Châu Phi chưa chuẩn bị sẵn sàng đối phó với virus corona
- Xuân Thành
- •
Bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra đã lây lan từ Trung Quốc ra hầu hết toàn cầu, nhưng chưa có trường hợp nào được xác nhận tại Châu Phi. Tuy nhiên, giới y tế thế giới đang ngày càng lo ngại về mối đe dọa chết người này sẽ tới lục địa đen, nơi ước tính có khoảng 1 triệu người Trung Quốc đang lưu trú. Một số nhân viên y tế tại Châu Phi thừa nhận rằng họ chưa thực sự sẵn sàng đối phó với bệnh dịch nCoV.
Thành phố khai khoáng Kitwe, Zambia có nhiều công ty Trung Quốc hoạt động.
Châu Phi có tổng dân số khoảng 1,2 tỷ người và một số nước ở khu vực này có hệ thống phòng chống và chữa trị bệnh được xếp vào hàng yếu kém nhất thế giới. Các nước trong châu lục này đang phải chạy đua với thời gian để thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh khi hàng ngày vẫn đón hàng trăm du khách đến từ Trung Quốc. Các biện pháp phòng chống đang được áp dụng gồm tăng cường giám sát tại các cửa khẩu và nâng cấp các biện pháp cách ly và xét nghiệm chẩn đoán bệnh dịch.
Tuy nhiên, những nỗ lực phòng bệnh tại Châu Phi đang gặp nhiều khó khăn phức tạp do thiếu thốn trầm trọng bộ cung cụ xét nghiệm và lại có quá nhiều người bệnh có các biểu hiệu triệu chứng giống với nhiễm virus cúm.
Một trong những nhóm đang dấy lên quan ngại về khả năng ứng phó với nCoV của các nước Châu Phi là các nhân viên y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Zambia, ở thành phố mỏ Kitwe, miền bắc Zambia, gần biên giới Congo. Thành phố có hơn nửa triệu dân này có nhiều công ty Trung Quốc điều hành các mỏ khoáng sản ở vùng ngoại ô. Một trong các công ty khai khoáng ở Kitwe có trụ sở chính tại Vũ Hán – tâm dịch virus corona mới. Hàng trăm công nhân của doanh nghiệp này đã di trú qua lại giữa Zambia và Trung Quốc trong vài tuần gần đây.
Bác sĩ Fundi Sinkala làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Zambia nói với hãng tin AP: “Chúng tôi chắc chắn chưa chuẩn bị gì. Nếu chúng tôi có một vài trường hợp [nhiễm nCoV], thì nó sẽ lây lan rất nhanh. Chúng tôi đang làm hết sức có thể bằng những nguồn lực chúng tôi có.”
Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Zambia, gọi tắt là Sinozam đã thực hiện một số biện pháp phòng dịch như kiểm tra thân nhiệt người bệnh bằng nhiệt kế hồng ngoại và thiết lập các khu vực cách ly. Nhân viên bệnh viện đeo khẩu trang. Găng tay, chất khử trùng và bình oxy đã được dự trữ sẵn trong kho. Bệnh viện Sinozam chữa trị cho nhiều người Trung Quốc tại Kitwe và các biện pháp phòng dịch ở đây là chu đáo hơn nhiều các bệnh viện khác trong khu vực này.
Tuy nhiên, một số nhân viên bệnh viện và những người khác thông thạo vấn đề này nói rằng một số bệnh nhân Trung Quốc có biểu hiện ho và sốt nhưng vẫn chưa được đưa vào khu vực cách lý.
Các nhân viên bệnh viện Sinozam giấu tên nói với AP rằng những bệnh nhân có các triệu chứng ho và sốt không được điều trị đặc biệt và cũng không được lấy bệnh phẩm để xét nghiệm có nhiễm virus corona mới hay không. Sau khi họ hồi phục, họ được cho ra viện và phát thêm thuốc kháng sinh để uống thêm khi về nhà.
Bác sĩ Fundi Sinkala nói thêm rằng đồng nghiệp của ông là bác sĩ Yu Jianlan đã nghỉ làm từ tuần trước và quản lý bệnh viện chưa giải thích về sự vắng mặt của bác sĩ Yu.
