Bắc Hàn đang tháo dỡ bãi thử động cơ tên lửa?
- Xuân Thành
- •
Một nhóm tư vấn chính sách có trụ sở tại Washington hôm thứ Hai (23/7) cho biết các hình ảnh vệ tinh mới nhất chỉ ra rằng Bắc Hàn đã đang bắt đầu tháo dỡ các cơ sở quan trọng tại một bãi thử được sử dụng để phát triển động cơ tên lửa đạn đạo. Động thái này của Bình Nhưỡng, nếu được xác minh, là bước đi đầu tiên mà ông Kim Jong-un thực hiện lời hứa với Tổng thống Donald Trump tại thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore hôm 12/6.
Nhóm tư vấn 38 North, chuyên nghiên cứu Bắc Hàn, có trụ sở tại Trung tâm Stimson Center, Washington D.C, nói rằng các hình ảnh vệ tinh chụp hôm 20/7 cho thấy tại Trạm Phóng Vệ tinh Sohae đang xuất hiện công việc tháo dỡ một tòa nhà sử dụng để chứa các phương tiện phóng vệ tinh vào không gian và một chân đế thử động cơ tên lửa được sử dụng để phát triển các động cơ chạy bằng nhiên liệu lỏng sử dụng cho tên lửa đạn đạo và các phương tiên phóng vệ tinh vào không gian.
Báo cáo của 38 North cho hay: “Vì những cơ sở này được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ của chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa Bắc Hàn, nên những nỗ lực tháo dỡ chúng đại biểu cho một biện pháp xây dựng lòng tin có nghĩa của chế độ Bình Nhưỡng”.
Ông Trump đã phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo ngay sau thượng đỉnh Singapore hôm 12/6 rằng ông Kim Jong-un đã hứa sẽ sớm phá hủy một bãi thử động cơ tên lửa chính.
Tổng thống Trump không nêu rõ tên của bãi thử này, nhưng sau đó một quan chức Mỹ đã nói với Reuters rằng bãi thử mà ông Kim hứa sẽ tháo dỡ chính là Trạm phóng Vệ tinh Sohae.
Báo cáo của 38 North về hoạt động tháo dỡ của Bắc Hàn đến vào thời điểm đang dấy lên các câu hỏi về việc liệu chế độ nhà họ Kim có thực sự sẵn sàng tuân thủ các cam kết mà ông Kim đã đưa ra tại thượng đỉnh Trump-Kim, đặc biệt là công việc hướng tới phi hạt nhân hóa.
Thời gian qua, các quan chức Mỹ vẫn nhắc lại nhiều lần rằng Bắc Hàn đã cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng lại chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào về cách thức họ sẽ thực hiện công việc này.
Bà Jenny Town, quản lý biên tập của 38 North nhận định rằng công việc tháo dỡ tại bãi thử Sohae có thể là bước đi quan trọng để giữ cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Hàn tiếp diễn.
“Điều này có thể (và đó là khả năng lớn) có nghĩa rằng Bắc Hàn cũng đang sẵn sàng từ bỏ phóng vệ tinh cùng với thời điểm dùng thử tên lửa và hạt nhân. Trong quá khứ, chính sự khác biệt này khiến cho hoạt động ngoại giao trệch hướng”, bà Jenny nói.
Hôm thứ Sáu (20/7), các quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ đã kêu gọi ông Kim Jong-un hãy thực hiện lời hứa của mình trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân và cũng cảnh báo thế giới, trong đó có Trung Quốc và Nga, phải tiếp tục thực thi chế tài Bắc Hàn cho tới khi ông Kim hành động theo cam kết.
Hôm thứ Hai (23/7), Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với các bộ Tài chính và An ninh Nội địa đã phát hành một bản khuyến nghị, cảnh báo các doanh nghiệp về chiến thuật né tránh chế tài của Bắc Hàn.
Bản khuyến nghị liên bộ Mỹ nói rằng các doanh nghiệp nên “thực thi các chính sách, thủ tục và kiểm soát nội bộ cẩn thận, hiệu quả để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý hiện hành trên toàn bộ chuỗi cung ứng của họ”.
Trong khi đó, truyền thông dòng chính tại Mỹ gần đây đưa tin rằng ông Trump đang tỏ ra tức giận khi tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Hàn diễn ra chậm chạp.
Tờ Washington Post cuối tuần qua đăng bài viết nói rằng bất chấp những đánh giá tích cực mà ông Trump đã đưa ra về tiến trình với Bắc Hàn, ông đã trút sự giận dữ vào các trợ lý vì thiếu tiến triển ngay lập tức.
Trong một tweet đăng sáng thứ Hai (20/7), ông Trump đã bác bỏ “Tin Giả” cho rằng ông tức giận vì các tiến bộ về Bắc Hàn không diễn ra đủ nhanh.
“Sai, rất hạnh phúc!”, ông Trump tweet.
Ông Trump thêm rằng: “Trong suốt 9 tháng qua Bắc Hàn chưa thử bất kỳ một quả tên lửa nào. Tương tự như vậy, không có Thử Hạt nhân. Nhật Bản hạnh phúc, tất cả Châu Á hạnh phúc”.
Tuần trước, ông Trump cũng đã nói rằng không “vội vàng” và “không cần giới hạn thời gian” về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn Quan hệ Mỹ - Bắc Hàn phi hạt nhân hóa bãi thử tên lửa