Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ mới đây đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho loại vắc-xin COVID-19 dùng công nghệ DNA đầu tiên trên thế giới, dùng cho những đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Par Parikh Mahendra N/Shutterstock)

Hôm 20/8 vừa qua, Cơ quan Tổng kiểm soát Dược phẩm của Ấn Độ (Drug Controller General of India – DCGI) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin ZyCoV-D, một loại vắc-xin được sản xuất bởi hãng dược phẩm Zydus Cadila có trụ sở tại Ấn Độ và được phát triển với sự hợp tác của Bộ Công nghệ sinh học nước này.

Giấy phép mới được phê duyệt đã biến ZyCoV-D trở thành loại vắc-xin đầu tiên có sẵn ở Ấn Độ cho những người dưới 18 tuổi.

ZyCoV-D cần phải tiêm 3 liều, mỗi liều cách nhau 28 ngày, trong đó người ta sẽ dùng dụng cụ không có kim tiêm ít gây đau để đưa vắc-xin vào giữa các lớp da.

Vắc-xin ZyCoV-D chứa các plasmid, hay những phân tử DNA dạng vòng, mang một phần vật chất di truyền từ virus corona.

Các plasmid này sẽ hướng dẫn những tế bào của cơ thể người để tạo ra mRNA, từ đó hướng dẫn các tế bào tạo ra protein bắt chước protein gai của virus corona. Các protein này xuất hiện trên bề mặt tế bào, hình thành phản ứng miễn dịch trong cơ thể, với mục đích là dạy cơ thể cách kháng lại virus corona thực sự.

Công ty Zydus Cadila cho biết: “Ưu điểm chính của vắc-xin DNA là khả năng kích thích cả miễn dịch thể dịch (humoral) và miễn dịch qua trung gian tế bào của hệ thống miễn dịch thích ứng. Chúng là một dạng liệu pháp miễn dịch đặc hiệu kháng nguyên có giá trị, bởi chúng an toàn, ổn định và có thể dễ dàng sản xuất”.

Kết quả tạm thời từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III với hơn 28.000 tình nguyện viên cho thấy rằng tỷ lệ hiệu quả của loại vắc-xin này đạt 66,6% đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng, theo một tuyên bố từ Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ.

Hãng dược phẩm Zydus Cadila, có tên niêm yết là Cadila Healthcare Ltd, hiện đang hướng đến việc sản xuất 100 triệu đến 120 triệu liều vắc-xin ZyCoV-D hàng năm và họ đã bắt đầu dự trữ vắc-xin. Công ty này cũng có kế hoạch xin chấp thuận sử dụng 1 liệu trình với 2 liều vắc-xin.

Giấy phép mới nhất nêu trên đã khiến ZyCoV-D trở thành loại vắc-xin thứ 6 được sử dụng ở Ấn Độ, và là loại vắc-xin thứ 2 phát triển ở trong nước được chấp thuận sử dụng khẩn cấp, sau vắc-xin Covaxin của hãng dược phẩm Bharat Biotech.

Ấn Độ có một chương trình tiêm chủng nhằm thúc đẩy việc tiêm vắc-xin cho tất cả người lớn đủ điều kiện vào tháng 12. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, có khoảng 9% dân số nước này đã tiêm chủng đầy đủ tính đến nay.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: