế giới của ĐCSTQ được thành lập tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào tháng 11/2004. Tính đến tháng 12/2018, ĐCSTQ đã thành lập 548 Học viện Khổng Tử và 1193 lớp học Khổng Tử ở các trường tiểu học và trung học trải khắp 154 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng số 1,87 triệu người học. Tuy bề ngoài Viện Khổng Tử được xem là tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, nhưng về bản chất là “một phần quan trọng trong mô hình tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ”, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chính trị bí mật nhằm gây ảnh hưởng đến đánh giá về Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế.
Kết quả là ngày càng nhiều nơi trên thế giới cảnh giác và không cho Viện Khổng Tử hoạt động. Ví dụ tại Mỹ, năm 2009 khi Viện Khổng Tử được thành lập tại Đại học Chicago có 174 giáo sư của trường đã cùng nhau phản đối với lý do họ lo lắng rằng quyền tự do học thuật của trường đại học sẽ bị ảnh hưởng. Tại Canada, năm 2013 và 2014 lần lượt Đại học McMaster và Hội đồng Giáo dục Toronto đóng cửa Viện Khổng Tử. Tại Pháp, tháng 9/2013 các Đại học Lyon II và Đại học Lyon III đã đóng cửa các Viện Khổng Tử. Ngày 22/8/2019, Úc đã chấm dứt dự án hợp tác của Viện Khổng Tử với Bộ Giáo dục và Cộng đồng bang New South Wales. Năm 2020, Thụy Điển và Na Uy chính thức đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử trên lãnh thổ của họ. Ngày 13/8/2020, Mỹ đã liệt kê “Trung tâm Viện Khổng Tử tại Mỹ” (trụ sở chính của hệ thống Viện Khổng Tử ở Mỹ) là “cơ quan đại diện nước ngoài”, theo đó đề nghị trước cuối năm 2020 các Viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường đại học của Mỹ cơ bản phải đóng cửa. Ngày 31/10/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Đức đã yêu cầu đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử ở Đức.
Kết luận
4 trận chiến trên là cách ứng phó của phương Tây trước tình trạng xâm nhập và bành trướng của ĐCSTQ: về mặt giải trí đại chúng là cấm TikTok; về mặt công nghệ và kỹ thuật số là loại bỏ Huawei; về mặt giáo dục và trao đổi văn hóa là đóng cửa các Viện Khổng Tử và bắt đầu từ chối các sinh viên du học do Chính phủ Trung Quốc tài trợ (chẳng hạn như Thụy Điển); về tôn trọng luật pháp quốc tế, chỉnh đốn hỗ trợ tư pháp giữa các nước và đàn áp xuyên quốc gia là cấm các “đồn cảnh sát ở nước ngoài” của ĐCSTQ (ngoài ra còn có chiến dịch khác là vạch trần và ngăn chặn nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ cũng rất mạnh mẽ, trong phạm vi giới hạn bài viết này không đi sâu vấn đề này).
Tiến trình của những trận chiến này khác nhau, một số đã đạt được những thắng lợi quyết định (chẳng hạn như lệnh cấm “đồn cảnh sát ở nước ngoài” của ĐCSTQ), một số mới bắt đầu (từ chối tiếp nhận sinh viên Trung Quốc du học), và một số đang rơi vào bế tắc (chẳng hạn như cấm TikTok), và một số vẫn đang được phát triển hơn (chẳng hạn như loại trừ Huawei và đóng cửa Viện Khổng Tử); tuy nhiên, làn sóng tẩy chay ĐCSTQ đã và đang càn quét khắp thế giới, ngày mà ĐCSTQ chui vào bãi rác lịch sử không còn xa!
Từ khóa Viện Khổng Tử TikTok Trạm cảnh sát Trung Quốc Đồn cảnh sát 110