Bắc Hàn bác yêu cầu đàm phán, thề sẽ tái triển khai quân đội tại biên giới
- Như Ngọc
- •
Bắc Hàn hôm thứ Tư (17/6) nói rằng họ đã bác bỏ đề xuất của Hàn Quốc về việc cử các đặc phái viên tới Bình Nhưỡng nhằm giảm leo thang căng thẳng. Giới chức miền Bắc thậm chí tuyên bố sẽ tái triển khai binh lính tới các vị trí tại biên giới phi quân sự, bước đi mới nhất hướng tới vô hiệu hóa các thỏa thuận hòa bình liên Triều.
Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA) là đơn vị phát đi tuyên bố nêu trên. Động thái này của Bình Nhưỡng đến một ngày sau khi họ cho nổ tung văn phòng liên lạc chung đặt ở thị trấn biên giới từ khi lãnh đạo hai miền Nam, Bắc đạt được thỏa thuận hòa giải vào năm 2018.
Truyền thông Hàn Quốc hôm thứ Ba (16/6) đưa tin các nhân chứng đã nghe thấy tiếng nổ và nhìn thấy khói bốc lên từ thành phố Kaesong bên kia biên giới. Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận văn phòng liên lạc chung đã bị phá hủy.
Tòa nhà bốn tầng nằm ở thành phố Kaesong, nằm ở phía biên giới Bắc Hàn tại khu phi quân sự chia cắt hai miền đã “hoàn toàn bị phá hủy” bằng một vụ nổ “cực lớn” vào lúc 2:50 chiều hôm nay [16/6], truyền thông Bắc Hàn tuyên bố.
Căng thẳng gia tăng khi Bình Nhưỡng đe dọa cắt đứt quan hệ liên Triều và thực hiện các biện pháp trả đũa vì vụ gửi truyền đơn có nội dung chỉ trích nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và các hành vi vi phạm phạm nhân quyền của ông này.
Theo Reuters, những nhóm nhân quyền do người từng đào thoát khỏi Bắc Hàn dẫn đầu thường xuyên dùng bóng bay hoặc thả chai nhựa qua sông để gửi truyền đơn cùng thức ăn, các tờ 1 USD, đài radio nhỏ và các thẻ USB có chứa phim, tin tức Hàn Quốc về lại cho người dân trong lãnh thổ Bắc Hàn. Hành động này khiến nhà cầm quyền Bình Nhưỡng rất tức giận.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Hai (15/6) đã đề xuất cử cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong và Giám đốc tình báo Suh Hoon làm đặc phái viên tới Bắc Hàn. Tuy nhiên, theo KCNA, bà Kim Jo-yong, em gái của lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un và một quan chức cấp cao khác của đảng cầm quyền “đã thẳng thắn bác bỏ đề xuất bất lịch sự và nham hiểm này”.
KCNA cho hay ông Moon “ưu tiên cao việc gửi các đặc phái viên nhằm ‘vãn hồi các cuộc khủng hoảng’ và dấy lên các đề xuất lố bịch thường thấy, nhưng ông ta phải hiểu rõ ràng rằng trò lừa phỉnh như thế sẽ không còn hiệu nghiệm với chúng tôi nữa”.
“Giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại giữa miền Bắc và miền Nam xuất phát từ sự bất tài và vô trách nhiệm của giới chức Hàn Quốc là không khả thi và cuộc khủng hoảng này chỉ có thể kết thúc bằng sự trả giá phù hợp”.
Trong một tuyên bố khác cũng do KCNA công bố, bà Kim Yo-jong đã chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói ông ta đã thất bại trong việc thực thi bất kỳ điều gì theo các thỏa thuận hòa giải năm 2018 và đã làm cho mối quan hệ liên Triều trở thành “con rối của Mỹ”.
Cũng theo KCNA, một phát ngôn viên của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) hôm thứ thứ Tư (17/6) đã nói rằng KPA sẽ nhanh chóng triển khai quân đội tới Núi Kumgang và Kaesong gần biên giới, nơi trước đây hai miền từng thực hiện các dự án kinh tế chung.
Vị phát ngôn viên này nói rằng Bắc Hàn sẽ tái lập lại các đồn cảnh vệ tại Khu phi quân sự vốn đã bị dỡ bỏ theo thỏa thuận hòa giải năm 2018. Miền Bắc cũng sẽ triển khai lại các đơn vị pháo binh gần bờ biển phía tây, nơi những người đào thoát Bắc Hàn đang sống tại Hàn Quốc thường xuyên gửi truyền đơn về nước. “Các đơn vị pháo binh này sẽ được đặt ở mức báo động sẵn sàng chiến đấu cao nhất”, vị phát ngôn viên nói.
Trước đó, hôm thứ Ba (16/6), KPA nói rằng họ đã nghiên cứu một “kế hoạch hành động” để tiến vào lại các khu vực đã được phi quân sự hóa theo hiệp định quân sự liên Triều 2018 và “biến phòng tuyến này thành pháo đài”.
Trong khi đó, theo Reuters, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi Bắc Hàn phải tuân thủ thỏa thuận mà trong đó hai bên đã cam kết giảm “tất cả các hành động thù địch” và xóa bỏ các công trình quân sự dọc theo Khu phi quân sự.
Reuters cho biết họ đã liên lạc với văn phòng của Tổng thống Moon Jae-in để yêu cầu bình luận về việc Bắc Hàn bác bỏ đề xuất đàm phán, nhưng không nhận được phản hồi.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn quan hệ liên Triều Dòng sự kiện