Chính quyền Ukraine đổi ngày lễ Giáng sinh
- Thiên Đức
- •
Ukraine, đất nước gồm 78% dân số theo Chính thống Giáo, cũng giống với Nga, trước vẫn lấy ngày 7/1 làm ngày lễ Giáng sinh. Nhưng ở bối cảnh hiện nay, tháng thứ 10 kể từ khi Moscow đưa quân xâm lược Ukraine, từ đó thúc đẩy phong trào Ukraine từ chối mọi thứ mà được cho là có thể liên quan đến Nga, thì ngay cả ngày lễ thiêng liêng nhất cũng được Giáo hội Chính thống Giáo ly khai ở Kyiv điều chỉnh.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội trong chuyến thăm Washington tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có nhắc tới sự thay đổi truyền thống này.
“Còn hai ngày nữa chúng tôi sẽ tổ chức lễ Giáng sinh,” ông Zelensky nói. “Có lẽ dưới ánh nến. Không phải vì để lãng mạn hơn. Không. Mà bởi vì sẽ không có, sẽ không có điện.”
Ông Zelensky tuyên bố Ukraine tạo ra phép màu Giáng sinh của riêng mình. Ông cũng chủ động đưa tin việc Nga nã pháo vào Kherson kể cả vào dịp lễ Giáng sinh mới của người Ukraine.
Không như các nước Tây Âu khác lấy lễ Giáng sinh là ngày 25/12 theo lịch Gregory, ở Ukraine theo truyền thống là ngày 7/1, theo lịch Julius mà Chính thống Giáo vẫn dùng. Cũng khác biệt hơn 1 chút là ông già Noel đến thăm trẻ em bằng xe trượt tuyết được kéo bởi 3 con tuần lộc chứ không phải bằng 6 con như ở Tây Âu. Ông già Noel đi cùng một cô bé tên là “Cô bé bông tuyết” vì cô mặc y phục màu xanh bạc và đội một chiếc mũ bông tuyết trắng.
Giáo hội Chính thống Giáo Đông phương (Eastern Orthodox Church) là giáo hội lớn thứ hai của Kitô giáo, chỉ sau Giáo hội Công giáo (Catholics Church), và cũng là tôn giáo chủ đạo ở Nga và Ukraine cùng một số quốc gia Đông Âu khác. Theo truyền thống có từ trước thời Liên Xô, Chính thống Giáo Kyiv là một nhánh của Chính thống Giáo Moscow. Nhưng hiện nay, đã có Giáo hội Chính thống Giáo ly khai trở thành Giáo hội độc lập ở Kyiv.
“Đây là một bước tiến lớn chưa từng có trong lịch sử của chúng ta khi Ukraine chúng ta có cùng ngày tổ chức lễ Giáng sinh với Kitô giáo toàn thế giới,” theo lời của Roman Ivanenko, một quan chức địa phương ở Bobrytsia, và cũng là một trong những người thúc đẩy sự thay đổi này. Ông nói, bằng sự thay đổi này Ukraine đang “phá vỡ mối liên hệ” với người Nga.
Ukraine đổi ngày lễ Giáng sinh thành ngày 25/12, theo bình luận của tờ The Washington Post, là phản ánh mong muốn được giống với truyền thống của những người Kitô giáo ở Hoa Kỳ và Tây Âu hơn, và “ít giống những kẻ tấn công họ hơn”.
Ở vùng lãnh thổ mà chính quyền Zelensky kiểm soát, một cuộc thăm dò được thực hiện thông qua ứng dụng điện thoại thông minh Diia —ứng dụng mà hầu hết người Ukraine sử dụng để lưu trữ tài liệu cá nhân và truy cập các dịch vụ công cộng— đã hỏi mọi người thích ngày nào cho Giáng sinh. Gần 60% (trong số khoảng 383.000 người được hỏi) đã chọn ngày 25/12. Ngày truyền thống 7/1 đứng thứ hai.
“Đây là truyền thống mới của chúng tôi,” cô Nadiya Zalenetska (26 tuổi) đã nói với The Washington Post như vậy. “Chúng tôi không muốn làm điều gì giống như Nga làm. Rất nhiều người trên thế giới kỷ niệm [Giáng sinh] vào ngày 25/12, vì vậy chúng tôi cũng sẽ như vậy.”
