Amsterdam đẩy mạnh loại bỏ camera sản xuất tại Trung Quốc
- Lý Ngôn
- •
Do lo ngại vi phạm nhân quyền và các hoạt động gián điệp từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền thủ đô Amsterdam của Hà Lan đang đẩy mạnh loại bỏ camera sản xuất tại Trung Quốc.
Trong một lá thư gửi Quốc hội, nghị sĩ Alderman Alexander Scholtes của Amsterdam chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến chính sách công nghệ thông tin và truyền thông, cho biết rằng những chiếc camera do Trung Quốc sản xuất này sẽ dần biến mất khỏi đường phố Amsterdam.
Theo Thời báo Hà Lan cũng như nhiều nguồn tin chính từ Hà Lan, hiện ở thành phố Amsterdam có 1280 camera do Trung Quốc sản xuất được sử dụng cho nhiều “nhiệm vụ đô thị” khác nhau, chẳng hạn như camera giám sát hoặc camera giám sát giao thông đường bộ. Vào tháng 5/2023, hội đồng thành phố đã thông qua kiến nghị kêu gọi thị trưởng và các quan chức ngừng sử dụng camera sản xuất tại Trung Quốc vì lo ngại chúng sẽ truyền hình ảnh đến Trung Quốc.
Scholes viết trong thư: “Cũng có những lo ngại rằng các nhà sản xuất camera Trung Quốc có thể đồng lõa trong các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả việc đối với người Duy Ngô Nhĩ”.
Vì chi phí thay thế quá cao nên sẽ chưa ngay lập tức thay thế tất cả các camera Trung Quốc tại thành phố. Thay vào đó, chính quyền liên minh gồm thị trưởng và các nghị sĩ muốn xây dựng các điều khoản mới trong hợp đồng mua sắm trang thiết bị như camera, theo đó bổ sung các tiêu chuẩn liên quan đến nhân quyền.
Dự kiến, trong vòng 5 năm tới tất cả camera Trung Quốc hiện đang được sử dụng ở Amsterdam sẽ được thay thế với chi phí tương đối thấp, hiện những nơi nhạy cảm như trong văn phòng các cơ quan của thành phố đã loại bỏ camera Trung Quốc.
Theo điều khoản mới về hợp đồng mua sắm, thành phố cũng sẽ ngăn chặn các nhà cung cấp trung gian cung cấp camera từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Ông Scholes dẫn quan điểm từ Hiệp hội Đô thị Hà Lan (VNG) cho biết, nhiều đô thị đang vật lộn với vấn đề camera Trung Quốc.
Tháng trước, Tổng cục Tình báo và An ninh Hà Lan (AIVD) đã cảnh báo công khai các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ngày càng lan tràn và gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh quốc gia, họ ví nguy cơ này như những người đạo Hồi cực đoan jihad ở châu Âu và cuộc chiến ở Gaza.
Sáng 24/4, nhà chức trách Hà Lan đã đột kích công ty an ninh Trung Quốc Nutech có trụ sở tại Rotterdam, văn phòng của công ty này ở Ba Lan cũng bị cảnh sát địa phương đột kích. Được biết, Nuctech chuyên cung cấp công nghệ giám sát cho hải quan và kiểm soát biên giới. Theo kênh truyền thông AD của Hà Lan, ngoài việc cung cấp công nghệ cho hải quan, công ty nhà nước Trung Quốc này còn cung cấp máy quét container cho Cảng Rotterdam và máy soi hành lý cho Sân bay Schiphol.
Ủy ban châu Âu cho biết cuộc đột kích là “hoàn toàn cần thiết“. Từ lâu đã có dấu hiệu cho thấy Nuctech có liên quan đến hoạt động xuất khẩu trái phép. Do lo ngại về an ninh quốc gia, Mỹ và Canada đã cấm sử dụng một số thiết bị an ninh từ công ty này.
Chính phủ Mỹ cáo buộc các nhà sản xuất camera giám sát của Trung Quốc “liên quan vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ trong chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện hàng loạt và giám sát công nghệ cao đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác”, điều đó đã khiến các công ty hàng đầu như Dahua và Hikvision bị đưa vào danh sách đen thương mại “Danh sách thực thể” của Bộ Thương mại Mỹ.
Từ khóa Người Duy Ngô Nhĩ Camera Trung Quốc Amsterdam nhân quyền Trung Quốc Hà Lan Vi phạm nhân quyền