Cạnh tranh công nghệ giữa TQ và Mỹ lan từ mặt đất xuống đáy biển
- Chính Hâm
- •
Cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ những năm gần đây ngày càng gay gắt, Mỹ vẫn ở vị thế tiên phong làm chủ công nghệ chip cao cấp. Nhưng cuộc cạnh tranh này đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn, trong đó đáng chú ý là cáp internet dưới biển.
Trung Quốc có kế hoạch đầu tư vào cáp internet dưới biển để cạnh tranh với dự án do Mỹ hậu thuẫn, Reuters ngày 6/4 đưa tin.
4 nguồn thạo tin về thỏa thuận nói với Reuters rằng công ty viễn thông nhà nước của Trung Quốc (China Telecom) đang đầu tư vào mạng lưới cáp internet dưới biển trị giá 500 triệu USD, mạng lưới này sẽ kết nối châu Á, Trung Đông và châu Âu để cạnh tranh với các dự án tương tự do Mỹ hậu thuẫn. Kế hoạch này cho thấy cuộc chiến công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gay gắt có nguy cơ xé nát cấu trúc thống nhất của mạng lưới internet.
Được biết, 3 nhà khai thác lớn của Trung Quốc là China Telecom, China Mobile, và China Unicom đang lên kế hoạch xây dựng mạng cáp quang biển tiên tiến nhất thế giới với phạm vi phủ sóng dài nhất.
4 người quen thuộc với vấn đề này cho biết dự án cáp internet dưới biển, được gọi là EMA (châu Âu-Trung Đông-châu Á) sẽ kết nối Hồng Kông và đảo Hải Nam của Trung Quốc trước khi đến Singapore, Pakistan, Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Pháp.
Nguồn tin cho biết, tuyến cáp này có giá khoảng 500 triệu USD, sẽ do HMN Technologies của Trung Quốc sản xuất và lắp đặt. HMN Technologies là công ty cáp internet Trung Quốc đang phát triển nhanh, trước đây quyền chi phối cổ phần thuộc gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.
HMN Technologies sẽ nhận được trợ cấp từ nhà nước Trung Quốc để xây dựng tuyến cáp này.
Cáp ngầm mang hơn 95% lưu lượng truy cập internet quốc tế. Trong nhiều thập kỷ, những đường cáp tốc độ cao này luôn thuộc sở hữu của các nhóm công ty viễn thông và công nghệ, những công ty này đã tập hợp các nguồn lực để xây dựng những mạng lưới internet khổng lồ để dữ liệu có thể truyền liên tục trên toàn cầu.
Nhưng các dây cáp dễ bị theo dõi và phá hoại đã trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh không ngừng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Những siêu cường đang tranh giành vị thế thống trị về công nghệ tiên tiến, những công nghệ này có thể xác định sự thống trị về kinh tế và quân sự trong nhiều thập kỷ tới.
Dự án EMA do Trung Quốc đứng đầu được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với một dự án khác có tên là SeaMeWe-6 (Đông Nam Á-Trung Đông-Tây Âu-6) hiện đang được xây dựng bởi công ty SubCom LLC của Mỹ, tuyến cáp này cũng sẽ kết nối Singapore và Pháp thông qua qua Pakistan, tuyến đường còn qua 6 nước khác bao gồm Ả Rập Saudi, Ai Cập.
Ban đầu, một tập đoàn gồm China Mobile, China Telecom và các nhà khai thác viễn thông từ một số nước khác đã chọn HMN Technologies để xây dựng SeaMeWe-6. Nhưng năm ngoái, sau áp lực từ Chính phủ Mỹ, hợp đồng đã được chuyển giao cho SubCom. Mỹ dùng cách như cung cấp hàng triệu USD trợ cấp cho các công ty viễn thông nước ngoài để đổi lấy họ chọn SubCom của Mỹ thay vì HMN Technologies của Trung Quốc.
Tháng 12/2021, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với HMN Technologies, cáo buộc công ty này cố tình lấy công nghệ của Mỹ để giúp quân đội Trung Quốc.
Sau khi SubCom giành được hợp đồng, China Telecom và China Mobile đã rút khỏi dự án này và bắt đầu lên kế hoạch cho tuyến cáp quang EMA cùng với China Unicom. Nguồn tin cho biết 3 công ty viễn thông nhà nước của Trung Quốc này dự kiến sẽ sở hữu hơn một nửa mạng lưới internet mới này, nhưng họ cũng đang có những thỏa thuận với các đối tác nước ngoài.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ ủng hộ một mạng internet tự do, cởi mở và an toàn. Theo đó các nước nên ưu tiên bảo mật và quyền riêng tư bằng cách “loại trừ hoàn toàn các nhà cung cấp không đáng tin cậy” khỏi mạng không dây, cáp đất liền và cáp biển, vệ tinh, dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên tuyên bố không đề cập cụ thể đến HMN Technologies hay Trung Quốc.
Trong một tuyên bố liên quan dự án cáp internet đáy biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng họ phản đối việc Mỹ “vi phạm quy tắc quốc tế đã định”.
Cuộc cạnh tranh phần cứng internet phản ánh cuộc đụng độ về công nghệ và internet giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Thành viên cấp cao Timothy Heath chuyên về các vấn đề quốc phòng tại công ty RAND cho biết, các nước cũng có thể bị buộc phải lựa chọn giữa việc sử dụng thiết bị internet được Trung Quốc phê duyệt hoặc mạng internet do Mỹ hậu thuẫn, hệ luận từ đó là tăng cường xu thế chia rẽ mạng internet trên toàn cầu và làm cho các công cụ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như ngân hàng trực tuyến và hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, chậm hơn và kém tin cậy hơn.
Mỹ và các đồng minh đã cấm ứng dụng video ngắn TikTok trên các thiết bị của chính phủ do lo ngại về an ninh quốc gia. Nhiều nước cũng đã bày tỏ lo ngại về việc nhà chức trách Trung Quốc có được dữ liệu người dùng toàn cầu do TikTok thu thập. Tương tự, từ lâu Trung Quốc đã hạn chế các trang web ở nước ngoài mà công dân Trung Quốc có thể truy cập, cũng ngăn chặn các ứng dụng và mạng internet của nhiều công ty công nghệ phương Tây.
Từ khóa cáp quang biển cáp internet cáp biển