Tổng thống Joe Biden đã trao cho Phó Tổng thống Kamala Harris quyền hạn hành pháp chưa từng có để dẫn dắt các sáng kiến chính sách quan trọng của Nhà Trắng, nhưng dường như bà Harris lại nhiều lần lỡ mất cơ hội tận dụng triệt để vị trí của mình để hoàn thành công việc. Nhà Trắng cũng như các phương tiện truyền thông dòng chính đã ưu ái dành cho bà Harris vị trí nổi bật hơn nhiều so với các phó tổng thống khác, liên tục lặp đi lặp lại cụm từ “chính quyền Biden-Harris” nâng vị trí của bà như một đối tác ngang hàng với ông Joe Biden. Hơn nữa, Tổng thống Biden đã giao cho bà quyền hạn hành pháp để xử lý rất nhiều vấn đề nhạy cảm như di cư, bạo lực súng đạn và thậm chí giao phó cho bà Harris xử lý các nhiệm vụ chính sách đối ngoại hệ trọng.

Kamala Harris Chicago 22 8
Phó Tổng thống Mỹ, đề cử viên tổng thống 2024 của Đảng Dân chủ Kamala Harris phát biểu trong ngày thứ tư và là ngày cuối cùng của Đại hội Quốc gia Đảng Dân chủ tại United Center, Chicago, Illinois vào ngày 22 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: ANDREW CABALLERO-REYNOLDS/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ nhạy cảm đó đã khiến nhân viên cũng như cử tri ủng hộ bà Harris lo ngại, đặt câu hỏi rằng liệu Tổng thống Joe Biden có đang “đưa bà vào thế khó’ hay không khi chỉ Tổng thống mới là người có quyền hạn xử lý những vấn đề này. Cử tri Hoa Kỳ rõ ràng đã nhận thấy bà Harris xử lý thất bại những vấn đề nhạy cảm, thể hiện ở mức xếp hạng ủng hộ tồi tệ nhất mà một phó tổng thống đạt được trước khi trở thành đề cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Truyền thông dòng chính đã cố gắng hết sức để nâng tầm hình ảnh của bà Harris. Theo kết quả trung bình các cuộc thăm dò mới nhất từ RealClearPolitics, mức cử tri không ủng hộ bà Harris chiếm 48%.

Mặc dù đã tranh cử với tư cách là một đề cử viên với khẩu hiệu “thay đổi”, bà Harris thừa nhận trong tuần này rằng “không có điều gì khiến bà nghĩ” mình sẽ thực hiện khác biệt so với Tổng thống Biden trong suốt nhiệm kỳ của ông. Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng lợi dụng lời thừa nhận này bằng cách nhấn mạnh vai trò quan trọng của bà trong các sáng kiến chính sách quan trọng của chính quyền Biden. Rất nhiều chính sách đã khiến cử tri mất dần sự tín nhiệm cùng ủng hộ đối với Tổng thống Joe Biden. Dưới đây là một một số nỗ lực nổi bật của bà Harris và kết quả của chúng.

“Đặc phái viên biên giới”

Tổng thống Biden đã đích thân chỉ định bà Harris đảm nhiệm vị trí “đặc phái viên biên giới” vào năm 2021 trong bối cảnh số lượng di dân vượt biên trái phép gia tăng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau khi chấp nhận đề cử cho vị trí Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 của Đảng Dân chủ, bà Harris ngay lập tức đã chối bỏ danh hiệu này, kết hợp với sự trợ giúp của truyền thông dòng chính, nhằm khiến cử tri lãng quên việc bổ nhiệm vị trí “đặc phái viên biên giới” mà trước đó truyền thông dòng chính đã hết lời ca ngợi. 

Các nhân viên của bà Harris đã nhấn mạnh trong một tuyên bố trước truyền thông rằng nhiệm vụ của bà Harris là giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến di dân di cư ồ ạt chứ không phải bảo vệ biên giới. Bất chấp những tuyên bố biện hộ chính thức của chiến dịch tranh cử của bà Harris, Đảng Cộng hòa đã cố gắng lợi dụng triệt để mối liên hệ giữa bà với cuộc khủng hoảng biên giới.

