Báo Nga chỉ trích “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc
- Huệ Anh
- •
Trung Á là khu vực quan trọng để Trung Quốc thực thi “Một vành đai, Một con đường”. Tuy nhiên, kế hoạch “vành đai, con đường” này lại bị chỉ trích là sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng cũng như phá hoại môi trường sinh thái. Trung Quốc càng tích cực thúc đẩy kế hoạch này khu vực Trung Á lại càng khiến người dân tại đây phản cảm đối với Trung Quốc. Điều đáng chú ý là, tiếng nói chỉ trích “Một vành đai, Một con đường” lần này không phải đến từ các nước Trung Á, mà là kênh truyền thông chính của Nga có quan hệ ngày càng mật thiết với chính quyền Nga.
Xu thế bài Trung ở Trung Á tăng cao
Tờ “Báo Độc lập” (Nezavisimaya Gazeta) tại Nga là một tờ báo lớn, gần đây có đăng một bài viết dài chỉ trích Trung Quốc thực thi “Một vành đai, Một con đường” tại khu vực Trung Á. Bài viết nói, xu thế bài Trung (chống Trung Quốc) ở khu vực Trung Á ngày càng tăng cao, Trung Quốc càng tích cực thúc đẩy “Một vành đai, Một con đường”, càng rải tiền ở khu vực này, càng thi công nhiều công trình đầu tư, thì các hoạt động kháng nghị chống Trung Quốc của người dân địa phương càng nhiều, khẩu hiệu chống Trung Quốc cũng ngày càng vang dội.
Trung Quốc chiếm lĩnh Trung Á, tâm thái này không chỉ tập trung ở hai nước Kyrgyzstan và Kazakhstan – nơi mà xu thế chống Trung Quốc tương đối tập trung, hiện nay, xu thế này cũng đang lan ra khắp Trung Á.
Tâm lý ghét Trung Quốc ngày càng tăng
Bài viết dẫn báo cáo của nhà xã hội học tại Kazakhstan, năm 2007, người dân địa phương phản cảm đối với người di dân đến từ Trung Quốc có thể lên đến 18%, năm 2012 đã lên đến 33%; còn năm 2017, có đến 46% người được thăm dò biểu thị thái độ “ghét” người di dân Trung Quốc.
Bài viết cảnh báo, trong thời gian rất ngắn, chỉ có 10 năm, sự phản cảm đối với Trung Quốc tại khu vực Trung Á đã lan rộng, phát triển ở nhiều mặt từ tôn giáo cho đến dân tộc, trở thành một phần của đời sống xã hội ở Trung Á, và nó trở thành một xu hướng dân ý thời thượng.
Tâm lý bài Trung trở thành “thương phẩm” kiếm tiền và công cụ đấu đá nội bộ
Không chỉ có vậy, tâm lý bài Trung còn bị chính trị hóa. Đấu đá tầng lớp quyền quý ở các nước Trung Á coi tâm lý bài Trung là công cụ, họ tích cực lợi dụng để đấu đá nội bộ. Và tâm lý bài Trung này được lợi dụng ngày càng rộng. Có thể dự kiến, tương lai, lực lượng chủ yếu phản đối tầng lớp chấp chính ở khu vực Trung Á đều sẽ lấy lá bài Trung Quốc để chỉ trích kẻ thống trị bán đứng lợi ích quốc gia.
Bài viết nói, tâm lý bài Trung thậm chí biến thành công cụ thu lợi các chính khách Trung Á, họ đã học được cách lợi dụng công cụ này để phát tài.
“Một vành đai, Một con đường” sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng, phá hoại sinh thái
Bài viết nói, Trung Quốc thực thi “Một vành đai, Một con đường” và các hoạt động kinh doanh thương mại ở Trung Á đã phá hoại môi trường sinh thái nơi đây, nghiêm trọng hơn là sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng hủ bại. Người Trung Quốc lại càng muốn đưa những phong bì nhét đầy tiền cho các quan chức địa phương để giải quyết các khó khăn mà họ gặp phải.
Bài viết còn nói, giai cấp quyền quý địa phương lợi dụng tâm lý bài Trung nên thu được lợi ích lớn. Khẩu hiệu chống Trung Quốc ngày càng vang, vì muốn thực thi các công trình nên Trung Quốc đã tiến hành hối lộ cho những người quyền quý tại địa phương ngày càng nhiều.
Tiếng chỉ trích đến từ Nga chứ không phải Trung Á để lại nhiều dư vị
Điều bất ngờ là, những chỉ trích kịch liệt đối với “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc lại không phải đến từ các kênh truyền thông ở Trung Á, mà đến từ một trong những kênh truyền thông chính của nước Nga. Hiện nay, trong bối cảnh truyền thông của nước Nga hầu như đều bị chính quyền kiểm soát, nên bài viết chỉ trích này cũng khiến người ta phải suy nghĩ sâu thêm về mục đích.
Tờ “Báo độc lập” của Nga được kiểm soát bởi phú hào Konstantin Remchukov thân với chính quyền Nga. Ông từng bị Mỹ liệt vào danh sách chế tài đối với những nhà tài phiệt Nga là đối tác làm ăn với “vua ngành nhôm” Oleg Jeripasca. Konstantin Remchukov hiện còn là Thị trưởng thành phố Moscow.
Chống Trung Quốc vẫn tiếp tục, Bắc Kinh vẫn sẽ “rải tiền”
Mấy năm nay, các hoạt động kháng nghị nhắm vào Trung Quốc ở khu vực Trung Á vẫn thường hay diễn ra. Xã hội Kyrgyzstan đồng thời vô cùng lo lắng vì quá nhiều khoản nợ Trung Quốc, rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, thậm chí là đe dọa đến chủ quyền quốc gia. Nhưng trước đó không lâu, tại một hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Thanh Đảo (Trung Quốc), Trung Quốc lại một lần nữa tuyên bố với nhà lãnh đạo của Kyrgyzstan về các khoản viện trợ và khoản cho vay lớn.
Năm 2016, Đại sứ quán tại Trung Quốc tại Kyrgyzstan bị tấn công khủng bố. Khi đó, tại Kazakhstan cũng nổ ra hoạt động biểu tình kháng nghị quy mô lớn, người dân địa phương bất mãn với một đạo luật mới có thể để cho Trung Quốc mua rất nhiều đất của Kazakhstan. Còn trước đó nữa, Kazakhstan cũng từng nổ ra hoạt động biểu tình, người dân kháng nghị doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc cấu kết hợp tác với tầng lớp quyền quý tại địa phương cùng bức hại công nhân khai thác dầu mỏ.
Nga đứng sau châm ngòi nổ đấu tranh chống Trung Quốc?
Có phân tích cho rằng, Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng tại Trung Á, đã đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của Nga tại khu vực này. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ, tâm lý chống Trung Quốc tại Trung Á liệu có liên quan tới Nga hay không.
Bất mãn Trung Quốc nhưng đồng thời cũng ghét Nga
Học giả chính trị Kazakhstan là ông Dosym Satpayev nói, tâm lý chống Trung Quốc của người dân địa phương phần lớn đến từ những người không hiểu Trung Quốc. Ông biết trong rất nhiều những người trung lưu và phú hào có gia đình còn muốn đưa con họ đến Trung Quốc học tập chứ không phải là đến Nga.
Ông nói, bên cạnh sự bất mãn với Trung Quốc, xã hội Kazakhstan đồng thời cũng có tâm lý chống Nga nghiêm trọng, đặc biệt là sau khủng hoảng Ukraina và Nga thôn tính bán đảo Krym, người dân địa Kazakhstan càng lo lắng về mối đe dọa đến từ Nga.
Trung, Nga đều có toan tính tại Trung Á
Ông Dosym Satpayev nói, khác với Trung Quốc và Mỹ, Nga không phải đều có mối quan hệ tốt với tất cả các nước Trung Á, mà chỉ có quan hệ mật thiết với Kazakhstan và Kyrgyzstan. Nhưng là một đối thủ chính, Trung Quốc và Nga đang cạnh tranh để có được sức ảnh hưởng ở Trung Á. Đặc biệt là “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc và “Cộng đồng kinh tế Âu-Á” của Nga dường như không thể dung hòa với nhau.
Ông nói: “Không cách nào dung hợp các công trình của hai nước với hai mục đích khác nhau tại Trung Á. Đặc biệt là ‘Cộng đồng kinh tế Âu-Á’ của Nga đang lảo đảo sắp đổ và xuất hiện vết nứt. Quy mô thương mại của công trình này rất nhỏ và con đường phát triển không được tốt lắm, trong bối cảnh này, rất có thể chỉ còn lại ‘Một vành đai, Một con đường’”.
Nga, Trung không để ý đến sự phát triển của Trung Á
Báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc Tế (International Crisis Group, ICG) cho biết, hai công trình này của Trung Quốc và Nga đều không chú trọng tới xây dựng nền dân chủ và xã hội pháp trị ở Trung Á; 2 công trình này cũng không thể làm giảm thiểu tham nhũng hủ bại ở khu vực Trung Á.
Báo cáo này cho rằng, Trung Quốc rất giỏi lôi kéo quan hệ với bộ phận quyền quý ở Trung Á, đồng thời hối lộ họ. Sự đầu tư và cho vay của Trung Quốc tại khu vực này rất không minh bạch.
Báo cáo cũng nhận định, tâm lý chống Trung Quốc ngày càng tăng cao trong các tầng lớp xã hội Trung Á. Đặc biệt là tại Kyrgyzstan và Kazakhstan, gần đây có rất nhiều những hoạt động kháng nghị nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên báo cáo cũng cho rằng, những công ty của các nước khác thỉnh thoảng cũng bị người dân Kyrgyzstan phản đối, nhưng bản chất của các cuộc kháng nghị đối với công ty Trung Quốc và các nước khác là khác nhau.
Huệ Anh (theo VOA)
Xem thêm:
Từ khóa Một vành đai một con đường