Hôm thứ Năm (17/4), chính quyền Trump tiếp tục gây sức ép lên Đại học Harvard, yêu cầu trường này cung cấp hồ sơ liên quan đến các khoản tài trợ từ nước ngoài nhận được cách đây 10 năm.

r shutterstock 2519352
Đại học Harvard (Ảnh: Zhong Chen / Shutterstock)

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich từng tiết lộ trong một bài viết trên Fox News hôm 21/6/2020 rằng trong nhiều năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đầu tư vào các trường đại học Mỹ thông qua nhiều hình thức, hợp tác với giới học thuật và thiết lập các trung tâm văn hóa. Một trong những trường đại học bị theo dõi sát sao nhất là Đại học Harvard.

Báo cáo của Harvard từ giai đoạn 2014–2019 bị chỉ trích là “không đầy đủ và không chính xác”

Văn phòng Cố vấn Pháp lý chính của Bộ Giáo dục Mỹ hôm đó đã gửi thư cho Hiệu trưởng Harvard – ông Alan Garber, nêu rõ rằng các báo cáo của Harvard trong giai đoạn 2014–2019 là “không đầy đủ và không chính xác”. Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon cũng tuyên bố rằng chính phủ cần “đảm bảo rằng Harvard không bị các thực thể nước ngoài thao túng hoặc phục vụ cho lợi ích của họ”.

Theo luật liên bang, các trường đại học tại Mỹ nhận được khoản tài trợ, hợp đồng hoặc quyên góp từ nước ngoài trị giá hơn 250.000 USD phải báo cáo với chính phủ 2 lần mỗi năm.

Chính phủ đã yêu cầu Harvard cung cấp một danh sách dài các thông tin, bao gồm:

  • Mỗi khoản tặng, tài trợ, hoặc hợp đồng từ nguồn nước ngoài cùng danh tính của tất cả các bên liên quan đã biết;
  • Mọi thư điện tử, tin nhắn và hợp đồng giữa Harvard với các chính phủ hoặc cá nhân nước ngoài;
  • Thông tin về tất cả sinh viên nước ngoài bị Harvard đuổi học từ năm 2016 đến nay, bao gồm cả tên tài khoản email đã sử dụng.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Harvard cho biết: “Là một phần trong việc tuân thủ pháp luật liên tục, Harvard từ lâu đã đệ trình các báo cáo này theo đúng quy định, bao gồm các khoản quyên góp và hợp đồng trên 250.000 USD từ nước ngoài, như hợp đồng đào tạo điều hành cấp cao, các chương trình đào tạo khác và xuất bản học thuật.”

Hôm thứ Hai, Harvard đã từ chối yêu cầu từ chính phủ về việc phải thực hiện cải cách cơ cấu. Ông Garber lập luận rằng yêu cầu đó vi phạm quyền tự do và tính độc lập của một trường tư. Ngay sau đó, chính phủ liên bang đã đóng băng khoản ngân sách trị giá 2,26 tỷ USD cấp cho Harvard, đồng thời cảnh báo có thể hủy bỏ quy chế miễn thuế, hoặc hạn chế quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của trường.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Mỹ luôn lo ngại rằng các chính phủ nước ngoài đang lợi dụng môi trường tự do ngôn luận tại các trường đại học tại Mỹ để tiến hành tuyên truyền phản Mỹ, thúc đẩy các chương trình nghị sự cánh tả cực đoan, và phá hoại các giá trị truyền thống cùng nguyên tắc lập quốc của nước Mỹ.

Những lo ngại này trở nên gay gắt hơn sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001, và một lần nữa được khơi dậy mạnh mẽ sau cuộc tấn công vào ngày 7/10/2023 của tổ chức vũ trang Hamas nhắm vào Israel.

Gingrich: Đại học Harvard là một trong những trường tại Mỹ bị ĐCSTQ để mắt sát sao nhất

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich tiết lộ rằng Đại học Harvard là một trong những trường đại học ở Mỹ bị ĐCSTQ để mắt sát sao nhất.

Theo một báo cáo của Wall Street Journal vào tháng 2/2020, cuộc điều tra của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đối với Harvard và Yale cho thấy, các đại học Mỹ này đã che giấu ít nhất 6,5 tỷ USD tiền tài trợ từ các chính phủ như ĐCSTQ, Ả Rập Xê Út, v.v.

Ông Gingrich cho biết, Trung Quốc (ĐCSTQ) đầu tư vào các trường đại học Mỹ bằng nhiều hình thức, từ hợp tác với giới học thuật đến việc thành lập các trung tâm văn hóa, tất cả đều nằm trong chiến lược lớn hơn của Chính phủ ĐCSTQ, nhằm mua ảnh hưởng và tiến hành hoạt động gián điệp tại Mỹ thông qua các trường học.

Ông cho rằng nhiều khoản quyên góp từ Trung Quốc được liệt kê bởi các trường đại học ở Mỹ đều đến từ những nhà tài trợ ẩn danh. Đây là một chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả, cho phép Bắc Kinh thâm nhập vào hệ thống giáo dục Mỹ. Việc ĐCSTQ “rải tiền” để gây ảnh hưởng trong các trường đại học Mỹ là một vấn đề đáng báo động.

Vụ bắt giữ giáo sư Harvard gây chấn động giới học thuật

Vào ngày 28/1/2020, Giáo sư Charles M. Lieber, Trưởng khoa Hóa học của Đại học Harvard, bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ, gây chấn động trong giới học thuật. Ông Lieber từng được xem là ứng cử viên nặng ký cho Giải Nobel Hóa học, nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ nano.

Theo tài liệu từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ông bị cáo buộc tham gia vào “Kế hoạch Ngàn nhân tài” do ĐCSTQ khởi động vào năm 2008, và nhận tài trợ hơn 1,5 triệu USD từ Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán cùng các cơ quan của ĐCSTQ.

Một bài viết năm 2017 của Wall Street Journal còn cho biết, China Poly Group – một doanh nghiệp có liên hệ với quân đội ĐCSTQ và thuộc hệ thống tài chính Tomorrow Group – đã quyên góp một khoản tiền lớn cho Đại học Harvard. Mặc dù Harvard chưa từng công khai ghi nhận khoản quyên góp này, nhưng trong một bản tin mùa xuân năm 2014, trường này có đề cập ngắn gọn đến khoản “quyên tặng lớn trị giá 10 triệu USD” từ công ty JT Capital Management, một công ty con của China Poly Group.

Ngoài ra, trong hơn 2 thập kỷ qua, Trường Kennedy của Đại học Harvard được cho là đã đào tạo hơn 1000 cán bộ và sĩ quan quân đội ĐCSTQ, khiến dư luận đặt biệt danh cho trường này là “Trường đảng thứ hai của ĐCSTQ”.

Theo Thu Sinh, Epoch Times