Phó Tổng thống Kamala Harris chưa từng ghé thăm biên giới phía Nam cho đến vài tháng sau khi bà được Đảng Dân chủ lựa chọn làm đề cử viên cho vị trí Tổng thống năm 2024. Trong một dịp xuất hiện trên chương trình “60 Minutes” tuần này, bà vấp phải thử thách khó khăn khi được yêu cầu giải thích cách chính quyền Biden xử lý cuộc khủng hoảng biên giới. Tuy nhiên bà Harris đã viện dẫn sắc lệnh hành pháp mới được ký kết vào năm nay của Tổng thống Joe Biden nhằm giảm bớt số lượng di dân xin tị nạn.

Khi được hỏi tại sao Tổng thống Biden không nhanh chóng ban hành sắc lệnh tương tự sớm hơn trước khi để hàng triệu di dân nhập cư trái phép vượt biên vào Hoa Kỳ, bà không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng và thay vào đó chỉ khẳng định rằng bà cần sự hỗ trợ từ Quốc hội để giải quyết khủng hoảng nhập cư.

Văn phòng Phòng chống Bạo lực Súng đạn

Tổng thống Biden cũng đã chỉ định bà Harris lãnh đạo Văn phòng Phòng chống Bạo lực Súng đạn của Nhà Trắng vào cuối năm 2023. Mặc dù bản thân Tổng thống Biden đã đạt được nhiều thành tựu giúp kiểm soát súng đạn tại Hoa Kỳ, với việc thông qua Đạo luật Cộng đồng An toàn Lưỡng đảng vào năm 2022. Tuy nhiên, thành tích kiểm soát súng đạn của chính quyền Biden đã có từ trước khi thành lập văn phòng kể trên. Thêm nữa, bà Harris cũng thất bại thúc đẩy hơn nữa đạo luật mới kiểm soát súng đạn. 

Thật ra mà nói, bà Harris đã cố gắng sử dụng văn phòng này để thúc đẩy các nỗ lực kiểm soát súng hiện có cũng như sử dụng quyền lực hành pháp của phó tổng thống để thực hiện đạo luật sử dụng súng. Vào tháng 3/2024, bà Harris đã chính thức ghé thăm trường trung học Marjory Stoneman Douglas, nơi bà công khai thành lập một trung tâm tài nguyên hỗ trợ cảnh sát thực thi các luật cờ đỏ tốt hơn. Bà Harris cũng kêu gọi các tiểu bang nhanh chóng thông qua luật cờ đỏ và sử dụng các khoản tiền thuế đã được phân bổ để luật cờ đỏ được thi hành nhanh chóng.

  • Tại Hoa Kỳ , luật cờ đỏ (được đặt tên theo thành ngữ cờ đỏ có nghĩa là “dấu hiệu cảnh báo”) là luật về súng cho phép tòa án tiểu bang ra lệnh tạm thời tịch thu súng (và các vật dụng khác được coi là vũ khí nguy hiểm, ở một số tiểu bang) từ một người mà họ tin rằng có thể gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò hiện tại, Tổng thống Biden vẫn được cử tri ủng hộ hơn bà Harris vì các sáng kiến kiểm soát súng đạn khi ông ký kết một sắc lệnh hành pháp nhằm chống lại việc sử dụng các thiết bị “công tắc glock”, vốn có thể dễ dàng chuyển đổi vũ khí bán tự động thành hoàn toàn tự động. Cẩn thận giữ vững lập trường ủng hộ Tu chính án thứ hai tại các tiểu bang chiến trường dao động, bà Harris khoe trên “60 Minutes” rằng bà sở hữu một khẩu Glock. Theo tờ Denver Gazette, khẩu Glock của bà Harris bị coi là một vũ khí “không an toàn” tại tiểu bang California quê hương của bà.

