Chính phủ Philippines thẳng thừng tuyên bố các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại vùng biển Đảo Thị Tứ (Thitu), mà Manila gọi là Đảo Pag-asa, đã đe dọa quân đội nước này, đồng thời ra lệnh cho quân đội tăng cường lực lượng đồn trú. Đây là hòn đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc, hiện Philippines đang kiểm soát.

p3263601a694094816
Một cái nhìn từ trên không của Đảo Thị Tứ. (Ảnh: NASA/Public Domain)

Các hoạt động của ĐCSTQ ở Biển Đông đã gây ra tranh cãi lớn trong nhiều năm. Cách đây vài ngày, có thông tin cho rằng ĐCSTQ đã chiếm giữ ít nhất 4 đảo san hô không có người ở trong vùng biển này.

Mặt khác, Chính phủ Philippines thẳng thừng tuyên bố rằng các hoạt động của ĐCSTQ ở vùng biển Đảo Thị Tứ đã gây ra mối đe dọa cho lực lượng đồn trú tại nước này, và ra lệnh cho quân đội tăng cường lực lượng đồn trú.

Chính phủ Philippines cũng tuyên bố rằng bất kỳ hoạt động cải tạo nào trên quần đảo Trường Sa sẽ đe dọa đến sự an toàn của Đảo Thị Tứ. Nước này nói rằng bất kỳ sự xâm nhập nào vào Biển Tây Philippines hoặc lấp biển xây đảo ở khu vực này đều sẽ gây tổn hại đến môi trường biển, và ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines không cho biết ĐCSTQ đã tiến hành những hoạt động gì ở vùng biển này.

Ngoài Philippines, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với Đảo Thị Tứ.

Theo thông tin từ phía Việt Nam, Đảo Thị Tứ nằm ở giữa rạn san hô Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, có diện tích rộng khoảng 0,4 km2 và cao 3,4 m, là hòn đảo tự nhiên lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép. Manila hồi năm 2020 phân bổ 1,3 tỷ peso (26 triệu USD) để xây dựng và cải tạo công trình trên đảo, trong đó có dự án “bê tông hóa đường băng”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng của Việt Nam từng nhiều lần cho biết nước này có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Dấu vết lấp biển xây đảo được tìm thấy trên nhiều đảo san hô không có người ở ở Biển Đông

Theo báo cáo của Bloomberg, tại quần đảo Trường Sa, Đá An Nhơn (Lankiam Cay), Đá Én Đất (Eldad Reef), Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) và Đá Hoài Ân (Sandy Cay) đã phát hiện dấu vết các bãi cải tạo và đá ngầm mới.

Do đó, người ta tin rằng quân đội Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động cải tạo trên ít nhất 4 hòn đảo san hô không có người ở đang tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh gọi điều này là “hoàn toàn vô căn cứ”, và nói “không có hành động chống lại các đảo san hô không có người ở ở Biển Đông là sự đồng thuận của Trung Quốc và các nước ASEAN. Hơn nữa, quan hệ Trung Quốc-Philippines hiện đang phát triển tốt đẹp. Hai bên sẽ tiếp tục giải quyết hợp lý các vấn đề trên biển thông qua đàm phán hữu nghị.”

Ngoài ra, Frontier India News Network đưa tin rằng hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy, sự hiện diện của các đảo nhân tạo trong khu vực này, có thể là kết quả của việc xây dựng trong khu vực của một tàu Trung Quốc được trang bị máy đào thủy lực trong những năm gần đây. Tài liệu này được Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi là “vô căn cứ”.

Vào tháng 6, Chính phủ Philippines đã khánh thành một đoạn đường bờ biển mới trên Đảo Thị Tứ, mở đường cho các dự án xây dựng trong tương lai của nước này ở Biển Tây Philippines.

Ngày 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, cùng các quan chức quân sự cấp cao đã đến thăm hòn đảo này, để chính thức khai trương cầu tàu mới. Vào thời điểm đó, họ đã tìm thấy dấu vết của tàu chiến dân quân Trung Quốc.

Tại sự kiện này, ông Lorenzana cho biết Tổng thống Duterte khi đó đã miễn cưỡng đến thăm hòn đảo này, để tránh làm xấu đi mối quan hệ với Trung Quốc.

Ngoài ra, Chính phủ Philippines cũng cáo buộc cảnh sát bảo vệ bờ biển và dân quân biển Trung Quốc quấy rối tàu cá và các tàu khác.

Đồng thời cho biết mảnh vỡ của một tên lửa Trung Quốc được Hải quân Philippines trục vớt ở vùng biển gần Đảo Thị Tứ vào tháng 11 đã bị cảnh sát biển Trung Quốc cưỡng chế thu giữ. Trung Quốc lại lập luận rằng việc bàn giao đã được đồng ý sau “các cuộc tham vấn thân thiện” giữa hai bên.

Dấu vết khinh khí cầu ĐCSTQ bị phát hiện ở Biển Đông

Gần đây, các hoạt động thường xuyên của ĐCSTQ ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài. Ngày 20/12, mạng xã hội lan truyền thông tin rằng một UFO được tìm thấy ở vùng trời Biển Đông gần đảo Luzon của Philippines, có thể bay ở tầm cao trong thời gian dài.

Có suy đoán rằng có khả năng đây là khí cầu tầng bình lưu “Thiên Hằng” hoặc “Viên Mộng” do ĐCSTQ phát triển, chủ yếu được sử dụng cho mục đích tình báo, trinh sát hoặc giám sát.

Hai khí cầu này có thể chạy bằng năng lượng mặt trời, được trang bị hệ thống đẩy để tự di chuyển, và khó bị radar phát hiện do tầm bay của chúng nằm trong tầng bình lưu. Tầng bình lưu thường được định nghĩa là cự ly từ 23.000 – 66.000 feet trên bề mặt Trái đất.

“Liberty Times” của Đài Loan dẫn lời blogger quân sự Trung Quốc “Lương Vô Cữu” nói rằng loại khí cầu gần không gian (tầng bình lưu) mới “Viên Mộng” là một thiết bị điển hình sử dụng kép cho mục đích quân sự và dân sự.

Trên vùng biển rộng lớn và dân cư thưa thớt như Biển Đông, khinh khí cầu “Viên Mộng” là lựa chọn tốt nhất để giám sát và quản lý hoạt động của tàu ở Biển Đông, đồng thời cung cấp dịch vụ chuyển tiếp thông tin và các dịch vụ khác.

Báo cáo cũng cho biết, đối với quân đội Trung Quốc, điều quan trọng là phải triển khai khí cầu tầm cao và thời gian lâu đến Biển Đông, để có thể tiếp tục cung cấp thông tin tình báo, giám sát và trinh sát chung (ISR), giám sát hàng hải và thông tin liên lạc trên phạm vi rộng.

Tất cả những điều này sẽ mang lại lợi ích cho quân đội của ĐCSTQ trong khu vực này, gồm cả những lực lượng được triển khai trên các đảo san hô nhân tạo tương đối xa.

Bình Minh