AFP đưa tin, tối thứ Năm (2/5), tại quốc gia Tây Á Gruzia (còn gọi là Georgia), hàng chục ngàn người đã xuống đường phản đối dự luật “Đặc vụ nước ngoài” do Chính phủ đệ trình, nhưng bị Hoa Kỳ và Châu Âu chỉ trích.

Georgia
Biểu tình lớn phản đối dự luật “Đại lý nước ngoài” nổ ra ở quốc gia Tây Á Gruzia (còn gọi là Georgia). (Ảnh chụp màn hình video)

Cùng ngày, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã kêu gọi rút dự luật trước quốc hội, và bày tỏ lo ngại về việc những người phản đối sử dụng vũ lực.

AFP đưa tin, không giống như các cuộc biểu tình những trước đó, cuộc biểu tình tối thứ Năm (2/5) được tổ chức tại hai địa điểm quan trọng: Trước tòa nhà Quốc hội, một địa điểm biểu tình truyền thống và trên Quảng trường Anh hùng Heroes Square, nơi tưởng nhớ những người lính Gruzia đã hy sinh.

Người biểu tình chặn các con đường dẫn đến quảng trường. Cảnh sát xịt hơi cay vào đám đông và bắt giữ một số người. Để ủng hộ những người bị bắt, người dân biểu tình trước Tòa nhà Quốc hội đã tuần hành đến Quảng trường Heroes Square.

Dự luật này yêu cầu các cá nhân và tổ chức, trong đó có các hãng truyền thông, nhận trên 20% tài trợ nước ngoài phải đăng ký là “bên chịu ảnh hưởng từ nước ngoài”. Người ủng hộ nói dự luật làm tăng tính minh bạch của truyền thông, trong khi những người chỉ trích so sánh nó với một đạo luật tương tự của Nga.

Dự luật sẽ trải qua cuộc bỏ phiếu thứ ba và cuối cùng tại Quốc hội. Đảng cầm quyền cho biết họ muốn ký nó thành luật vào giữa tháng Năm.

Nội dung cốt lõi của dự luật này được coi là bắt nguồn từ đạo luật của Nga mà Điện Kremlin đã sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​trong nhiều năm.

Dự luật quy định các tổ chức nhận tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký với chính phủ Gruzia. Người biểu tình tin rằng dự luật này sẽ trở thành chướng ngại vật cản trở Gruzia gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như “Nói không với Nga!”, và giương cao biểu ngữ lên án đại diện của đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia là “những kẻ phản bội”.

Đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia của quốc gia Tây Á này đề xuất dự thảo luật “Đặc vụ nước ngoài” vào năm 2023, nhưng buộc phải rút lại sau các cuộc biểu tình rầm rộ. Đảng này đã đề xuất lại trước quốc hội với những thay đổi nhỏ, làm dấy lên những cuộc phản đối quy mô lớn hơn.

Những ngày gần đây, hàng chục ngàn người biểu tình đã tập trung trước Tòa nhà Quốc hội để phản đối. Hôm thứ Ba (30/4), cảnh sát đã sử dụng hơi cay, đạn cao su để giải tán đám đông và bắt giữ khoảng 60 người.

Hôm thứ Năm (2/5), Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Volker Türk, kêu gọi chính quyền Gruzia rút lại dự thảo luật “Đặc vụ nước ngoài”, và bày tỏ lo ngại về việc sử dụng vũ lực chống lại những người phản đối.

Trong một tuyên bố, ông Türk kêu gọi chính quyền Gruzia rút dự luật, và tiến hành đối thoại, đặc biệt là với xã hội dân sự và giới truyền thông.

Ông nói rằng việc định nghĩa các tổ chức phi chính phủ và truyền thông do nước ngoài tài trợ là “các tổ chức hoạt động vì lợi ích của các thế lực nước ngoài” gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận và hiệp hội.

Türk nói thêm, ông lo ngại về các báo cáo liên quan đến việc cơ quan thực thi pháp luật đã sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình và nhân viên truyền thông ở Tbilisi, thủ đô của Gruzia trong tuần này.

Tổng thống Zourabichvili tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật nếu quốc hội thông qua. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của bà sẽ kết thúc vào cuối năm nay và quốc hội Gruzia sẽ chọn ra tổng thống mới.

Mối quan hệ giữa Georgia và Nga trở nên phức tạp và hỗn loạn kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990. Hai nước đã xảy ra một cuộc chiến ngắn vào năm 2008, kết thúc bằng việc Georgia mất quyền kiểm soát hai khu vực ly khai thân Nga.

Sau đó Georgia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga và tình trạng của các địa khu vẫn là vấn đề gây ra sự căng thẳng, ngay cả khi quan hệ đã phần nào được cải thiện.

Georgia tham gia các nghị quyết quốc tế lên án việc Nga xâm lược Ukraine, nước này cũng trở thành điểm đến chính của những người Nga chạy trốn sự huy động quân sự và đàn áp chính trị.

Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili, người ngày càng mâu thuẫn với đảng cầm quyền, đã chỉ trích dự luật và nói rằng bà sẽ phủ quyết nếu Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, đảng cầm quyền có thể bác bỏ quyền phủ quyết và yêu cầu chủ tịch quốc hội ký dự luật thành luật.

EU đã phê chuẩn tư cách ứng cử viên của Georgia vào tháng 12, nhưng cho rằng dự luật có thể làm mất đi hy vọng hội nhập châu Âu của nước này nếu được thông qua.

Bình Minh (t/h)