Al Shifa và Al-Quds, hai bệnh viện lớn nhất Dải Gaza đã ngừng hoạt động. Israel một lần nữa bị lên án tội ác chiến tranh. Phe Israel nói rằng đó là vì Hamas dùng dân chúng làm bia đỡ đạn.

tre so sinh o Gaza
Trẻ sơ sinh gặp các vấn đề sức khỏe cần máy hỗ trợ y tế tại bệnh viện Shifa ở Gaza. (Chris McGrath/Getty Images)

Reuters đưa tin rằng hai bệnh viện lớn nhất Gaza, Al Shifa và Al-Quds, bị buộc phải ngừng nhận bệnh nhân mới là vì không còn vật tư và năng lực để tiếp tục, và trẻ nhỏ, gồm cả trẻ sơ sinh, đang trong tình trạng nguy kịch. Hãng tin báo cáo rằng Israel đang tổ chức săn lùng quân Hamas và các bệnh viện nằm trong phạm vi này phải phối hợp bằng cách di tản đi từ trước đó.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói hôm Chủ Nhật rằng họ đã mất liên lạc với người của mình tại bệnh viện lớn nhất Gaza, Al Shifa. Israel và phe ủng hộ giải thích rằng Hamas dùng bệnh viện này như là trung tâm điều hành các hoạt động khủng bố, theo RT đưa tin.

Liên minh Châu Âu EU hôm Chủ Nhật đã lên án “Hamas dùng dân chúng như bia đỡ đạn” ở Gaza, đồng thời kêu gọi quân đội Israel hãy “kiềm chế tối đa” để bảo vệ dân thường.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden có nói về ngưng bắn (pause) tạm thời ở Gaza vì “nhân đạo”, và sau đó phía Israel đồng ý mỗi ngày cho 4 giờ đồng hồ ngưng tạm thời vì “nhân đạo” và cho phép dân Gaza di chuyển về phía Nam. Lưu ý rằng đây là ngưng tạm thời (pause) chứ không phải ngừng bắn (ceasefire).

Hoạt động này được phe ủng hộ Israel ca ngợi, miêu tả đó là Israel đã nhượng bộ và tiếp thu ý kiến đóng góp. Trong khi đó, các tiếng nói khác lên án đó là đạo đức giả, lập luận rằng thứ nhất là phía Nam cũng đang bị Israel dội bom, và thứ hai là 1 ngày ngừng 4 giờ rồi lại đánh tiếp thì có thật sự có ý nghĩa “nhân đạo” gì không.

Hai bệnh viện lớn nhất bị công hãm

The Guardian miêu tả bệnh viện trong trạng thái tối tăm, và hàng chục trẻ sơ sinh được dồn vào thành nhóm, mỗi nhóm gồm 7 hoặc 8 cháu, như một biện pháp giúp các cháu còn giữ được hơi ấm.

Hiện nay có 39 trẻ sơ sinh như vậy ở Al-Shifa, bệnh viện lớn nhất ở Gaza và cũng là bệnh viện còn trụ được tới phút cuối cùng, khi các bệnh viện khác đã phải nghỉ hết. Tại đây đã không còn ô-xy, không còn điện, không còn xăng dầu.

“Đơn vị sơ sinh không được kết nối với các đơn vị phẫu thuật chính trong khu phức hợp y tế của Al-Shifa nữa,” theo Marwan Abu Sada, người đứng đầu khoa phẫu thuật tại al-Shifa, nơi từng được coi là trung tâm của hệ thống chăm sóc sức khỏe của Gaza và hiện đang hoạt động dưới hỏa lực, cho nên “rất nguy hiểm khi đi từ tòa nhà chính để đón các em bé.”

“Chúng tôi đã gọi cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế [ICRC] và người Israel chỉ để đảm bảo việc đưa trẻ sơ sinh từ phòng ICU sơ sinh đến khu vực phẫu thuật.”

39 trẻ sơ sinh đã sống sót sau ca chuyển viện, nhưng tình trạng của chúng trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần. “Hôm nay chúng tôi đã mất đi mạng sống của một em bé. Hôm qua chúng tôi đã mất hai đứa trẻ và tôi sợ rằng tất cả các đứa trẻ sẽ mất mạng,” Abu Sada nói.

Ông nói, Al-Shifa có đơn vị sơ sinh lớn nhất ở Gaza, và hiện nay đã không nơi nào khác có thể chăm sóc trẻ sơ sinh nữa, khiến việc sơ tán là hoàn toàn không khả thi. “Chúng tôi không còn nguồn cung cấp oxy hay thậm chí nhiên liệu để chạy máy phát điện nữa.”

Đêm hôm Thứ Bảy, Bộ Y tế Palestine thông báo quân đội Israel đang tấn công khu vực chung quanh Al-Shifa, đồng thời nói rằng các hoạt động như di chuyển bệnh nhân là không thể thực hiện được vì “những vụ đánh bom điên cuồng,” theo RT đưa tin.

Quan chức quân đội Israel đã phủ nhận thông tin rằng bệnh viện đang gặp nguy hiểm, thừa nhận rằng “có xung đột giữa IDF (quân đội Israel) và khủng bố Hamas ở khu vực chung quanh bệnh viện,” nhưng “không có cuộc bao vây.”

Vài tuần trước đó, người phát ngôn IDF, Daniel Hagari, tuyên bố rằng Hamas đang “hoạt động trong và dưới [lòng đất] bệnh viện Al-Shifa,” đồng thời tuyên bố rằng “những kẻ khủng bố đang di chuyển tự do” trong bệnh viện.

EU lên tiếng hôm Chủ Nhật sau tin tức hai bệnh viện bị buộc ngừng tiếp bệnh nhân

“EU lên án việc Hamas sử dụng bệnh viện và dân thường làm lá chắn sống,” người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho biết trong một tuyên bố thay mặt cho liên minh gồm 27 quốc gia thành viên. “Thường dân phải được phép rời khỏi khu vực chiến đấu.”

Đồng thời, ông kêu gọi Israel kiềm chế tối đa, nhấn mạnh nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế là bảo vệ bệnh viện, vật tư y tế và dân thường bên trong bệnh viện.

Borrell cảnh báo: “Những hành động thù địch này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh viện và gây thiệt hại nặng nề cho dân thường và nhân viên y tế.”

Ông nói thêm: “Các bệnh viện phải… được cung cấp ngay những vật tư y tế khẩn cấp nhất và những bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp cần được sơ tán một cách an toàn. Trong bối cảnh này, chúng tôi kêu gọi Israel kiềm chế tối đa để đảm bảo bảo vệ dân thường.”

WHO tuyên bố mất liên lạc với người của mình ở đó

Theo tuyên bố của WHO, họ đã mất liên lạc với các nhân viên của mình, và cho rằng các nhân viên có thể đã “tham gia cùng hàng chục ngàn người phải di dời đã tìm nơi trú ẩn trong khuôn viên bệnh viện hoặc đang chạy trốn khỏi khu vực,” theo báo cáo của RT.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: “Có báo cáo cho thấy một số người trốn khỏi bệnh viện đã bị bắn, bị thương hoặc thiệt mạng” . Ông nói thêm rằng theo báo cáo mới nhất thì “bệnh viện bị bao vây bởi xe tăng.”

Tổ chức này đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza và sơ tán y tế an toàn cho những người bị thương và bị bệnh nặng. Họ “quan ngại sâu sắc” về sự an toàn của nhân viên y tế và hàng trăm bệnh nhân, bao gồm cả trẻ em.

Dưới đây là tweet mới nhất của ông Ghebreyesus, cho hay WHO đã nối lại được liên lạc với người của mình.

“WHO đã liên lạc lại được với người của mình ở Gaza tại bệnh viện Al-Shifa.

Tình huống rất nghiêm trọng và nguy hiểm.

Đã liên tục 3 ngày không có điện, nước, và đường Internet rất kém, khiến bệnh viện không còn có khả năng cung cấp dù là các dịch vụ cơ bản.

Súng đạn và bom ở khu vực đã tăng mạnh và ở vào tình trạng khẩn cấp.

Bi kịch thay, số tử vong đang tăng một cách đáng kể.

Điều đáng buồn là bệnh viện đã không thể hoạt động như một bệnh viện nữa.

Thế giới không thể tiếp tục im lặng khi các bệnh viện, nơi lẽ ra là chốn an toàn, đã bị biến thành cảnh chết chóc, đổ nát, và tuyệt vọng.”

Video của Al Jazeera (Qatar) cảnh dân chúng Gaza xếp hàng dài để nhận lương thực. Cảnh dùng gỗ nhóm lửa nấu ăn này có lẽ khiến những người Việt nào từng trải qua những năm 1970, 1980 nhớ lại cảnh sống khi không có điện và xăng dầu lúc bấy giờ.

“Không ai được ra, không ai được vào”

Quân đội Israel nói rằng họ đã thông báo cho bệnh viện rằng phải sơ tán đi, và họ đã đặt 300 lít xăng dầu làm nhiên liệu cho bệnh viện, chỉ là số chất đốt đó đã bị Hamas lấy đi.

Giám đốc bệnh viện Al-Shifa, Muhammad Abu Salmiya, đã tuyên bố rằng lời đó của quân đội Israel là “lời dối trá và phỉ báng.”

Trong một thông báo của Bộ Y tế Palestine, người phát ngôn Ashraf Al-Qidra nói rằng 3 trong số 45 trẻ sơ sinh ở bệnh viện này đã chết.

Người của bệnh viện Al-Shifa nói rằng họ đã bị phong tỏa hoàn toàn.

“Bệnh viện Shifa đã không hoạt động, không ai được ra, không ai được vào.”

Trong khi đó, Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ nói rằng bệnh viện lớn thứ hai Al-Quds cũng đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại một chút nhỏ lương thực, thuốc men, và nước.

“Trong suốt 6 đến 7 ngày qua, bệnh viện Al-Quds đã bị cắt khỏi phần còn lại của thế giới. Không lối ra, không đường vào,” theo  Tommaso Della Longa, người phát ngôn của tổ chức nhân đạo này.

Theo báo cáo của Reuters, 3 cơ quan của LHQ hoạt động ở đây đều nói về tình trạng kinh hoàng trong 36 ngày qua. Ít nhất 137 vụ tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe kiến 512 người chết và  686 người bị thương, trong đó nhân viên y tế có 16 người chết và 38 người bị thương.

Nhật Tân