Liên minh Châu Âu trong phiên họp hôm 20/11 đã tạm thời đồng ý các quy định để lập một cơ chế giám sát quy mô lớn đối với các khoản đầu tư vào Châu Âu, trong bối cảnh các khoản đầu tư nhiều rủi ro của Trung Quốc đang ồ ạt rót vào châu lục này. Động thái này nhằm chấm dứt cái mà các nhà đàm phán ở đây đang gọi là “sự ngây thơ của Châu Âu”.

eu china
Ảnh: english.gov.cn

Các nhà đàm phán cho Nghị viện Châu Âu và 28 quốc gia thành viên EU đã đạt được một thỏa thuận sơ khảo nhằm bảo vệ hệ thống an ninh, cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, cầu cảng và công nghệ quan trọng của mình khỏi các mối đe dọa nước ngoài.

Trong bối cảnh đầu tư Trung Quốc đang ồ ạt tìm cách kéo vào Châu Âu, quy định mới này sẽ yêu cầu Ủy ban Châu Âu điều tra các khoản đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng và đưa ra ý kiến tới các nước thành viên. Các ý kiến này bao gồm đánh giá xem liệu khoản đầu tư trên có làm suy yếu an ninh của các cơ sở trọng yếu hoặc những phát minh mất hàng năm nghiên cứu có bị rơi vào tay của nước ngoài.

Báo kinh tế Pháp Le Figaro hôm 20/11 ra kết luận: “Châu Âu nay đã bảo vệ tốt hơn vốn quý công nghiệp của mình trước một Bắc Kinh háu ăn”.

Nó sẽ đánh dấu kết thúc của sự ngây thơ Châu Âu”, Franck Proust, người phụ trách hồ sơ an ninh đầu tư nước ngoài của Nghị viện Châu Âu và chủ tọa phiên họp nói. Hệ thống trao đổi thông tin giữa các nước thành viên là bước khởi đầu để Châu Âu đối phó với làn sóng đầu tư ồ ạt từ Bắc Kinh.

Tất cả các cường quốc thế giới, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, đều có một phương pháp rà soát. Chỉ Châu Âu không có.” ông Proust nói.

Dự luật mới không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng những khiếu nại của những người thúc đẩy luật này về những khoản đầu tư của các công ty quốc doanh và hoạt động chuyển giao công nghệ rõ ràng ám chỉ Bắc Kinh.

Dự luật do đề xuất của chính phủ Pháp, Đức và chính phủ tiền nhiệm tại Ý, vẫn cần được thông qua trong phiên họp 28 thành viên EU tiếp theo vào 5/12. Tuy vậy, theo CNBC, việc dự luật có nhắm tới đô la Trung Quốc chưa chắc được toàn bộ phiếu thuận do có có một số nước thành viên đang rất đón chào sự đầu tư của Trung Quốc.

Tờ Le Figaro cho hay, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã trở thành hai ngõ vào của Trung Quốc trong EU. Báo cáo của nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, Harvard Kennedy School kết luận: “Một trong những chủ trương chính của Trung Quốc là vươn vòi sang các nước phát triển để chiếm được công nghệ, thương hiệu và thị phần.”

Tại Bồ Đào Nha, tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc hiện diện cả trong ngành dầu lửa, hàng không, lẫn bảo hiểm, y tế. Tới đầu năm 2018, có hơn 3.500 người giàu Trung Quốc nhập tịch Bồ Đào Nha nhờ các “visa vàng” dành cho những người đầu tư mang tới đất nước này hơn nửa triệu USD. Ngay từ đầu năm 2015, cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Bồ Đào Nha Fernando Ulrich đã báo động nước mình đang trở thành “tàu sân bay của Trung Quốc tại Châu Âu”.

Đáng lo nhất là tương tự như Campuchia, Bắc Kinh đã gây được ảnh hưởng thực sự lên tiếng nói đối ngoại tại Châu Âu, đặc biệt Hy Lạp, quốc gia đã nhận hàng tỷ USD của Trung Quốc.

Hồi tháng 7/2016, Hy Lạp cùng với Hungary và Croatia đã chặn một thông cáo của EU về phán quyết từ Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague, tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh trên Biển Đông là bất hợp pháp. Đến năm 2017 tại Liên Hiệp Quốc, đoàn Hy Lạp lại ngăn chặn tuyên bố của EU lên án tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc.

Kể từ 2012, Trung Quốc đã đầu tư gần 4 tỷ USD vào Hy Lạp, và với việc kiểm soát cảng Pirée, tập đoàn Cosco Trung Quốc “đã nắm được lá phổi kinh tế của Hy Lạp”. Có đến 24% vốn của tập đoàn điện lực IPTO của Hy Lạp đang nằm trong tay các nhà đầu tư Trung Quốc, và một tập đoàn quốc doanh khác đang dòm ngó sân bay Kastelli.

Tờ Le Figaro nhắc lại kinh nghiệm đau thương của Liên Hiệp Châu Phi. Sau khi nhận món quà của Bắc Kinh là một trụ sở mới xây dựng tại Addis Abeba, Ethiopia, họ phát hiện có những hoạt động bất thường từ nửa đêm tới hai giờ sáng. Sau đó người ta điều tra ra từ năm 2012 đến cuối 2017, các dữ liệu tại trung tâm này đã bị chuyển đến các máy chủ ở Thượng Hải. Sau đó các kỹ sư Trung Quốc trong tòa nhà này đã bị Châu Phi đuổi về nước.

Sau lời “tuyên chiến” của Mỹ đối với thương mại “ăn cắp” của Trung Quốc, ngày càng có nhiều quốc gia Châu Âu lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia đi kèm với các khoản đầu tư nước ngoài dễ dãi của Trung Quốc.

Trên lĩnh vực viễn thông, Úc tỏ ra cảnh giác cao nhất rồi đến Mỹ: cả hai nước đều đóng sập cánh cửa với hai tập đoàn Trung Quốc Huawei và ZTE. Tổng thống Mỹ Donald Trump hàm ý Bắc Kinh dùng thiết bị để do thám. Đức cũng sắp theo chân hai nước trên, còn Pháp đang do dự.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump chặn một nhà đầu tư được Bắc Kinh bảo trợ trong thương vụ mua lại Tập đoàn sản xuất bán dẫn Lattice do lo ngại an ninh quốc gia. EU thì dường như bừng tỉnh sau vụ công ty Midea của Trung Quốc mua lại Kuka, nhà sản xuất robot hàng đầu của Đức vào năm 2017. Sau vụ này, chính phủ Đức quyết định vào cuộc. Hồi năm nay, chính phủ Đức lại chặn thương vụ Trung Quốc mua lại hãng sản xuất máy công cụ Leifeld Metal Spinning AG.

Dân biểu Proust bực tức nói trong cuộc họp: “Các doanh nghiệp Châu Âu ngày càng khó vào được thị trường Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tha hồ liên doanh và chuyển giao công nghệ từ Châu Âu về”.

“Đây không phải là đóng cửa thị trường của chúng ta, mà là hành động có trách nhiệm”, Bộ trưởng Kinh tế Áo Margarete Schamboeck viết trong một bức thư thúc giục các quốc gia EU ủng hộ dự luật.

Dự luật sẽ được bỏ phiếu lần chót vào tháng Hai hoặc tháng Ba trước khi có có hiệu lực.

Trọng Đạt

Xem thêm: