Bắc Triều Tiên ra điều kiện để Hàn Quốc ‘được tài trợ nhân đạo’
- Tân Bình
- •
Gần đây Bắc Triều Tiên đã từ chối nhiều đề xuất viện trợ nhân đạo và hợp tác vô điều kiện của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Động thái này của Bình Nhưỡng được các nhà phân tích quốc tế nhận định rằng chính quyền Kim Jong-un đang muốn dùng viện trợ nhân đạo để đạt được những bước tiến ngoại giao xa hơn với Seoul và cộng đồng quốc tế.
Từ khi lên cầm quyền đầu tháng Năm, Tổng thống Hàn Quốc theo đường lối tự do, ông Moon Jae-in đã cố gắng cân bằng giữa việc ủng hộ các hoạt động bao vây quân sự và trừng phạt kinh tế trước các khiêu khích tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng với việc tăng cường thúc đẩy tái khởi động hợp tác và đối thoại liên triều.
Bắc Triều Tiên ra điều kiện để nhận viện trợ nhân đạo
Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã phê duyệt nhiều đề xuất của các tổ chức từ thiện tư nhân yêu cầu được trợ giúp giảm thiểu tình trạng đói nghèo trầm trọng và điều kiện chăm sóc sức khỏe kém tại miền Bắc. Theo các thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ), tại Bắc Triều Tiên 84% hộ gia đình thiếu thực phẩm tiêu dùng, 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh lên tới 33%.
Tuy nhiên, chính quyền Kim Jong-un lại không cho phép các tổ chức từ thiện Hàn Quốc tiếp cận miền Bắc. Họ dùng lý do chính quyền Seoul ủng hộ các lệnh trừng phạt của LHQ đối với các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng để từ chối nhận viện trợ.
Tuần trước, Bắc Triều Tiên đã không cho phép Phong trào Chia sẻ Triều Tiên, một tổ chức tôn giáo tư nhân vào miền Bắc mang theo thuốc sát trùng, bộ dụng cụ chẩn đoán y tế và màn chống muỗi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, dịch sốt rét đang bùng phát mạnh tại Bắc Triều Tiên, ở đây xảy ra tới 7.000 ca sốt rét trong năm 2015. Nhiều dự án viện trợ khác cũng đang đợi chính quyền Kim Jong-un cho phép tới Bắc Hàn.
Tờ báo nhà nước Bắc Triều Tiên, Rodong Sinmun trong một bài xã luận tuần trước đã nói rằng: “Không ai có thể mong đợi các mối quan hệ sẽ được cải thiện chỉ vì họ [chính quyền Moon Jae-in] cho phép khởi động lại một vài đợt viện trợ nhân đạo hoặc ngoại giao nhân dân mà phe bảo thủ trước đây đã tạm dừng”.
Ông Bong Young-shik, một nhà phân tích chính trị của Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên của Đại học Yonsei ở Seoul, đã nhận định rằng Bình Nhưỡng đang quan tâm hơn đến khởi động lại các dự án có thể tăng doanh thu lớn như Khu phức hợp Công nghiệp Kaesong và dự án du lịch núi Kumgang. Vì vậy, Bình Nhưỡng sẵn sàng trì hoãn các chương trình viện trợ nhân đạo để làm đòn bẩy, ra điều kiện nhằm giành được các nhượng bộ lớn hơn từ Seoul.
Ông Bong giải thích rằng: “Nếu bạn chủ yếu quan tâm đến việc nhận được những khoản lợi ích lớn, bạn có thể sẽ bỏ qua những món hời nhỏ, ở đây Bình Nhưỡng đang coi viện trợ nhân đạo từ Hàn Quốc chỉ là món lợi nhỏ”.
Chuyên gia đến từ Đại học Yonsei cũng nói thêm rằng khả năng Bình Nhưỡng cũng đang đợi xem điều gì có thể xảy ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Washington vào cuối tháng 6 này.
Những đòi hỏi khó chấp nhận của Bình Nhưỡng
Bắc Triều Tiên cũng đang đặt ra điều kiện rất cao để đổi lại việc cho phép khởi động lại chương trình đoàn tụ các gia đình Triều Tiên bị ly tán từ cuối cuộc Thế chiến II. Một sự kiện đoàn tụ như vậy diễn ra gần nhất vào năm 2015.
Chính quyền miền Nam gần đây đã đề xuất cố gắng sắp xếp một cuộc đoàn tụ mới vào tháng 8 năm nay để đánh dấu kỷ niệm thời điểm kết thúc Thế chiến II. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng yêu cầu rằng trước hết Seoul phải đưa nhóm người đào tị Bắc Triều Tiên, trong đó có 12 nhân viên nhà hàng đang sống tị nạn tại Hàn Quốc từ năm ngoái, trở lại miền Bắc. Chế độ Kim Jong-un cáo buộc nhóm người đào tị này bị bắt cóc, trong khi Hàn Quốc cho biết những người này tình nguyện chạy trốn sang miền Nam.
Ông Ahn Chan-il, một người đào tị Bắc Triều Tiên và đang là chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên, cho biết lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang đưa ra các đòi hỏi bất khả thi để cải thiện quan hệ liên Triều vì ông ta dự đoán trong ngắn hạn mối quan hệ này rốt cuộc sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Thông tấn xã Bắc Triều Tiên (KCNA) hôm thứ Bảy (10/6) cho hay Bình Nhưỡng chuẩn bị cho thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới lục địa Hoa Kỳ. Sự khiêu khích nghiêm trọng như vậy có thể coi là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Mỹ. Ông Ahn nhận định điều đó sẽ kéo theo các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng hơn từ LHQ, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc.
“Nếu Bắc Triều Tiên làm điều đó, ông Kim Jong-un hiểu rõ rằng Trung Quốc sẽ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt như tạm dừng đường ống dẫn dầu giữa hai nước”. Ông Ahn nói thêm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc hôm thứ Hai (12/6) đã phát biểu rằng Seoul sẽ “phản ứng mạnh mẽ trước những vụ khiêu khích tên lửa của Bình Nhưỡng”, nhưng cũng sẽ “linh động xem xét các trao đổi ngoại giao liên Triều ở cấp độ tư nhân” để cố gắng giảm mâu thuẫn mà vẫn không làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với miền Bắc.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc Khủng hoảng nhân đạo Bắc Triều Tiên hỗ trợ nhân đạo Moon Jae In