Các nhà lập pháp Hoa Kỳ: Còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria
- Hân Nhi
- •
Các thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Hoa Kỳ cho biết còn quá sớm để xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Tuyên bố này là dấu hiệu cho thấy Washington khó có thể thay đổi chính sách của mình trong thời gian tới.
“Chúng tôi thực sự vui mừng vì ông Assad đã ra đi”, TNS Jim Risch, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói với Reuters. “Chúng tôi đã làm việc trong một thời gian dài, rất dài và công việc đã hoàn thành. Vấn đề là, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây?”
Nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Sunni Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – một nhánh cũ của al Qaeda, đã tấn công khắp Syria và lật đổ chế độ Assad vào tuần trước – bị Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia khác chỉ định là một tổ chức khủng bố và cũng bị Liên Hợp Quốc trừng phạt.
“Vì vậy, vì điều đó, chắc chắn cần phải tạm dừng để cân nhắc xem điều gì sẽ xảy ra,”, ông Risch nói, lưu ý rằng trong khi các nhà lãnh đạo quân nổi dậy đưa ra những tuyên bố khích lệ về sự thống nhất và nhân quyền, thì vẫn chưa rõ họ sẽ hành động như thế nào.
Ông Risch sẽ chủ trì ủy ban quan hệ đối ngoại giám sát hoạt động ngoại giao của Hoa Kỳ, bắt đầu từ tháng Một khi Đảng Cộng hòa của Tổng thống đắc cử Donald Trump nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Tập trung vào vấn đề nhân quyền
Những người phản đối cho rằng rủi ro là quá cao cho đến khi họ chắc chắn rằng quân nổi dậy ở Syria cho phép nhân quyền, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận và tôn giáo, và không tấn công các thành viên của các nhóm thiểu số.
Các đảng viên Dân chủ cấp cao cũng kêu gọi thận trọng.
“Vẫn còn quá sớm để nói liệu hồ sơ của chính phủ mới [ở Syria] có phản ánh cách thức làm việc khác hay không”, TNS Ben Cardin, hiện đang giữ chức vụ chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói tại một cuộc họp báo.
Tổng thống đắc cử Trump, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, cho biết Hoa Kỳ không nên tham gia vào cuộc xung đột ở Syria.
Những người ủng hộ thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với chế độ mới ở Syria cho rằng việc ban hành miễn trừ và giấy phép sẽ khuyến khích phát triển kinh tế và đầu tư nước ngoài, cung cấp cho chính phủ mới nguồn tài chính rất cần thiết để xây dựng lại và thành lập các thể chế chính phủ.
TNS Chris Murphy, chủ tịch tiểu ban Trung Đông của Thượng viện, cũng cho biết còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh trừng phạt, xét đến lịch sử liên quan đến khủng bố của quân nổi dậy, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp với chính quyền mới ở Syria vào thời điểm các cường quốc thế giới đang tranh giành ảnh hưởng tại đây.
“Tôi không nghĩ Hoa Kỳ nên tự tách mình ra khỏi một căn phòng nơi mọi người khác đang có mặt”, ông Murphy nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông nhấn mạnh đến hàng tỷ USD tài sản và việc khai triển quân đội Hoa Kỳ bên trong và xung quanh Syria.
Ông Murphy cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta nên ngần ngại mở đường dây liên lạc”.
Các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến việc hỗ trợ vật chất cho Syria, nhưng không cấm liên lạc với chính phủ nước này.
Đã có một vài lời kêu gọi tại Quốc hội Hoa Kỳ về việc nới lỏng lệnh trừng phạt, nhưng phần lớn còn đang phản đối việc này.
Hôm thứ Tư (11/12), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, hay còn gọi là NDAA, trong đó bao gồm việc gia hạn “lệnh trừng phạt Caesar” đến năm 2029, áp dụng cho các doanh nghiệp tại Syria và bất kỳ giao dịch quốc gia nào với Syria hoặc các thực thể Nga và Iran tại Syria.
Đạo luật NDAA dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua vào tuần tới, đang gửi đến Nhà Trắng, và dự kiến Tổng thống Joe Biden sẽ ký thành luật.
Từ khóa nội chiến Syria Syria Dòng sự kiện Quan hệ Mỹ - Syria