Quản lý bệnh viện Li Zhibing nói với AP rằng không có bệnh nhân nào tại Sinozam bị sốt và cho biết nữ bác sĩ Yu Jianlan bị nhiễm trùng đường tiết niệu, không phải bị sốt. Tuy nhiên, Chương trình hợp tác Zambia – Trung Quốc, chịu trách nhiệm quản lý bệnh viện Sinozam, đã đăng thông báo lên mạng trực tuyến dẫn lời một nhân viên bệnh viện nói hôm 27/1 rằng cơ sở khám chữa bệnh này “mỗi ngày có thể có 120 bệnh nhân sốt và ít nhất 70 người trong số này đang mang theo mầm bệnh của nhiều loại bệnh khác nhau”.
Đầu tuần này, một quan chức Zambia lần đầu tiên thừa nhận rằng đất nước này đang theo dõi một số trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona mới. Zambia là một trong 13 nước Châu Phi được WHO xếp vào danh sách rủi ro cao vì liên kết di trú nhiều với Trung Quốc.
Giám đốc y tế tỉnh Copperbelt, bác sĩ Robert Zulu, chịu trách nhiệm giám sát thành phố Kitwe và khu vực lân cận, nói với AP rằng ông sẽ không thảo luận các vấn đề chi tiết vì bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân, nhưng cho biết “khi có bất kỳ trường hợp [nhiễm nCoV] nào được xác nhận, các bạn sẽ được thông báo”.
Đáng chú ý, cho tới nay chưa có ai tại Zambia được xét nghiệm xem có nhiễm nCoV hay không. Như nhiều nước Châu Phi khác, Zambia chưa có chất thử để xét nghiệm chủng mới của virus corona. Theo AP, 6 trong tổng số 54 nước Châu Phi trong tuần này mới nhận được chất thử phục vụ cho xét nghiệm nCoV. Trước đó, nếu các nước muốn xét nghiệm nCoV cho người dân thì phải gửi mẫu bệnh phẩm tới Nam Phi hoặc các quốc gia khác ngoài châu lục và phải chờ vài ngày mới có kết quả.
Bác sĩ Sinkala nói rằng do không có phương tiện xét nghiệm, lực lượng y tế tại hầu hết các nước Châu Phi chỉ dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân và theo dõi xem chúng có kéo dài không để chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết về virus corona mới cho tới nay, thì một số người nhiễm loại virus này thậm chí không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Cho tới ngày 7/2, giám đốc khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Mike Ryan nói rằng 28 cơ sở y tế trên khắp Châu Phi sẽ có thể chẩn đoán được nCoV, trong đó có Zambia.
Theo ghi nhận của AP, người dân tại thành phố Kitwe đang khá lo lắng về bệnh dịch nCoV. Quản lý cửa hàng thuốc địa phương Edward Goma ước tính rằng cửa hàng hiệu của ông đã bán hơn 800 khẩu trang y tế trong vài tuần qua.
“Cho tới nay ai cũng sợ,” ông Edward Goma nói với AP. Nhưng ông Goma cũng cho biết ông chưa thấy các biện pháp giám sát nghiêm ngặt hơn được thực hiện ở đây giống như những gì diễn ra ở các nước khác, ngoài việc kiểm tra thân nhiệt tại cảng hàng không quốc tế cách khu vực này khoảng một giờ lái xe.
Tập đoàn Xây dựng Metallurgical, có trụ sở chính tại Vũ Hán, thông báo trên trang web của công ty này rằng các chi nhánh tại Zambia và Congo phải mua khẩu trang, khử trùng khu nhà ở và không gian làm việc hàng ngày và kiểm tra thân nhiệt của công nhân ba lần một ngày.
Quản lý bệnh viện Sinozam, ông Li Zhibing cho biết nhân viên người Trung Quốc tạm thời bị cấm quay lại Châu Phi làm việc, trong khi những người Trung Quốc đang ở Zambia cũng không được phép trở về quê nhà.
Chủ tịch Liên đoàn Công nhân mỏ của Zambia, Joseph Chewe nói với AP: “Chúng tôi hiện nay đang đẩy mạnh công tác vệ sinh, ở cả trong các khu mỏ. Chỉ cần một người tại đây bị xác nhận nhiễm virus corona, thì điều đó sẽ là rất tế hại.”
Xuân Thành (theo AP)
Xem thêm:
Từ khóa châu Phi virus corona nCoV