Căng thẳng Đài Loan bộc lộ thách thức đối với hải quân Mỹ trước mối đe dọa TQ
- Tiến Minh
- •
Lộ trình dài trong chuyến bay hôm thứ Ba của bà Nancy Pelosi qua Borneo đến Đài Bắc và hành trình phức tạp của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ qua Biển Đông đã cho thấy những thách thức mà lực lượng Hoa Kỳ đang phải đối mặt trước việc quân đội Trung Quốc muốn sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Theo các nhà ngoại giao, tùy viên quân sự và các nhà phân tích an ninh, quan chức quân đội Mỹ nhiều lần nói về các cuộc tuần tra “thường lệ” để hỗ trợ một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” nhưng tình hình thực tế đang ngày càng trở nên thách thức hơn trong bối cảnh căng thẳng tồi tệ nhất ở Đài Loan kể từ năm 1996.
Các quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters trong tuần này rằng họ không muốn leo thang vấn đề với các cuộc triển khai lực lượng khiêu khích không cần thiết trước khi Chủ tịch Hạ viện Pelosi hạ cánh xuống Đài Bắc hôm thứ Ba trên một máy bay của Không quân Hoa Kỳ.
Các lực lượng Mỹ dường như cũng vẫn đang giữ nguyên cách tiếp cận đó khi quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở các vùng biển xung quanh.
“Chúng tôi không thể kiểm soát việc đi lại của bà Pelosi, nhưng chúng tôi có thể kiểm soát cách chúng tôi phản ứng”, một quan chức quốc phòng cho biết, theo Reuters.
Máy bay chở bà Pelosi và phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ đã tránh bay qua Biển Đông, thay vào đó thực hiện một tuyến đường dài hơn qua đảo Borneo và phía đông của Philippines.
Nhà tư vấn an ninh Alexander Neill tại Singapore cho biết: “Đường bay thông thường sẽ qua Biển Đông, nhưng nơi này hiện có rất nhiều radar, cảm biến và thiết bị gây nhiễu trên các căn cứ trên đảo của Trung Quốc, vì vậy đó là điều cần tránh đối với bối cảnh [chuyến bay] của bà Pelosi.”
“Cách mà mọi thứ đang diễn ra, chúng ta có thể thấy mục tiêu ở đây là tránh những leo thang không được quản lý.”
Sau khi xây dựng các cơ sở phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tàu tuần duyên, tàu chiến và máy bay của Trung Quốc thường xuyên tuần tra sâu vào trung tâm hàng hải của Đông Nam Á.
Một số nhà phân tích an ninh nhận định rằng với việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội trong những thập kỷ gần đây, hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể thách thức lực lượng Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Đài Loan như cách họ đã làm cách đây 1/4 thế kỷ.
Hơn một nửa trong số 111 tàu chiến hiện đang được triển khai của Hải quân Hoa Kỳ hiện nằm trong phạm vi quản lý của Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản, hoạt động ở phía tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Các nhà phân tích an ninh khu vực cho biết việc triển khai các tàu chiến tới bờ biển Trung Quốc là một vấn đề khác, do số lượng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tiên tiến của Trung Quốc cũng như hạm đội tàu của họ đã tăng lên.
Những con tàu hùng mạnh của Mỹ, gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam đang ở phía đông Đài Loan, Reuters xác nhận. Một tàu tấn công khác – được cho là chở máy bay chiến đấu tấn công F-35 – đang ở cảng gần đó ở Nhật Bản.
Một số nhà phân tích an ninh nói rằng rất có thể các tàu ngầm tấn công của Mỹ cũng đang ở gần đội hình này.
Sự di chuyển của nhóm tấn công tàu Reagan đã được các nhà phân tích an ninh khu vực đặc biệt theo dõi chặt chẽ trong những ngày trước chuyến bay của bà Pelosi.
Đài Á Châu Tự Do hồi tháng trước đưa tin tàu này đã ghé cảng Đà Nẵng miền Trung Việt Nam vào tháng 7 sau khi tuần tra ở phía nam Biển Đông gần các công sự của Trung Quốc ở Trường Sa.
Các nhà ngoại giao quen thuộc với tuyến đường của nó cho biết nhóm tàu tấn công đã quay lại và thay vào đó hướng đến một điểm dừng 5 ngày ở Singapore, bắt đầu từ ngày 22/7.
Động thái này diễn ra khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 7 xung quanh các căn cứ của họ xa hơn về phía bắc ở quần đảo Hoàng Sa, phía đông Đà Nẵng với diện tích 100.000 km vuông, theo tuyên bố của các nhà chức trách hàng hải địa phương.
Các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam đều không bình luận về việc chuyển đổi lộ trình của nó, nhưng một quan chức Hải quân Hoa Kỳ nói với Reuters trong tuần này rằng lịch trình “thường xuyên thay đổi” mà không cần xác nhận hoặc thông báo.
Theo một trang Facebook chính thức của hải quân Hoa Kỳ, tàu Reagan sau đó đã đi qua các hải phận của quần đảo Philippines trước khi đến vùng biển phía tây Đài Loan.
Học giả an ninh Collin Koh ở Singapore cho biết việc tàu sân bay đi qua eo biển San Bernadino của Philippines là bất thường, thay vì đi về phía bắc giữa Philippines và bờ biển nam Trung Quốc.
Tiến Minh (theo Reuters)
Từ khóa Hải quân Hoa Kỳ Dòng sự kiện mối đe doạ Trung Quốc