Các nhân chứng nói với Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) trong phiên điều trần hôm 10/3 rằng, các công ty Hoa Kỳ khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc không thể nào tránh được việc chúng vốn được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức.

Embed from Getty Images

Người lao động tại cánh đồng bông ở Hami, Tân Cương Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Họ nhận định rằng, đó là bởi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp đặt một hệ thống chính sách đàn áp về chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo phổ biến đối với phần lớn người Hồi giáo ở khu vực phía Tây Bắc Trung Quốc.

Ông Scott Nova, giám đốc điều hành của Hiệp hội Quyền của Người lao động (WRC) nói với USCIRF trong phiên điều trần ngày 10/3: “Không thể có chuyện một tập đoàn Hoa Kỳ nhập khẩu [sản phẩm hay dịch vụ] từ khu vực [tập trung] của người Duy Ngô Nhĩ mà không phải do sử dụng lao động cưỡng bức, có nghĩa là mỗi tập đoàn chọn lựa sản phẩm từ khu vực cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ đều đồng lõa với tội ác cưỡng bức lao động.” 

WRC là một tổ chức giám sát lao động độc lập với các điều tra viên trên khắp thế giới.

“Nếu một công ty đang nhập khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến vấn đề nêu trên vào Hoa Kỳ từ các khu vực, kể cả Trung Quốc hoặc các nước thứ ba, thì đó là đang vi phạm luật của Hoa Kỳ trong việc cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức,” ông Nova nhấn mạnh trong phiên điều trần.

“Tuy nhiên, bất chấp thực tế là các các nhà quan sát quốc tế đã nhận thấy tội ác phản nhân loại ở khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ trong một thời gian dài, một số lượng lớn các tập đoàn toàn cầu, không chỉ trong lĩnh vực may mặc, vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ khu vực này.”

Theo các nhân chứng có mặt trong phiên điều trần, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ sản xuất ước tính 20% sản lượng bông của thế giới, cũng như gần một nửa số polysilicon được sử dụng trong các tấm pin mặt trời. Khu vực này cũng trồng một lượng lớn cà chua và chế biến các sản phẩm từ cà chua, phần lớn được mua và nhập khẩu vào Hoa Kỳ bởi chính các công ty trong nước.

Theo ông Nova, “Từ Target đến Walmart, từ Lululemon đến Uniqlo, từ Amazon đến Zara, chuỗi cung ứng của hầu hết các nhà bán lẻ tên tuổi đang bán các sản phẩm may mặc từ vải cotton đều ‘chạy qua’ khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ.”

Kết quả là, hàng triệu mặt hàng quần áo có nguồn gốc toàn bộ hoặc một phần từ khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc được nhập khẩu vào Hoa Kỳ mỗi ngày.

Vấn đề lao động cưỡng bức là một phần chính trong những gì ông Gary Bauer , ủy viên USCIRF mô tả là “sự đối xử man rợ của cộng sản Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, mà đúng ra nên được gọi là vết nhơ của thế kỷ”.

Ông Bauer, cựu cố vấn chính sách của tổng thống Ronald Reagan cho biết thêm: “Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ chỉ là một ví dụ nữa trong lịch sử đàn áp các nhóm tôn giáo lâu dài và nghiêm trọng [của ĐCSTQ], bao gồm cả Cơ đốc giáo Tin lành và Công giáo, các học viên Pháp Luân Công và nhóm Phật tử Tây Tạng.”

“Thành thật mà nói, tôi muốn biết làm thế nào các tập đoàn Mỹ có thể biện minh về mặt đạo đức cho việc đầu tư vào Trung Quốc cộng sản. Khi làm như vậy, họ đã góp phần khiến cho một quốc gia hùng mạnh hơn bị kiểm soát bởi một chế độ đàn áp, trong đó chế độ này tuyên chiến với tất cả những người có tín ngưỡng.”

Một nhân chứng khác trong phiên điều trần nói với USCIRF rằng ông nhận được ngày càng nhiều câu hỏi từ các công ty đầu tư của Hoa Kỳ, trong đó họ bày tỏ lo ngại về các khoản đầu tư vào Trung Quốc.

“Trong khoảng hai tháng qua, chúng tôi đã nhận được hàng loạt các cuộc gọi đáng chú ý, đặc biệt từ các công ty đầu tư, công ty lớn, công ty nhỏ, các công ty hoạt động theo hình thức cửa hàng, hay các công ty hoạt động trong các lĩnh vực mà tôi thực sự chưa bao giờ nghe nói đến. Họ đặt câu hỏi đầy lo lắng, không chỉ về Tân Cương mà còn các lĩnh vực khác ở Trung Quốc,” ông Sophie Richardson, Giám đốc về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (tiểu bang Florida), thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Lựa chọn Thượng viện về Tình báo (SSCI), đã lên kế hoạch để đích thân đến làm chứng tại phiên điều trần nhưng cuối cùng không thể thực hiện được.

Thay vào đó, lời chứng của ông Rubio đã được Phó Chủ tịch USCIRF Tony Perkins tuyên đọc. Ông Perkins từng là người chủ trì USCIRF dưới thời Tổng thống Donald Trump và cũng là chủ tịch của Hội đồng Nghiên cứu Gia đình.

ĐCSTQ cấm người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Turkic khác tuân theo những hạn chế trong chế độ ăn uống truyền thống của họ, cầu nguyện hàng ngày, để râu, đội khăn trùm đầu, đi lễ Hajj, đọc kinh Koran và truyền dạy đức tin cho con cái của họ. Việc sử dụng ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ bị hạn chế và thậm chí thường xuyên bị bôi nhọ như một biểu hiện của phần tử khủng bố,” Thượng nghị sĩ Rubio nêu rõ trong lời chứng của mình. 

“Kể từ năm 2017, ĐCSTQ đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương trong các cơ sở cải tạo chính trị. Những hành vi tàn bạo đã được chứng minh [của ĐCSTQ] đối với người Duy Ngô Nhĩ vô cùng ghê tởm và tà ác: tra tấn, cưỡng bức lao động, bạo lực tình dục, cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản.”

“Các công ty không có khả năng tiến hành hoạt động kinh doanh như bình thường ở Tân Cương hoặc các khu vực mà người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến đó theo các chương trình của chính quyền Trung Quốc. Nói cách khác, việc thẩm định kỹ chuỗi cung ứng của họ là không thể.”

“Các quan chức ĐCSTQ đã ngăn chặn điều đó. Với quá nhiều vấn đề như vậy, các hoạt động kinh doanh bình thường không phổ biến ở Trung Quốc. ĐCSTQ từ chối tuân thủ các quy tắc và lờ đi các quy tắc quốc tế.”

Trong một diễn biến khác, ông Rubio đã viết trên Twitter vào cuối ngày 9/3 về mối quan ngại của ông trước thái độ của chính quyền Biden đối với nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.

Ông nói rằng, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ tuyên bố của chính quyền tiền nhiệm rằng Trung Quốc phạm tội “diệt chủng và tội ác chống lại loài người”. Nhưng mới đây nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Wendy Sherman lại mô tả những chính sách đó đã ở “thì quá khứ”.

Ông Rubio cho biết: “Tôi hy vọng đây không phải là nỗ lực để lùi lại những tuyên bố trước đây của Ngoại trưởng Blinken.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: