Người Hồi giáo dòng Shiite Syria trốn sang Liban vì sợ chính quyền mới dòng Sunni đàn áp
- Thiên Vân
- •
Hàng chục ngàn người Syria, phần lớn là người Hồi giáo dòng Shiite, đã tràn qua biên giới Liban sau khi các lực lượng nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Bất chấp các nhà lãnh đạo mới tại thủ đô Damascus đưa ra lời bảo đảm rằng họ sẽ an toàn, những người Hồi giáo dòng Shiite vẫn lo sợ bị đàn áp, một quan chức Liban tiết lộ.
Tại biên giới với Liban, nơi hàng ngàn người đang tìm cách rời khỏi Syria vào hôm thứ Năm (12/12), một số người Syria dòng Shiite được tờ Reuters phỏng vấn đã kể về những lời đe dọa nhằm vào họ, đôi khi trực tiếp nhưng phần lớn xuất hiện trên mạng xã hội.
Những lời kể này phản ánh nỗi sợ hãi sâu sắc bị đàn áp, bất chấp những cam kết bảo vệ từ nhóm chiến binh Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni hiện đang nắm giữ quyền lực chính tại Syria. Dẫu vậy, nhóm HTS chỉ là một trong rất nhiều phe phái vũ trang đang hiện diện tại thủ đô Damascus.
Các cộng đồng người Shiite thường trở thành tiền tuyến trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm tại Syria. Cuộc nội chiến này mang tính chất xung đột sắc tộc khi ông Assad, một người thuộc nhóm thiểu số giáo phái Alawite, đã kêu gọi các đồng minh Shiite trong khu vực, bao gồm cả tổ chức ủy nhiệm Hezbollah do Iran hậu thuẫn từ Liban, đến hỗ trợ cuộc chiến chống lại các lực lượng nổi dậy Syria dòng Sunni.
Một quan chức an ninh cấp cao của Liban cho biết hơn 100.000 người, chủ yếu là thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số, đã vượt biên vào Liban kể từ hôm Chủ nhật (8/12). Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận rằng con số thực tế rất khó xác định, vì phần lớn người tị nạn đã sử dụng các tuyến đường mòn bất hợp pháp dọc biên giới lỏng lẻo giữa Syria và Liban.
Tại cửa khẩu chính giữa Syria và Liban, bà Samira Baba cho biết bà đã chờ đợi ba ngày để nhập cảnh vào Liban cùng các con.
“Chúng tôi không biết ai đã gửi những lời đe dọa này qua WhatsApp và Facebook. Những nhóm nổi dậy nắm quyền không công khai đe dọa chúng tôi, nên có thể là các nhóm khác, hoặc cá nhân nào đó. Chúng tôi chỉ không biết rõ [là nhóm nào]. Nhưng chúng tôi biết rằng đã đến lúc phải rời đi”, bà Baba nói.
Một đất nước Syria mới khiến nhiều người cảm thấy bất an, đặc biệt là các nhóm thiểu số. Người Shiite được ngoại giới ước tính chiếm khoảng một phần mười dân số Syria, trước chiến tranh là 23 triệu người.
Dẫu HTS, nhóm chiến binh Hồi giáo đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với mạng lưới al Qaeda, là thế lực mạnh nhất trong các phe phái chiến đấu chống lại chính quyền Assad cam kết bảo đảm an toàn cho những người Syria dòng Shiite, nhưng hàng loạt các nhóm vũ trang khác vẫn hiện diện, nhiều trong số đó mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Ông Ayham Hamada, một người Shiite 39 tuổi từng phục vụ trong quân đội khi chính quyền Assad sụp đổ, cho biết sự sụp đổ của chính quyền diễn ra đột ngột đến mức ông và anh trai, cũng là một binh sĩ, đã cuống cuồng quyết định giữa việc ở lại hay bỏ trốn.
Cả ông Hamada và anh trai đã chạy trốn đến thủ đô Damascus, chỉ để nhận được những lời đe dọa mà không có bất kỳ giải thích chi tiết nào. “Chúng tôi lo sợ những vụ thanh trừng [vì lý do sắc tộc]… Đây sẽ là một cuộc thanh trừng”.
Dẫu lãnh đạo nhóm HTS, ông Ahmed al-Sharaa, đã lên tiếng cam kết bảo vệ, ông Hamada khẳng định các nhóm thiểu số đã bị bỏ rơi sau khi ông Assad bất ngờ tháo chạy. “Bashar mang theo tiền và bỏ trốn, chẳng đoái hoài đến chúng tôi”, ông Hamada cay đắng nói.
Nhiều người Shiite tại biên giới đến từ khu vực Sayyeda Zeinab, một quận ở thủ đô Damascus nơi sở hữu đền thờ của người Shiite và cũng là nơi đồn trú của các chiến binh Hồi giáo Hezbollah cùng các dân quân Shiite khác. Được Vệ binh Cách mạng Iran hậu thuẫn, các dân quân Shiite này không chỉ đến từ Iraq, Afghanistan mà còn tuyển mộ một số người Shiite Syria.
Cô Elham, một y tá 30 tuổi, cho biết cô đã chờ tại cửa khẩu nhiều ngày trong tình trạng không có thức ăn hay nước uống, cùng với cháu gái 10 ngày tuổi và con trai 2 tuổi.
Là một người Shiite đến từ thủ đô Damascus, cô Elham cho biết cô đã chạy trốn đến vùng nông thôn khi chế độ Assad sụp đổ. Khi quay trở lại, cô Elham thấy ngôi nhà của mình bị cướp phá và thiêu rụi. Cô Elham cùng nhiều người khác nói rằng các nhóm vũ trang đeo mặt nạ đã đột kích vào nhà của họ, chĩa súng ra lệnh họ phải rời đi hoặc bị giết.
“Họ cướp xe của chúng tôi vì nói rằng nó thuộc về họ. [Chúng tôi] chẳng dám nói lời nào. Chúng tôi bỏ lại mọi thứ và chạy trốn”, cô Elham nói.
Tờ Reuters không thể liên lạc ngay lập tức với các quan chức HTS để bình luận về những lời đe dọa mà các nhóm thiểu số nhận được.
“Chúng ta là một dân tộc”
Tại các khu vực phía bắc Syria, một số cư dân từng chạy trốn khi nhóm HTS tấn công vào cuối tháng Mười Một cho biết họ đã cảm thấy an tâm khi quay trở về nhà.
“Vợ tôi là người Sunni. Chúng ta là một dân tộc và một quốc gia”, ông Hussein Al-Saman, 48 tuổi, một người cha Shiite với ba đứa con, chia sẻ với tờ Reuters khi đứng cạnh ngôi đền chính tại thị trấn Nubl của người Shiite, nơi từng là căn cứ của các chiến binh Hồi giáo Hezbollah.
Ông Saman ca ngợi lãnh đạo nhóm HTS, ông Sharaa, vì những nỗ lực bảo vệ cộng đồng, nói rằng ông Sharaa “đã tạo điều kiện cho chúng tôi trở về nhà”.
“Chúng tôi từng là [nhóm dân chúng] thiểu số , buộc phải đứng về phía Assad vì không có lựa chọn nào khác. Nhưng giờ chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi được tự do… Tôi chỉ hy vọng các con tôi được sống bình yên dưới chính quyền mới”, ông Saman hy vọng.
Ông Bassam Abdulwahab, một quan chức giám sát việc hồi hương, cho biết các dịch vụ thiết yếu đã được khôi phục. “An ninh đã được bảo đảm để bảo vệ các nhóm thiểu số”, ông Abdulwahab nói, đồng thời bổ sung thêm rằng đây “là phương châm của lãnh đạo chỉ huy”.
“Chúng tôi gánh vác trách nhiệm bảo vệ các nhóm thiểu số tại Syria. Những gì xảy ra với chúng tôi cũng sẽ xảy ra với họ”, ông Abdulwahab nói.
Tại lối vào thị trấn Nubl, một bức tượng của tổng thống Assad nằm đổ nát bên đường. Ở sâu hơn trong thị trấn, những người dân cần mẫn dọn dẹp cửa hàng, sửa chữa những tòa nhà bị phá hủy, trong khi các quan chức trong quân phục điều phối dòng người trở về.
“Chế độ (của Assad) đã buộc các nhóm thiểu số tại đây phải sống trong tình trạng đối đầu với những người láng giềng Sunni của họ. Chế độ đã chơi một ván cờ chia rẽ chúng tôi với anh em Sunni của mình”, ông Muhyie Al-Dien, một công nhân khai thác mỏ, nhận xét.
Trong khi một số người tại thị trấn Nubl lạc quan về tương lai phía trước, một người đàn ông 41 tuổi, tự giới thiệu là Hami và từ chối xuất hiện trước ống kính, tỏ ra thận trọng hơn. “Chúng tôi là người Shiite còn ban lãnh đạo mới là người Sunni. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra”, ông Hami nói.
Từ khóa nội chiến Syria Syria Dòng sự kiện