Bộ Tư pháp cáo buộc TQ đe dọa những người bất đồng chính kiến sống ở Mỹ
- Minh Ngọc
- •
Các công tố viên liên bang Hoa Kỳ hôm thứ Tư (16/03) đã cáo buộc nhân viên chính phủ Trung Quốc cố theo dõi và đe dọa những người bất đồng chính kiến sống ở Hoa Kỳ, bao gồm cả một ứng cử viên quốc hội.
Các công tố viên Bộ Tư pháp (DOJ) đã niêm phong ba đơn khiếu nại hình sự riêng biệt cáo buộc các bị cáo theo dõi, quấy rối và theo dõi công dân Trung Quốc ở nhiều tiểu bang khác nhau trên cả nước. Vụ việc này được đánh giá là không khác gì “sự đàn áp xuyên quốc gia” của một chính phủ độc tài.
“Những vụ việc này cho thấy những nỗ lực của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm trấn áp những tiếng nói bất đồng trong nước Mỹ, còn cho thấy cách Trung Quốc cố theo dõi, đe dọa và bịt miệng những người phản đối họ,” Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Matthew Olsen nói trong một cuộc họp báo.
Trong vụ khiếu nại đầu tiên, các công tố viên liên bang cho biết, đặc vụ của chính phủ Trung Quốc đã tiếp cận một điều tra viên tư nhân của Mỹ để giúp dàn dựng một vụ bê bối chính trị, và điều này có thể khiến một người đàn ông gốc Hoa mất đi cơ hội giành được sự đề cử của Đảng Dân chủ để tranh cử một ghế ở Hạ viện Hoa Kỳ ở New York.
Theo các công tố viên, đặc vụ Trung Quốc đã thuê điều tra viên tư nhân tìm biện pháp tấn công thân thể ứng viên, nhằm ngăn cản việc anh ấy ứng cử.
Ứng cử viên nói trên không được nêu rõ danh tính trong các tài liệu của tòa án, nhưng khá phù hợp với tình huống của ông Xiong Yan. Ông này đang muốn được Đảng Dân chủ đề cử ra tranh cử một ghế Hạ viện đại diện cho khu vực phía Đông Long Island, New York.
Với vụ khiếu nại thứ hai, các công tố viên cho hay, một cư dân Long Island tên là Frank Liu đã tiếp cận một điều tra viên tư nhân để giám sát hai nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa đang sống ở Hoa Kỳ. Ông Liu bị buộc tội âm mưu hoạt động ở Hoa Kỳ với tư cách là đặc vụ của chính phủ nước ngoài.
Trong buổi xuất hiện đầu tiên của ông Liu tại Tòa án Liên bang Brooklyn chiều ngày 16/3, luật sư của ông Liu là ông Edgar Frankbonner biện luận, ông Liu là công dân Hoa Kỳ, đã sinh sống ở Hoa Kỳ 38 năm và không có bằng chứng về việc gần đây ông Liu có liên hệ với bất cứ ai ở Trung Quốc.
Bản thân ông Liu cũng phủ nhận tất cả các cáo buộc.
Ở vụ khiếu nại cuối cùng, các đặc vụ chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc lắp đặt thiết bị giám sát tại nơi làm việc và xe hơi của một nghệ sĩ có trụ sở tại California để theo dõi anh ta. Họ cũng được cho là đã phá hủy các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ vốn là công dân Trung Quốc cư trú tại Los Angeles này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa có phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters.
“Những cáo buộc này cho thấy vấn đề can thiệp bầu cử và ảnh hưởng xấu từ nước ngoài vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư pháp,” ông Brandon Van Grack, cựu luật sư của Bộ Tư pháp hiện tại nhận xét. Ông hiện đang làm việc tại công ty luật Morrison & Foerster và cũng không có liên quan trực tiếp đến vụ việc.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã tiến hành trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cho dù phía Nga vẫn luôn phủ nhận điều này.
Tháng trước, Bộ Tư pháp đã kết thúc một chương trình tập trung vào việc chống gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc tại các trường đại học, chuyển sang giải quyết các mối đe dọa từ một loạt các quốc gia thù địch.
Từ khóa Bộ Tư pháp Mỹ đặc vụ Trung Quốc ĐCSTQ đàn áp người bất đồng chính kiến