Trấn an đồng minh: “Vô vọng”

Hồi đầu năm nay, bà Harris đã công du đến châu Âu, đại diện cho Hoa Kỳ tham dự hội nghị an ninh ở Munich. Tại hội nghị này, bà Harris có nhiệm vụ trấn an các đồng minh thân cận châu Âu rằng Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết bảo vệ an ninh châu Âu trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ NATO.

Bà Harris đã không thành công trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu về khả năng bà trở thành người kế nhiệm Tổng thống Biden. Thậm chí, một số chính trị gia châu Âu tin rằng khả năng ông Trump đắc cử chức vị tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 là rất cao. 

Sau chuyến công du đó, bà Isabel Schnabel, một thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã vô tình nhỡ lời nói rằng bà Harris “vô hình” và “bà ấy [Harris] sẽ không bao giờ đắc cử, ý tôi là điều đó vô vọng”, theo tờ Politico.

Chuyến công du rõ ràng đã khiến các chính trị gia trong chính phủ Anh lo lắng, trong khi các chính trị gia châu Âu khác chỉ trích mạnh mẽ sở thích chỉ tham gia các sự kiện đã được chuẩn bị kỹ lưỡng của bà Harris, cũng theo tờ Politico. Cuối cùng, vào năm đó, Tổng thống Biden đã đích thân công du đến châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 nhằm trấn an các đồng minh một lần nữa về cam kết của Washington đối với liên minh NATO và an ninh của Ukraine. 

Quyền bỏ phiếu

Vào năm 2021, Tổng thống Biden tuyên bố trước truyền thông rằng ông sẽ chỉ định bà Harris lãnh đạo các sáng kiến lập pháp nhằm thông qua dự luật H.R. 1 và Đạo luật Quyền Bầu cử John Lewis, hai dự luật quan trọng về quyền tiếp cận và quyền bỏ phiếu.

Ngày hôm nay, tôi yêu cầu Phó Tổng thống Harris hỗ trợ những sáng kiến này và dẫn dắt chúng [thành công] cùng với các trách nhiệm khác của bà. Với sự lãnh đạo của bà cùng sự ủng hộ của các bạn, chúng ta sẽ lại chiến thắng, tôi hứa với các bạn”, ông Biden cho biết vào thời điểm đó. 

Hạ viện đã thông qua dự luật H.R. 1 vào tháng 3 năm 2021, nhưng dự luật này đã vấp phải sự phản đối tại Thượng viện. Vào tháng Tám, Đạo luật Quyền Bầu cử John Lewis đã được Hạ viện thông qua nhưng vào tháng  Mười Một năm đó, đạo luật đã không thể vượt qua cuộc tranh luận và dường như đã bị Thượng viện chặn lại.

Bà Harris, một chính trị gia với bề dày kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại Thượng viện, cuối cùng đã thất bại trong việc giành được đủ sự ủng hộ của các Thượng nghị sĩ để Tổng thống Joe Biden có thể ký kết hai dự luật nêu trên thành luật.

Afghanistan

Bà Harris từng tự hào về vị thế của mình là “người thảo luận đến phút cuối” đóng vai trò quan trọng khi đưa ra các quyết định với Tổng thống Joe Biden, đặc biệt là về vấn đề Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan. Trong một cuộc trao đổi với CNN, bà Harris xác nhận rằng bà cảm thấy “thoải mái” với kế hoạch Hoa Kỳ rút quân, nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm trong cuộc tranh biện với cựu Tổng thống Donald Trump, đổ lỗi cho ông vì đàm phán một thỏa thuận yếu kém trước khi Hoa Kỳ tiến hành rút quân khỏi Afghanistan.

Vào tháng 8 năm 2021, kế hoạch rút quân thảm hại của lực lượng quân đội Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh Taliban tấn công chiếm đóng hầu hết lãnh thổ Afghanistan, dẫn đến cảnh tượng sơ tán hỗn loạn các nhân viên cùng những công dân Afghanistan đồng minh ra khỏi Sân bay Quốc tế Hamid Karzai. Kế hoạch rút quân thảm hại này đã bị công chúng Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ khiến mức độ cử tri tín nhiệm Tổng thống Joe Biden suy giảm đáng kể.