Việc tổng thống Zelensky, một người Do Thái, cùng với Giáo hội Chính thống Giáo ly khai mới ở Kyiv ra quyết định thay đổi ngày lễ Giáng sinh, là nằm trong một loạt những hoạt động mà có thể được xem là nhắm vào những người Chính thống Giáo truyền thống ở quốc gia này. Theo thông báo của Chính phủ Ukraine hôm 1/12, ông Zelensky đã tuyên bố đang xúc tiến để ban hành luật cấm những nhà thờ nào thân Nga.
Sau sự kiện này, hãng tin Foxnews (Hoa Kỳ) hôm 7/12 đã có bình luận: “Một quốc gia tự do sẽ không cấm một tôn giáo lớn, chỉ vì tôn giáo đó không hoàn toàn phù hợp với chương trình chính trị của những người điều hành đất nước. Nhưng ông Zelensky đang làm điều đó, và nội các của ông hiện đang tìm cách trừng phạt những người theo Kitô giáo vì thực hành tôn giáo cổ xưa bị cấm của họ ở Ukraine. Trích dẫn [tuyên bố của Ukraine], “Các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế cá nhân sẽ được áp dụng cho bất kỳ tín hữu Kitô nào bị bắt gặp thờ phượng theo những cách không được chấp thuận.””
Người dẫn chương trình Tucker Carlson của Foxnews cũng chỉ ra rằng lệnh cấm như vậy nhằm vào một tôn giáo lâu đời, cùng các hoạt động như lục soát nhà thờ hay bắt giam linh mục là không phù hợp với chủ trương của xã hội tự do mà cả Hoa Kỳ và Ukraine vẫn cổ xúy.
“Giáo hội Chính thống Ukraine đã hơn một nghìn năm tuổi. Với sự hậu thuẫn hoàn toàn của chính quyền Joe Biden và Quốc hội Hoa Kỳ, ông Zelensky đã quyết định cấm .”
Chú ý là, ông Carlson nói “Giáo hội Chính thống Ukraine” là đề cập đến Giáo hội Chính thống có lịch sử lâu đời ở nơi đây, chứ không phải là nói đến Giáo hội Chính thống Giáo mới ly khai ở Kyiv. Những cái tên này khá giống nhau.
Sau đó, ông Carlson trích dẫn lời “phản ứng của một giám mục”:
Giám mục Chính thống Giáo Đông phương: “Anh chị em chúng ta bước đi bên Đức Chúa! Đừng sợ! Có những người muốn ngăn cản nhà thờ và đức tin Chính thống của chúng ta! Chúa sẽ ngăn chặn những người này! Thưa anh chị em, những người này đang bắt đầu chống lại Đức Chúa Trời! Họ đã bắt đầu một cuộc chiến chống lại Chúa! Và Thiên đường! Họ không phải là người Ukraine thực sự! Ukraine của chúng ta là một Ukraine may mắn và trung thành! Và toàn bộ Chính thống Ukraine cầu nguyện ngày hôm nay!”
Có đoạn, ông Carlson chỉ trích khá mạnh, trong đó ông đổ lỗi việc ông Zelensky ngày càng trở nên “mạnh tay” hơn là do chính quyền Biden hậu thuẫn:
“Trong hai năm qua, ông Zelensky đã cấm các đảng đối lập. Ông ta đóng cửa các phương tiện truyền thông quan trọng bằng vũ lực. Ông ta đã bắt giữ các đối thủ chính trị của mình. Ông đã đưa binh lính vào nhà thờ. Đặc vụ của ông Zelensky đã đột kích vào các tu viện trên khắp Ukraine, thậm chí cả một tu viện có nhiều nữ tu, và bắt giữ hàng chục linh mục mà không có lý do chính đáng, và [đó là] vi phạm rõ ràng Hiến pháp Ukraine, vốn đã không còn trọng lượng nữa. Và trước những sự việc này, chính quyền Biden đã không nói gì. Không một lời. Thay vào đó, họ chỉ tiếp tục thúc đẩy để gửi thêm tiền thuế [mà dân Mỹ đóng góp] cho ông Zelensky. Vì vậy, một cách tự nhiên, Zelensky đã trở nên mạnh tay hơn nhiều. Tại sao ông ta không [dám] chứ?”
