Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc thay đổi thế nào dưới thời Moon Jae-in?
Không giống như các lần bầu cửa trước đây, tổng thống tân cử Hàn Quốc thường có vài tuần để chuẩn bị cho công việc mới, ông Moon Jae-in đã tuyên thệ nhậm chức ngay hôm thứ Tư 10/5, chỉ vài giờ sau khi Ủy ban bầu cử khẳng định chiến thắng của ông. Bởi vì đây là thời điểm bất thường, Tổng thống tân cử cần phải tiếp quản ngay khoảng trống quyền lực do bà Park Geun-hye để lại sau bê bối tham nhũng và lạm quyền.
Có rất nhiều vấn đề then chốt của đất nước cần ông Moon Jae-in giải quyết, trong đó nổi bật là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, song hành cùng mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Ông Moon Jae-in, một chính trị gia cánh tả, từng làm chánh văn phòng nội các dưới thời tổng thống cánh tả gần nhất, ông Roh Moo-hyun, do đó, vị Tổng thống tân cử sẽ có cách tiếp cận các vấn đề đối ngoại tương đối khác biệt so với các chính phủ theo đường lối bảo thủ trước đây.
Khôi phục chính sách ‘Ánh Dương’ với Bắc Hàn
‘Ánh Dương” là chính sách đối ngoại của Hàn Quốc với Bắc Triều Tiên từ năm 1998 tới năm 2008, do Tổng thống Kim Dae-jung khởi sướng và được thực hiện tiếp nối trong chính quyền tổng thống Roh Moo-hyun.
Mục tiêu chính của chính sách này là khiến Bắc Triều Tiên có thái độ dịu nhẹ với miền Nam bằng cách khuyến khích sự tương tác và hỗ trợ kinh tế, với 3 nguyên tắc cơ bản sau:
– Miền Bắc không khiêu khích vũ lực sẽ được dung nhẫn.
– Miền Nam sẽ không cố gắng thống nhất miền Bắc bằng bất cứ cách nào.
– Miền Nam chủ động tích cực tìm kiếm sự hợp tác hai miền.
Với cách tiếp cận mềm mỏng này, mối quan hệ liên Triều đã có một số bước tiến như: Tổ chức được hai cuộc hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên tại Bình Nhưỡng (tháng 6 năm 2000 và tháng 10 năm 2007), nhiều dự án kinh doanh cao cấp chung được khởi động, và thiết lập được các cuộc đoàn tụ ngắn cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, kể từ tháng 3 năm 2008, Tổng thống mới của Hàn Quốc, ông Lee Myung-bak và đảng Quốc gia của ông đã có một lập trường cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên. Các mối quan hệ hai miền lại bị đóng băng và Bắc Triều Tiên tiến hành hàng loạt các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong các năm sau đó.
Vào tháng 11/2010, Bộ Thống nhất Hàn Quốc chính thức tuyên bố chính sách ‘Ánh Dương’ đã thất bại và chính thức khai tử chiến lược này.
Mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên đặc biệt dâng cao kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011. Riêng năm 2016, chính quyền Bình Nhưỡng đã 2 lần thử bom hạt nhân và phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo.
Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên dâng cao trong năm 2017 khi Hoa Kỳ của Tổng thống tân cử Donald Trump thể hiện thái độ cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng và tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ cũng từng bước cô lập Bình Nhưỡng về ngoại giao và bao vây về quân sự. Washington cũng đã hoàn thành bước đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc trước khi ông Moon đắc cử tổng thống chỉ 2 tuần.
Với ông Moon, kỷ niệm về chính sách ‘Ánh Dương’ là rất gần gũi. Trong vai trò chánh văn phòng nội các của tổng thống Roh Moo-hyun, ông Moon chính là người tổ chức cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần 2 diễn ra 10 năm trước, nơi Tổng thống Roh đã hội đàm với ông Kim Jong Il, thân sinh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, ông Kim Jong Un.
