CDC, FDA Mỹ: Người dân đã tiêm vắc-xin đầy đủ không cần tiêm liều bổ sung vào thời điểm này
- Phan Anh
- •
Hôm 8/7 vừa qua, hai cơ quan của Mỹ là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nói rằng những người dân Mỹ đã tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ sẽ “không cần phải tiêm liều bổ sung vào thời điểm này”.
Tuy nhiên, hai cơ quan y tế liên bang cũng cho biết rằng họ “đã chuẩn bị các liều vắc-xin bổ sung khi khoa học chứng minh rằng chúng là cần thiết”.
Theo tuyên bố chung, CDC, FDA và Viện Y tế Quốc gia (NIH) “đang tham gia vào một quy trình nghiêm ngặt dựa trên cơ sở khoa học để xem xét liệu có cần thiết phải tiêm liều bổ sung hay không”.
“Chúng tôi tiếp tục xem xét bất kỳ dữ liệu mới nào khi có thể tiếp cận và sẽ thông báo cho công chúng”, trích nội dung tuyên bố.
Tuyên bố chung được đưa ra sau khi giám đốc khoa học của Pfizer, Mikael Dolsten, cho biết trước đó rằng hãng dược phẩm này có kế hoạch xin FDA cấp phép tiêm liều vắc-xin bổ sung vào tháng 8 tới đây.
Ông đã trích dẫn các kết quả ban đầu của các nghiên cứu của chính công ty, trong đó cho thấy liều vắc-xin thứ 3 của hãng Pfizer tạo ra mức kháng thể cao hơn từ 5 đến 10 lần so với sau khi tiêm liều thứ 2. Do đó, Pfizer nói rằng việc tiêm liều thứ 3 có thể mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc vô hiệu hóa virus corona.
Trong tuyên bố chung, CDC và FDA cho biết rằng những người hiện đang được tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ “được bảo vệ khỏi bệnh tật nghiêm trọng và tử vong”, bao gồm cả biến thể Delta (lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào cuối năm 2020) dễ lây truyền. Gần 48% dân số Mỹ hiện đã được tiêm chủng đầy đủ.
Các quan chức từ nhiều quốc gia cho biết rằng biến thể Delta là chủng rất dễ lây lan so với các biến thể trước đó. Nó đã truyền nhiễm một cách nhanh chóng khắp Ấn Độ vào đầu năm 2021 trước khi lan sang hàng chục quốc gia khác.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa CDC Mỹ Vắc-xin Pfizer FDA Hoa Kỳ