Hôm thứ Hai (1/11), Anh đã cảnh báo Pháp hãy xuống thang tranh cãi về quyền đánh cá trong vòng 48 giờ nếu không sẽ phải đối mặt với các hành động pháp lý chiếu theo thỏa thuận thương mại Brexit.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói với hãng tin Sky: “Pháp đã đang đưa ra các đe dọa cực kỳ vô lý, trong đó có đe dọa đối với Quần đảo Channel [Channel Islands gồm đảo Jersey và đảo Guernsey] và đe dọa đối với ngành đánh cá. Họ cần phải rút lại những đe dọa này nếu không chúng tôi sẽ sử dụng các cơ chế của thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) để hành động”.

Pháp đã đang hành xử không công bằng. Những hành động của họ không tuân theo các điều khoản của thỏa thuận thượng mại [Brexit]. Và nếu bất cứ bên nào hành xử không công bằng theo một thỏa thuận thương mại, thì quý vị có quyền được hành động chống lại họ và theo đuổi một số biện pháp [yêu cầu] bồi thường. Và đó sẽ là những cách chúng tôi sẽ làm nếu Pháp không xuống thang”, ông Liz Truss nói thêm.

Mặc dù ngành đánh cá chỉ là một phần nhỏ trong nền kinh tế của cả hai nước Anh và Pháp, nhưng lĩnh vực này đã đang đóng một vai trò lớn hơn về mặt chính trị thời kỳ hậu Brexit (Anh rút khỏi EU).

Tranh cãi giữa Anh và Pháp về quyền đánh cá đặc biệt leo thang sau khi hôm thứ Năm tuần trước (28/10) một thuyền đánh cá của Anh bị Pháp thu giữ và một thuyền khác bị phạt hành chính khi cập cảng Le Havre.

Sau đó, tranh cãi tập trung vào việc Anh cấp bao nhiêu giấy phép cho Pháp đánh cá ở vùng biển Anh thời kỳ hậu Brexit.

Tháng trước, Pháp đã giận dữ khi Anh và đảo Jersey thuộc Anh đã quyết định từ chối cấp phép đánh cá cho hàng chục thuyền của Pháp. Paris khi đó lập luận rằng London đã vi phạm thỏa thuận Brexit.

Pháp sau đó đáp trả bằng việc cảnh báo rằng sắp tới họ sẽ cấm các thuyền của Anh neo đậu tại một số cảng biển của Pháp và thắt chặt kiểm soát các tàu thuyền và xe tải của Anh nếu tranh cãi về giấy phép đánh cá không được giải quyết trước thứ Ba (2/11).

Pháp cũng đã nói rằng họ có thể cắt nguồn cung điện cho đảo Jersey. Hồi tháng Năm năm nay, Paris cũng đã đưa ra đe dọa tương tự.

Trao đổi với báo giới hôm thứ Bảy (30/10), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xác nhận có “nhiễu loạn” trong mối quan hệ với Pháp. Nhưng ông khẳng định rằng những thứ đoàn kết hai quốc gia là quan trọng hơn những chia rẽ giữa hai bên.

Theo BBC, hôm Chủ Nhật (31/10), Thủ tướng Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp nhau để thảo luận về căng thẳng leo thang. Chính phủ Anh sau đó nói rằng vấn đề “phụ thuộc vào Pháp” có rút lại các đe dọa về tiếp cận cảng biển của họ hay không.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron lại nói “trái bóng đang trong phần sân của Anh” và ông hy vọng sẽ có phản hồi tích cực vào thứ Hai (1/11).

Ông Macron nói thêm rằng căng thẳng Pháp – Anh hiện thời không còn là vấn đề song phương mà đó là vấn đề của EU.

Như Ngọc

Xem thêm: