Hoạt động bầu cử tổng thống Venezuela đã kết thúc, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và đối thủ của đảng đối lập Edmundo González cùng tuyên bố chiến thắng. Quá trình bầu cử bị cáo buộc là không công bằng và bạo lực.

maduro
Sáng sớm 29/7, Cơ quan Bầu cử Venezuela công bố số liệu thống kê sơ bộ cho thấy đương kim Tổng thống Maduro đã giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba với 51% số phiếu bầu. (Ảnh: YURI CORTEZ/AFP/Getty)

Bầu cử tổng thống Venezuela

Reuters đưa tin, Cơ quan Bầu cử Venezuela sáng sớm 29/7 công bố số liệu thống kê sơ bộ cho thấy đương kim Tổng thống Maduro giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba với 51% phiếu bầu, còn ứng viên đối lập González giành được 44%. Kết quả bầu cử cho thấy những người theo chủ nghĩa xã hội tiếp tục thời hạn nắm quyền kéo dài ở đất nước giàu dầu mỏ Nam Mỹ này.

Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE) là ông Elvis Amoroso cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình, rằng khoảng 80% số thùng phiếu đã được kiểm. Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela cũng thừa nhận hệ thống truyền dữ liệu bầu cử tổng thống của Venezuela đã bị “tấn công” và đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp điều tra điều mà ông Amoroso gọi là “hành động khủng bố”, đồng thời cho biết tỷ lệ cử tri đi bầu toàn quốc là 59%.

Ủy ban Bầu cử Quốc gia Venezuela ban đầu là một cơ quan độc lập, nhưng các đảng đối lập cho rằng cơ quan này hoạt động như một cánh tay của Chính phủ.

Tối 28/7, đảng đối lập Venezuela tuyên bố các quan chức cấp cao của họ dự định chứng kiến ​​kết quả kiểm phiếu nhưng họ bị ngăn chặn, có một số điểm bỏ phiếu không cho phép quan sát viên của đảng đối lập vào giám sát.

Quân đội Venezuela luôn ủng hộ ông Maduro, 61 tuổi, chưa có dấu hiệu công khai nào cho thấy nhà lãnh đạo quân sự này đã cắt đứt quan hệ với Chính phủ Venezuela.

Khi ông Maduro xuất hiện tại dinh tổng thống Venezuela đã làm dấy lên tiếng reo hò của những người ủng hộ. Maduro đã có bài phát biểu gọi việc tái đắc cử là một chiến thắng cho hòa bình và ổn định ở Venezuela, đồng thời nhắc lại tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của ông rằng hệ thống bầu cử của Venezuela là minh bạch.

Maduro nói thêm rằng ông sẽ ký sắc lệnh vào thứ Hai (29/7) để tổ chức “cuộc đối thoại quốc gia lớn” – ám chỉ đối thoại giữa chính phủ và đảng đối lập, doanh nghiệp, và các nhóm xã hội dân sự khác.

Tuy nhiên, nhiều cuộc thăm dò ý kiến ​​​​ở Venezuela cho thấy ứng cử viên đối lập González đã giành chiến thắng. Công ty Edison Research nổi tiếng về thăm dò ý kiến bầu cử ở Mỹ đã tính rằng González giành được 65% phiếu bầu còn Maduro 31%. Công ty địa phương Meganalisis dự đoán González sẽ nhận được 65% phiếu bầu, so với con số của Maduro là dưới 14%…

Lãnh đạo phe đối lập Maria Corina Machado cho biết ông González đã giành được 70% số phiếu bầu, ngoài ra nhiều cuộc thăm dò độc lập và kiểm phiếu cho thấy chiến thắng của ông.

Trong tuyên bố chung với González, bà Maria Corina Machado nói: “Venezuela có một tổng thống mới đắc cử, Edmundo González. Chúng tôi đã thắng và cả thế giới đều biết điều đó”.

“Thông điệp hòa giải và thay đổi hòa bình của chúng tôi vẫn còn… Cuộc chiến của chúng tôi vẫn tiếp tục, và chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi ý chí của người dân Venezuela được tôn trọng”, ông González nói và cho biết ông không kêu gọi những người ủng hộ xuống đường hoặc thực hiện bất kỳ hành động bạo lực nào.

Phản ứng của các bên

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc rằng kết quả bầu cử tổng thống do chính quyền Venezuela công bố không phản ánh ý chí của người dân Venezuela hoặc số phiếu bầu thực sự”.

Ông Blinken kêu gọi cơ quan bầu cử công bố số phiếu chi tiết.

Tổng thống Argentina là Javier Milei gọi kết quả bầu cử tổng thống của Venezuela là gian lận. Các nước khác như Costa Rica và Peru cũng từ chối chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống Venezuela, trong khi Chile cho biết sẽ không chấp nhận bất kỳ kết quả nào không thể xác minh được.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha là Jose Manuel Albares cho biết Venezuela nên cung cấp thông tin chi tiết về tất cả các điểm bỏ phiếu để đảm bảo kết quả có thể được kiểm chứng đầy đủ. Ông nói: “Chúng tôi yêu cầu bình tĩnh và văn minh trong bỏ phiếu”.

Tuy nhiên cũng có một số nước như Nga, Cuba, Honduras và Bolivia ăn mừng chiến thắng của Maduro.

Tổng thống Nga Putin đã chúc mừng Maduro, đồng thời ca ngợi mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Venezuela, cho hay sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau trong các vấn đề song phương và quốc tế. “Hãy nhớ rằng các bạn sẽ luôn là vị khách được chào đón trên đất Nga”, ông Putin nói.

Những người ủng hộ phe đối lập bị tấn công

Venezuela
Ngày 29/7 sau khi kết quả bầu cử tổng thống ở Caracas được công bố, lãnh đạo phe đối lập là Maria Collina Machado (phải) và ứng cử viên tổng thống Edmundo González Urrutia đã được giới truyền thông phỏng vấn. (Nguồn: FEDERICO PARRA/AFP/Getty)

Lãnh đạo phe đối lập María Corina Machado luôn là ngôi sao trong chiến dịch tranh cử của liên minh đối lập, mặc dù lệnh cấm giữ chức vụ công đã buộc bà phải nhường vị trí ứng cử viên tổng thống cho ông González, một cựu ngoại giao 74 tuổi người Venezuela nổi tiếng với thái độ điềm tĩnh.

Ông González thậm chí còn giành được ủng hộ từ một số cử tri trong quá khứ từng ủng hộ đảng cầm quyền, nhưng trước cuộc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela, các đảng đối lập và giới quan sát đặt câu hỏi liệu quá trình bỏ phiếu có công bằng hay không. Họ cho rằng quyết định của cơ quan bầu cử Venezuela và việc bắt giữ các nhân viên vận động tranh cử của đảng đối lập nhằm tạo ra trở ngại. Bởi vì kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 của Maduro đã bị Mỹ và các nước khác coi là gian lận.

Tối 28/7, Bộ trưởng Tư pháp Venezuela là Tarek Saab cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng không có bất kỳ bạo lực nào xảy ra, ngoại trừ một số sự cố cá biệt, cuộc bỏ phiếu diễn ra trong hòa bình.

Tuy nhiên, cách văn phòng của Saab ở trung tâm thành phố Caracas chưa đầy một dãy nhà, hàng chục người ủng hộ đảng cầm quyền đi xe máy đã tập trung tại trung tâm bỏ phiếu lớn nhất là trường trung học Andres Bello (Andres Bello secondary school), họ đụng độ với những người ủng hộ đảng đối lập tụ tập bên ngoài.

Video trên mạng xã hội cho thấy các cuộc đụng độ tương tự cũng diễn ra ở những nơi khác tại Venezuela.

Đài quan sát xung đột xã hội Venezuela (The Venezuelan Observatory of Social Conflict) tuyên bố trên mạng xã hội X rằng thủ đô Caracas và 6 bang đã xuất hiện các nhóm vũ trang ủng hộ đảng cầm quyền (được gọi là “collectives”) đang đi xe máy. Tại bang biên giới Tachira, một người đàn ông đã bị bắn chết khi đám đông bên ngoài trạm bỏ phiếu bị một nhóm vũ trang ủng hộ đảng cầm quyền tấn công.

Reuters không thể xác minh độc lập các chi tiết của vụ việc.

Di sản chính trị của Chávez

Phóng viên Reuters tại 7 địa điểm ở Venezuela đưa tin, cử tri đã xếp hàng bên ngoài các điểm bỏ phiếu để chờ bỏ phiếu vào buổi sáng, nhiều cử tri đã đến điểm bỏ phiếu trước bình minh. Một số điểm bỏ phiếu mở cửa muộn hoặc bỏ phiếu chậm.

Bà Luisa González (61 tuổi) đi bỏ phiếu ở bang Bolivar, nơi bỏ phiếu truyền thống của đảng cầm quyền. Bà nói: “Tôi dọn dẹp nhà cửa và phải nuôi 4 đứa cháu. Tôi chỉ kiếm được 15 USD/tuần, số đó chỉ đủ cho sinh hoạt một ngày, sang ngày thứ hai thì không có tiền”.

Luisa González nói: “Tôi từng là người chủ nghĩa Chavista, nhưng mọi người đã thay đổi”. Thuật ngữ Chavista để mô tả những người ủng hộ đảng cầm quyền, ám chỉ cố Tổng thống Hugo Chavez.

Nhưng Chính phủ của Maduro đã dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela, sự di cư của khoảng 1/3 dân số và mối quan hệ ngoại giao xấu đi rõ rệt. Các lệnh trừng phạt do Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước khác áp đặt đã làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ vốn đang gặp khó khăn của Venezuela.

Đáp lại, ông Maduro cho biết nếu quay trở lại nắm quyền, ông sẽ đảm bảo hòa bình và tăng trưởng kinh tế ở Venezuela, từ đó giảm sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ.

Giới quan sát chỉ ra rằng ít nhất cả thập niên qua chưa thấy cử tri Venezuela chú ý nhiều như vậy đến cuộc bầu cử tổng thống. Bất chấp căng thẳng chính trị ở Venezuela do vụ bắt giữ các nhân vật đối lập, các cuộc vận động tranh cử của phe đối lập vẫn thu hút rất đông đám đông, bao gồm cả những người ủng hộ đảng cầm quyền của Maduro.

Mặc dù ông Maduro đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát tiền tệ và kiềm chế lạm phát từng đạt mức cao nhất từng thấy, nhưng nền kinh tế Venezuela vẫn quay cuồng vì doanh thu từ dầu mỏ giảm của nước OPEC này trong khi các lệnh trừng phạt tiếp tục gia tăng.

Giáo viên Marina Pérez nói với một cuộc biểu tình của phe đối lập ở thủ phủ Valencia của bang Carabobo, hy vọng rằng đến một lúc nào đó họ có thể vạch ra con đường của đất nước, nhưng tình hình hiện tại càng ngày càng tệ. Cô giáo 2 năm chưa được tăng lương nói: “Chúng tôi đã dành 25 năm ủng hộ Chavismo, một hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cánh tả”.

Edgar González, 39 tuổi, người tham dự một cuộc biểu tình của phe đối lập, cho biết: “Tôi thích ý tưởng của họ về chủ nghĩa Chavismo, đó là sự giàu có nên được chia sẻ, cơ hội nên được trao cho nhiều người để vượt lên, để những người yếu thế nhất có cơ hội. Nhưng (Chính phủ Maduro) là một quá trình điên rồ. Tôi không hối hận về quá khứ của mình, nhưng tôi hiểu đó không phải là cách đúng đắn”. Sau khi công ty trước đây của Edgar González sụp đổ vào năm 2021, ông mất việc kế toán và hiện kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm.

Giám đốc công ty tư vấn ORC Consultants ở Caracas, ông Oswaldo Ramirez, cho biết: “Những người Chavista cũng không hài lòng khi tin rằng đất nước cần đi theo con đường mới và rằng cuộc cách mạng về cơ bản đã lụi tàn”.