Và trong lễ nhậm chức tại Quốc hội hôm 10/5, ông Moon đã thề sẽ cố gắng thực hiện lại chính sách ‘Ánh Dương’ như những gì ông đã hứa trước cử tri trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Tổng thống tân cử nói một cách lạc quan rằng: “Tôi sẽ nhanh chóng di chuyển để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia này. Tôi sẵn sàng đi tới bất kỳ đâu vì nền hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Nếu cần thiết, tôi sẽ lập tức bay tới Washington. Tôi sẽ tới Bắc Kinh và tôi sẽ tới Tokyo. Nếu điều kiện chín muồi, tôi sẽ tới Bình Nhưỡng”.
Ông Moon cũng ủng hộ việc mở lại liên doanh kinh tế chung Kaesong với Bắc Triều Tiên như một phần của sự ủng hộ kinh tế rộng lớn cho Bình Nhưỡng. Kaesong từng là nỗ lực của Hàn Quốc nhằm mang lại những lợi ích kinh tế to lớn để khiến Bắc Triều Tiên thực hiện cải cách kinh tế và chính trị và tiết chế trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, đó là một thử nghiệm kinh tế thất bại.
Hơn nữa, nếu ông Moon thực hiện kế hoạch này sẽ vi phạm các nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đang áp dụng.
Hai nghị quyết gần đây nhất của LHQ là Nghị quyết 2094 và 2321 yêu cầu các nước thành viên LHQ ngăn chặn các dịch vụ tài chính có thể góp phần vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và hạn chế hơn nữa việc liên doanh kinh tế với Bắc Triều Tiên, cấm bất kỳ hỗ trợ tài chính nào cho Bình Nhưỡng trừ khi dự án đó được Ủy ban 1718 của LHQ xem xét và thông qua.
Độc lập hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ
Chính quyền Tổng thống Roh Moo-hyun, nơi ông Moon làm việc 10 năm trước, có mối quan hệ khá căng thẳng với Washington do khác biệt về chính sách đối với Bắc Triều Tiên, cũng như ông Roh đòi hỏi quyền tự trị nhiều hơn của Hàn Quốc trong liên minh với Hoa Kỳ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia để đạt được phiếu bầu từ những người bảo thủ, nhưng vẫn không chắc chắn về việc ông sẽ thực hiện chính sách đối ngoại và an ninh của mình như thế nào.
Ông đã từng mô tả mình là “bạn của nước Mỹ” và nói rằng liên minh với Hòa Kỳ là “nền tảng quan trọng nhất cho ngoại giao và an ninh quốc gia của chúng ta”.
Nhưng, ông Moon cũng ủng hộ có thể “nói không với người Mỹ”, tăng cường khả năng phòng thủ độc lập của Hàn Quốc, giành lại quyền kiểm soát hoạt động chiến tranh của quân đội Hàn Quốc từ Hoa Kỳ. Hiện tại, việc kiểm soát các lực lượng quân đội Hàn Quốc sẽ được chuyển sang chỉ huy trưởng LHQ (thực tế luôn là một tướng Mỹ) khi hai vị tổng hống Mỹ và Hàn Quốc quyết định tình trạng quốc gia chiến tranh.
Ông Moon kêu gọi Hàn Quốc cần giữ vai trò đầu tàu trong các vấn đề Triều Tiên hơn là chỉ ‘ngồi ghế sau’ khi Hoa Kỳ và Trung Quốc thảo luận chính sách đối với Bắc Triều Tiên.
Ông Moon chắc chắn sẽ tìm cách phục hồi nhiều chính sách tự do của cựu tổng thống Roh Moo-hyun, trong đó có tính tới độc lập hơn trong liên minh với Mỹ.
Về vấn đề THAAD, ông Moon ban đầu kiên quyết phản đối Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhưng trong chiến dịch tranh cử ông đã điều chỉnh lập trường mềm mỏng hơn khi nói rằng ông “để ngỏ hai khả năng” triển khai tiếp hoặc thu hồi THAAD và sẽ “chuyển vấn đề này tới chính phủ kế tiếp”.
Ông Moon ủng hộ duy trì hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc độc lập với mạng lưới liên minh rộng lớn hơn.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên