Người được ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới đã chết. Và cái chết của ông ta vẫn là một bí ẩn.

 

David Bennett, một người đàn ông 57 tuổi ở Hagerstown, Maryland, đã được cấy ghép một quả tim lợn biến đổi gen trong cuộc phẫu thuật thử nghiệm vào tháng Giêng năm nay, tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore, Hoa Kỳ.

Ông Bennett qua đời hai tháng sau đó.

Trước đó, ông Bennett đã giữ sự sống của mình kéo dài nhiều tuần nhờ một chiếc máy đảm nhiệm chức năng thay cho tim và phổi.

Ca phẫu thuật được xem như một nỗ lực để kéo dài sự sống của một bệnh nhân tuyệt vọng. Nhưng có lẽ sẽ rất khác nếu đặt vào lồng ngực của ông Bennett là trái tim được hiến tặng minh bạch từ một người khác. Điều gây tranh cãi ở đây là quả tim lợn.

Ca phẫu thuật đã được thực hiện, sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp giấy phép khẩn cấp đặc biệt cho nó.

Đến nay, 3 tháng sau khi người được cấy trái tim lợn biến đổi gen đầu tiên qua đời, các bác sĩ vẫn không thể giải thích đầy đủ được về cái chết của ông.

Nhưng họ đã đưa ra một số giả thuyết.

Trong nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Y học New England, các tác giả cho rằng cái chết của ông Bennett là do trụy tim.

Một trong những giải thích được đưa ra là quả tim lợn đã bị kháng thể tấn công. Trước đó, ông Bennett được tiêm kháng thể để điều trị nhiễm trùng.

Một nguyên nhân tử vong khác có thể là do bệnh nhân đã tạm ngưng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Khi ông Bennett ngưng uống thuốc, số lượng bạch cầu đã giảm mạnh, có thể khiến quả tim lợn trong người ông dễ bị đào thải khỏi cơ thể.

Lời giải thích thứ 3, đó là dường như quả tim lợn cấy cho ông Bennett đã bị suy yếu bởi một loại vi rút có tên cytomegalo trên lợn, được phát hiện khoảng 20 ngày sau ca phẫu thuật. Theo các nhà nghiên cứu, không có bằng chứng nào cho thấy vi rút đã lây nhiễm cho ông Bennett, nhưng sự hiện diện của nó trong quả tim lợn có thể gây ra chứng viêm góp phần dẫn đến cái chết của bệnh nhân.

Tuy vậy cả 3 giả thuyết vẫn không trả lời được câu hỏi, đó là tại sao quả tim lợn trong người ông Bennett lại dày lên và mất khả năng bơm máu sau bảy tuần?

Ông Muhammad M. Mohiuddin, giáo sư phẫu thuật tại Đại học Y khoa Maryland, cho biết, đây vẫn còn là một điều “bí ẩn”.

Cấy ghép Xenotransplantation, hay còn gọi là cấy ghép dị loại, là một kỹ thuật y tế trong đó nội tạng động vật được sử dụng để cấy ghép cho người. Để đạt được mục tiêu này, còn cần thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng theo từng bước; trước tiên là cấy ghép cho khỉ, sau đó mới thử nghiệm trên người.

Ngay từ đầu việc cấy ghép dị loại đã vấp phải những phản ứng đạo đức mạnh mẽ, đặc biệt là đến sự từ chối chấp nhận của người dân có tín ngưỡng hay quan niệm truyền thống và cộng đồng tôn giáo.

Nghiên cứu về phương thức cấy ghép này đã được thúc đẩy trở lại thời gian qua, sau khi gần như bị bỏ rơi vào những năm 1980. Năm đó, một đứa trẻ sơ sinh được biết đến với cái tên Baby Fae, đã chết trong vòng một tháng sau khi được cấy ghép một trái tim khỉ đầu chó.

Trải qua 40 năm, những kết quả gần đây trong việc biến đổi gen đã khiến một số nhà khoa học tin rằng họ có thể tiếp tục theo đuổi con đường cấy ghép dị loại đầy tranh cãi này.

Câu chuyện trở nên phức tạp hơn thế khi nó liên quan chặt chẽ đến Trung Quốc.

Vào tháng 6 năm 2020, công ty Clonorgan Biotechnology ở tỉnh Tứ Xuyên đã thành lập địa điểm thử nghiệm lợn biến đổi gen đầu tiên của Trung Quốc, trên khu đất có tổng diện tích 6,67 ha.

Người sáng lập Clonorgan Biotechnology, ông Pan Dengke nói rằng quy mô nhà máy sản xuất lợn biến đổi gen này có thể đảm bảo cung cấp đủ cho việc cấy ghép dị loại, và giá thành rẻ hơn nội tạng người.

Đến giữa năm 2021, cơ sở này đã có hơn 200 con lợn với hơn 10 loại biến đổi gen.

Theo ông Pan, lợn được chọn làm nguồn cấy ghép nội tạng người chứ không phải khỉ vì nội tạng của lợn có kích thước và chức năng tương tự người, đồng thời lợn có chu kỳ sinh sản ngắn và tỷ lệ sinh sản cao.

Một lý do khác là khỉ và đười ươi thông minh được cho là thông minh hơn lợn; bởi vậy sử dụng lợn có ít vấn đề đạo đức hơn đối với quyền động vật và không có vấn đề bảo vệ động vật có nguy cơ tuyệt chủng, v.v… Người Trung Quốc, với món thịt để ăn chính là thịt lợn, bởi vậy sẽ dễ chấp nhận việc giết thịt lợn và sử dụng nội tạng lợn hơn người phương Tây.

Tuy vậy, theo một bình luận từ Epoch Times, ông Pan có thể đã bỏ qua sự thật rằng văn hóa truyền thống Trung Quốc nói lên rất nhiều điều về tâm linh của con người, và những gì xảy ra khi một trái tim lợn cấy ghép lên người, có thể sẽ mang đến những điều không chỉ đơn giản giống một con virus.

Phong Vân (t/h)