7 người bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ vì làm gián điệp cho ĐCSTQ
- Bình Minh
- •
Vào đầu tháng Năm, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã bắt giữ tại chỗ 7 công dân Trung Quốc bị nghi ngờ tham gia hoạt động gián điệp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo truyền thông địa phương, các nghi phạm mang theo thiết bị bắt tín hiệu IMSI trong xe. Thiết bị này có thể giả lập trạm phát tín hiệu di động, thu thập dữ liệu từ điện thoại gần đó, bao gồm lịch sử cuộc gọi, nội dung hội thoại và các thông tin khác.
Mục tiêu chính của họ là người Duy Ngô Nhĩ và các quan chức địa phương đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức cho biết, đến nay đây là tổ chức gián điệp phức tạp nhất được phát hiện. Không giống như các tổ chức gián điệp chuyên nghiệp thông thường, nhóm này không thuê điệp viên mà sử dụng người bình thường để che giấu thân phận, đồng thời áp dụng công nghệ giám sát tiên tiến để nhắm vào mục tiêu.
Theo cơ quan tình báo, một số thành viên trong nhóm đã nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng Ba. Người đứng đầu, viết tắt là ZL, đã đến Thổ Nhĩ Kỳ từ 5 năm trước, bắt đầu khảo sát và chuẩn bị, bao gồm thành lập các công ty bình phong trong lĩnh vực hậu cần và xuất nhập khẩu, đồng thời học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Thiết bị bắt tín hiệu IMSI có thể mô phỏng tín hiệu của trạm phát hợp pháp. Khi điện thoại mục tiêu cách “trạm phát ma” khoảng 50m, nó sẽ tự động kết nối vì nhầm tưởng đó là trạm phát thật.
Theo báo cáo, dữ liệu thu thập được (bao gồm chi tiết cuộc gọi và tọa độ vị trí) được truyền trực tiếp về cho liên lạc viên ở Trung Quốc, người được gọi là “ông chủ”.
Các thiết bị này được buôn lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ theo từng phần và được lắp ráp tại chỗ. Một người mang ăng-ten, một người khác đi chuyến bay khác mang pin, các bộ phận còn lại được các thành viên khác chia nhau mang vào.
Tình báo cho thấy nhóm này cũng nhắm vào các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cố gắng xác định ai có liên hệ với người Duy Ngô Nhĩ hoặc các tổ chức liên quan, đồng thời thu thập các thông tin nhạy cảm khác.
Nhà chức trách cho rằng người đứng đầu ZL đã được đào tạo gián điệp chuyên nghiệp, nhưng các thành viên khác thì không. Ví dụ, một công dân Trung Quốc có tên viết tắt ZYB chỉ học hết tiểu học, chịu trách nhiệm lái xe mang “trạm phát ma” đến gần mục tiêu, và chỉ biết vận hành thiết bị đơn giản như bật/tắt.
7 nghi phạm đều phủ nhận là thành viên của một tổ chức tội phạm và khai rằng không quen biết nhau. Tuy nhiên, cơ quan điều tra có bằng chứng cho thấy họ thường xuyên họp và giữ liên lạc.
Thổ Nhĩ Kỳ là nơi cư trú của nhiều người Duy Ngô Nhĩ tị nạn từ Trung Quốc. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang thực hiện chính sách diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, với hàng trăm ngàn người bị giam giữ trong các “trại cải tạo” ở Tân Cương, nhưng Bắc Kinh phủ nhận.
Năm 2024, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 7 công dân Trung Quốc có nguồn gốc Duy Ngô Nhĩ, cáo buộc họ theo dõi các cá nhân và tổ chức Duy Ngô Nhĩ khác. Các bị cáo khai rằng họ bị buộc phải làm gián điệp vì tình báo Trung Quốc đe dọa sẽ sách nhiễu gia đình họ ở Trung Quốc.
Ước tính có khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này trở thành cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Người Thổ Nhĩ Kỳ và người Duy Ngô Nhĩ có mối quan hệ chặt chẽ về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ.
Thái độ đối đãi của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ, ước tính khoảng 12 triệu người, từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ giữa Ankara (thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ) và Bắc Kinh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng cáo buộc ĐCSTQ phạm tội “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra vấn đề hoàn cảnh khó khăn của người Duy Ngô Nhĩ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, và kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng các quyền của người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo.
Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) cũng cáo buộc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tiến hành xóa bỏ văn hóa một cách có hệ thống, cũng như tống giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.
Hoa Kỳ đã kết án ĐCSTQ phạm tội diệt chủng trong cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Một báo cáo năm 2022 của Liên Hợp Quốc nêu chi tiết bằng chứng đáng tin cậy cho thấy, ĐCSTQ đã thực hiện tra tấn, bạo lực tình dục và cưỡng bức lao động đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này.
Từ khóa Gián điệp ĐCSTQ Thổ Nhĩ Kỳ Người Duy Ngô Nhĩ
