Cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine đã qua hơn 4 tuần nhưng quân Nga vẫn gặp khó trước Ukraine, nguyên nhân được cho là đến từ hệ thống mạng Internet vệ tinh Starlink do CEO Elon Musk của SpaceX cung cấp.

Starlink
CEO Elon Musk. (Ảnh: Naresh111/Shutterstock)

CEO Elon Musk của SpaceX tuyên bố không dễ để Nga và Trung Quốc “phá hủy” được vệ tinh Starlink. Khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, bộ trưởng kỹ thuật số Mykhailo Fedorov của Ukraine đã yêu cầu ông Musk giúp đỡ cung cấp hệ thống Starlink và vị CEO này đã nhanh chóng đáp ứng.

Tờ Business Insider ngày 27/3 đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn với Mathias Döpfner, CEO của công ty mẹ Axel Springer của Insider, ông Musk đã thảo luận về việc Nga xâm lược Ukraine.

Khi được hỏi liệu có nguy cơ tiềm ẩn nào nếu vệ tinh Starlink là mục tiêu của Trung Quốc và Nga hay không, ông Musk cho hay: “Trong bối cảnh xung đột này, thật thú vị khi chứng kiến sự phản đối trước vệ tinh của Nga cách đây vài tháng”.

Ông nói thêm: “Sự phản đối này đã gây ra nhiều xung đột cho các nhà khai thác vệ tinh và thậm chí là một số nguy hiểm cho Trạm vũ trụ Quốc tế, nơi có các phi hành gia của Nga”.

Hệ thống vệ tinh Starlink của CEO Musk đang giúp lực lượng máy bay không người lái tinh nhuệ của Ukraine tiêu diệt vũ khí của Nga. Hệ thống đảm bảo rằng nhóm máy bay không người lái có thể hoạt động bình thường ngay cả trong trường hợp ngắt kết nối Internet.

Tuy nhiên, ông Musk cảnh báo người dùng Starlink ở Ukraine rằng “chỉ khi cần thiết” họ mới nên sử dụng hệ thống này, bởi nó có thể thành mục tiêu bị nhắm đến trong cuộc chiến.

CEO Elon Musk cũng cho biết rằng việc phá hủy vệ tinh Starlink sẽ là một thách thức. Ông nói: “Không dễ để bạn có thể phá hủy Starlink bởi có tới 2.000 vệ tinh”.

Ông nói thêm: “Điều đó có nghĩa là cần rất nhiều tên lửa chống vệ tinh. Tôi hy vọng chúng tôi không phải thử nghiệm điều này, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang phóng vệ tinh nhanh hơn mức mà họ (Trung Quốc và Nga) có thể phóng tên lửa chống vệ tinh”.

Starlink là một dịch vụ vệ tinh băng thông rộng của SpaceX. Bằng cách triển khai một chòm sao vệ tinh khổng lồ gồm 12.000 vệ tinh trên quỹ đạo định trước, bao gồm 1.584 vệ tinh được triển khai trên quỹ đạo gần Trái đất, tạo nên mạng lưới dịch vụ Internet phủ sóng toàn cầu. Hệ thống dự kiến ​​hoàn thành trong thời gian từ năm 2019 – 2024.

Một tháng sau hành động tấn công của quân đội Nga, Internet của Ukraine vẫn không bị chặn, Tổng thống Zelenskiy và các quan chức khác của Ukraine đã lên tiếng trên toàn thế giới thông qua video và có được hiệu quả đáng kinh ngạc trong công tác truyền thông.

Trong vòng 48 giờ sau khi khai trương dịch vụ Starlink ở Ukraine, các xe tải chở thiết bị đầu cuối của Starlink như máy thu vệ tinh đã được chuyển đến, ngoài ra cũng đã cung cấp phương tiện tiếp thu sóng.

Starlink không chỉ trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Ukraine vào ngày 13/3, mà hơn 100.000 người ở quốc gia này đang sử dụng liên kết, tính hữu ích của nó đối với quân đội ngày càng thấy rõ.

Bộ trưởng kỹ thuật Fedorov cho biết Ukraine hiện có tỷ lệ phủ sóng băng thông rộng là 90%. Starlink được xem là công cụ rất hữu ích khi mất điện trên diện rộng, địa điểm quá xa hoặc để duy trì hoạt động liên tục của các cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện.

Trong trường hợp mạng Internet của Ukraine bị đứt hàng loạt, “máy bay chiến đấu không người lái” Aerorozvidka của Ukraine vẫn có thể sử dụng thiết bị đầu cuối di động Starlink để gửi tín hiệu đến căn cứ của họ và sử dụng các trạm mặt đất ở các nước láng giềng như Ba Lan.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Musk nói rằng hành vi hiếu chiến của Tổng thống Nga Putin phải được chấm dứt: “Tôi nghĩ chính phủ Mỹ đang làm nhiều hơn những gì mọi người có thể nhận ra, nhưng làm không công khai lắm… Chúng tôi không thể để ông Putin tiếp quản Ukraine. Điều đó thật điên rồ”.

Theo The Epoch Times,

Hạ Vũ