Trong khi đó, theo tờ The Washington Post báo cáo, các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở nước ngoài đã chia sẻ thông điệp Giáng sinh ủng hộ ông Zelensky. Trong một thông điệp hàng năm được gửi từ ban công trên Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi tình đoàn kết với “anh chị em Ukraine đang trải qua Giáng sinh này trong bóng tối và giá lạnh.”
- Giáo hoàng kêu gọi làm Giáng sinh “khiêm tốn”, gửi tiền tiết kiệm được đến Ukraine
- Giáo hoàng giải thích vì sao “chiến tranh toàn cầu” Ukraine kéo dài
Tờ báo tường thuật, trong khuôn viên của Tu viện Mái vòm Vàng St. Michael ở trung tâm Kyiv, lễ Giáng sinh lần đầu tiên của nhà thờ vào ngày 24 và 25 tháng 12 giống như Công giáo ở Tây Âu đã được tổ chức tại một nhà xứ nhỏ màu trắng.
Cô Zalenetska rảo bước vào nhà nguyện nhỏ với một bọc lớn màu hồng trên tay: Đứa con gái 2 tháng tuổi của cô, Lyubov, được quấn trong một chiếc chăn dày. Cô Zalenetska trùm tóc bằng một chiếc khăn choàng màu đỏ, phù hợp với lễ Giáng sinh mà cô đón nhận sớm hơn hai tuần so với những năm trước đây. Cô Zalenetska lách qua đám đông để tới thắp nến và thì thầm cầu nguyện.
Sasha Deschenko (16 tuổi) lần đầu tiên đón lễ Giáng sinh vào ngày 25/12 cùng gia đình, cho biết: “Chính Liên Xô đã phá hủy Kitô giáo từ bên trong và phá hủy văn hóa Ukraine. Bây giờ chúng tôi đang đòi lại văn hóa và truyền thống của mình.”
Tetyana Deschenko, mẹ của Sasha, đã chia sẻ về lý do gia đình cô nhanh chóng quyết định đón Giáng sinh vào ngày 25/12. Theo cô đó là quyết định đơn giản, khi mà đầu năm nay một người họ hàng của chồng cô bị binh lính Nga giết chết ở vùng lân cận Kyiv vào ngày 25/2.
Vào Chủ Nhật, gia đình 4 người ăn bữa tối Giáng sinh trên chiếc bàn có khăn trải bàn màu đỏ được trang trí bằng hình ảnh người tuyết và ông già Noel. Cô Tetyana làm món kutia, một món ăn Giáng sinh truyền thống của Ukraine từ ngũ cốc, món yêu thích của con gái Sasha của cô.
“Hôm qua tôi đã gọi cho mẹ và nói: ‘Giáng sinh kiểu gì thế này? Giống như một người Công giáo ư?’” cô Tetyana kể. “Nhưng sau đó mẹ bảo rằng bà nội luôn chúc cháu một Giáng sinh vui vẻ vào ngày 25. Chúng tôi chỉ là không muốn có bất kỳ kỳ nghỉ chung nào với người Nga.”
Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận ngày 25/12, và sự chia rẽ thường mang tính chất thế hệ. Một số người còn nói rằng họ sẽ ăn mừng cả ngày mới của tháng 12 và ngày truyền thống của tháng 1.
Tuần trước, tại khu chợ bán cây thông Noel ở Dnipro, Liudmila Kravchenko (71 tuổi) cho biết Ukraine có thể học hỏi nhiều điều từ châu Âu, chẳng hạn như luật pháp và cách tổ chức chính phủ. Nhưng bà nói rằng bà không tán thành việc thay đổi ngày Giáng sinh và bày tỏ lo ngại rằng những thay đổi văn hóa có nguy cơ biến đổi đất nước quá nhiều.
“Tôi không thích nó,” bà Kravchenko nói: “Phương Tây là phương Tây. Chúng tôi được sinh ra ở đây. Nếu là một chính sách đối ngoại, thì đó là một chuyện khác. Nhưng đối với những ngày lễ truyền thống, thì đây là chuyện khác.”
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine Người Ukraine Volodymyr Zelensky Chính thống Giáo Giáng sinh ở Ukraine