Bốn lần Đảng Cộng hòa bị chỉ trích vì những điều mà Đảng Dân chủ cũng làm
Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, các thành viên đảng Cộng hòa phải đối mặt với một chuỗi phản ứng phẫn nộ liên tục từ cánh tả vì những điều bị cho là sai lầm, thiếu sót trong phát ngôn và thực thi chính sách.
Quả thực có những điều trong đó đáng bị chỉ trích. Tuy nhiên, cần nhìn thấy rằng, phản ứng tức giận đối với những thành viên Cộng Hòa ủng hộ ông Trump có phần là biểu hiện đạo đức giả của phe cánh tả. Vì chính cái loa giận dữ đó đã im lặng trước những phát ngôn và việc làm tương tự từ chính quyền của Tổng thống Obama.
Dưới đây là bốn trường hợp mà cùng một việc làm, những thành viên Đảng Cộng hòa chịu nhận chỉ trích nghiêm trọng, còn người thuộc Đảng Dân chủ thì không.
Ben Carson và Barack Obama: Nô lệ, người nhập cư
Tân Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị (HUD), Ben Carson đã gây ra sự phẫn nộ lớn vì trong cuộc nói chuyện với nhân viên dưới quyền, ông đã ví những người nô lệ với ‘dân nhập cư’.
Carson nói: “Đó chính là nước Mỹ, một vùng đất của những giấc mơ và cơ hội. Có những người nhập cư khác đã đến đây dưới đáy của những con tàu nô lệ, phải làm việc lâu hơn, thậm chí còn khó khăn hơn với đồng lương ít ỏi hơn. Nhưng họ cũng có một ước mơ rằng một ngày nào đó con trai, con gái, cháu chắt của họ có thể mưu cầu sự thịnh vượng và hạnh phúc trong vùng đất này. “
Cả Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da mầu (NAACP) và Chelsea Clinton (con gái của bà Hillary Clinton) đều nói rằng họ bị xúc phạm trước sự so sánh của ông Carson. Nam diễn viên nổi tiếng Samuel L. Jackson thì công kích thậm tệ Bộ trưởng trong một dòng tweet đầy ngôn từ gay gắt.
Vấn đề ở đây là cựu Tổng thống Barack Obama trước đây cũng đã từng đưa ra so sánh tương tự như ông Carson.
Năm 2015, ông Obama từng phát biểu trong một buổi lễ nhập tịch rằng: “không phải luôn luôn dễ dàng đối với những người nhập cư mới. Chắc chắn, không dễ dàng cho những người di dân châu Phi, những người không phải đến đây tự nguyện, nhưng theo cách riêng của mình, họ cũng là những người di dân.”
Tạp chí The Federalist còn đi xa hơn bằng cách truy ra 11 lần ông Obama ví nô lệ với người nhập cư, và nhận xét rằng chỉ có rất ít phản ứng tức giận mỗi lần đó. Tại sao như vậy?
Chọn iPhone hay bảo hiểm y tế
Vừa qua, cộng đồng Twitter đã cực kỳ phẫn nộ khi dân biểu cộng hòa của bang Utah, Jason Chaffetz đã nói người Mỹ có thể sẽ phải lựa chọn giữa việc mua một chiếc iPhone mới và mua bảo hiểm y tế.
Chaffetz nói trên CNN rằng: “Vâng, chúng tôi đang xóa bỏ những trói buộc công dân. Chúng tôi đang loại bỏ những điều mà mọi người nói rằng họ không muốn … Người Mỹ có lựa chọn, và họ phải lựa chọn. Vì vậy, thay vì mua iPhone mới mà họ thích và muốn chi hàng trăm đô la, có thể họ nên đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe của chính họ“.
Thành viên đảng Cộng hòa này bị xỉ vả từ mọi phương diện, từ việc thản nhiên nhìn người nghèo chết dần cho đến “khôi phục lập luận nghèo đói là một sự lựa chọn”.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama của Đảng Dân chủ cũng có những nhận xét tương tự từ năm 2014. Trong cuộc nói chuyện tại một thị trấn nói tiếng Tây Ban Nha, khi được hỏi về những người nói rằng họ không thể trả phí bảo hiểm, ông Obama lúc đó đã lấy ví dụ về một người kiếm được 40.000 đến 50.000 đô la một năm mà cho rằng chi cho bảo hiểm 300 đô la một tháng là quá nhiều.
“Tôi đoán những gì tôi nói là nếu bạn nhìn vào ngân sách của người đó và bạn nhìn vào hóa đơn truyền hình cáp của họ, điện thoại của họ … hóa đơn điện thoại di động, những thứ khác mà họ đang chi tiêu. Hóa ra họ không ưu tiên cho chăm sóc sức khoẻ chỉ vì bây giờ tất cả mọi người đều khỏe mạnh “, Obama nói.
Cỏ ba lá, cỏ bốn lá
Một số ý kiến trái chiều đã nổi lên sau khi đội ngũ của Tổng thống Trump tung ra thị trường các phiên bản màu xanh lá cây của chiếc mũ nổi tiếng có chữ “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Những chiếc mũ này được gắn thêm biểu tượng cỏ bốn lá. Trong khi đó, cỏ ba lá mới được xem là biểu tượng của sự may mắn. Một số cửa hàng của người Ailen và những người khác trên Twitter than phiền rằng nên để cỏ ba lá là thích hợp hơn.
“Cỏ ba lá là một loại cỏ hình 3 lá và có liên quan tới ngày Thánh Patrick”, Cộng đồng người Ailen than phiền: “Cỏ 4 lá là loại cây hiếm hơn nhiều. Nó cũng có vị ngọt và cũng thường được cho vào nhân bánh ngũ cốc Lucky Charms nhưng không phải là biểu tượng may mắn như cỏ 3 lá.”
Ông Obama cũng đã nhầm hai cây cỏ này với nhau vào năm 2012. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đã cho sản xuất những chiếc áo phông OBama với biểu tượng cỏ 4 lá. Lỗi này đã bị phát hiện, nhưng thực tế thì chẳng ai tham phiền về điều đó cả, thậm chí còn có nhiều người ủng hộ.
Khi đó, Kevin O’Neill, Giáo sư về Lịch sử Ailen tại Đại học Boston nói với tờ New York Times: “Tôi nghĩ đó là sự sáng tạo. Nếu bạn có thể thêm dấu nháy, tại sao lại không thể thêm một chiếc lá.”
Holocaust và phủ nhận tội ác diệt chủng
Một tuyên bố của tân Nhà Trắng của Tổng thống Trump về Ngày quốc tế tưởng niệm tội ác diệt chủng (Holocaust) đã bị chỉ trích khi không hề nhắc đến người Do Thái – nạn nhân chính của tội ác diệt chủng của Hitler.
Bản tuyên bố của Nhà Trắng nói: “Với một trái tim nặng nề và tâm trí ảm đạm, chúng ta nhớ và tôn trọng các nạn nhân, những người sống sót, những anh hùng trong nạn diệt chủng. Không thể nào hoàn toàn hiểu được tội ác và sự khủng bố kinh hoàng mà Đức quốc xã đã gây ra cho những người vô tội“.
Một số nhóm người Do Thái đã chỉ trích thiếu sót này. Nhưng cựu ứng cử viên Phó tổng tống, dân biểu của đảng Dân chủ, Tim Kaine thậm chí đã đi xa hơn khi so sánh tuyên bố đó với việc phủ nhận tội ác diệt chủng người Do Thái.
Tim Kaine nói: “Tổng thống Obama và Tổng thống Bush luôn nói về tội ác diệt chủng của Đức quốc xã liên quan đến việc giết hại người Do Thái. Đó cuối cùng là về tàn sát người Do Thái. Chúng ta phải ghi nhớ điều này. Đây chính là việc phủ nhận Holocaust.”
Thư ký Báo chí của Nhà Trắng, Sean Spicer đã lên án những người chỉ trích là “bới lông tìm vết”. Ông nói: “Tuyên bố đó nhằm gợi nhớ đến Tội ác diệt chủng và cũng là công nhận tất cả mọi người, những người bị tổn thương – trong đó có người Do Thái, người gypsy, các linh mục, người tàn tật, đồng tính – thật thảm hại khi xoi mói một bản tuyên bố.”
Tuy nhiên, bình luận của Kaine đặc biệt đáng chú ý nếu xét đến ‘big boss’ của ông trong cuộc tranh cử vừa rồi – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton. Bà Clinton đã đưa ra một tuyên bố vào năm 2013 trong ngày Holocaust và cũng không đề cập đến người Do Thái.
Tuyên bố này của bà Hillary Clinton nói: “Hàng năm, chúng ta tập hợp lại cùng nhau để tưởng niệm các nạn nhân của một trong những bi kịch tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Thật vậy, gần 70 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, chúng ta tiếp tục tưởng nhớ những nạn nhân bị tàn sát bởi Đức Quốc xã. Cơ chế hủy diệt có hệ thống này đã lấy đi cuộc sống của người Roma, người đồng tính, người khuyết tật, và những người dân thường vô tội khác… những nhóm thiểu số bị Đức Quốc xã coi là thấp kém hoặc không ưa.”
Tuyên bố của bà Clinton cũng lên án phủ nhận tội ác diệt chủng của Đức quốc xã trong khi không nhắc gì tới người Do Thái, mà đề cập đến các vụ diệt chủng khác như ở Campuchia, Srebrenica, Rwanda và Darfur.
Minh Tâm/ Theo Fox News
Xem thêm:
Từ khóa Đảng Dân chủ Di dân chính trị Đảng Cộng hòa