Chính trường Anh sốc vì nhà hoạt động chống ĐCSTQ chính là “nội gián”
- Từ Giản
- •
Ngày 11/9, nghi phạm “gián điệp Trung Quốc” gây chấn động ở Anh đã được giới truyền thông nêu tên: Chris Cash năm nay 28 tuổi, rất tích cực trong chính trường Anh, từng phụ trách một tổ chức chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nổi tiếng của Anh. Tin này đã gây náo động trong chính trường nước này.
Người phụ trách Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc
Theo tờ Times tiết lộ hôm 11/9, Cash là Chủ nhiệm của Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (China Research Group). Tờ Times đã đăng một bức ảnh của Cash trên trang nhất.
Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc của Anh do Cash phụ trách được thành lập vào tháng 4/2020 bởi một số thành viên cấp cao của Đảng Bảo thủ diều hâu. Người sáng lập là Tom Tugendhat (hiện là Bộ trưởng An ninh), lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, và cựu cố vấn Neil O’Brien của cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne.
Nhóm này không ngừng vạch trần những hành vi xấu xa của ĐCSTQ và gây áp lực lên các chính sách của Chính phủ Anh đối với Trung Quốc, như cấm thiết bị Huawei vào mạng 5G và yêu cầu hủy bỏ các Viện Khổng Tử, năm 2021 một số thành viên của nhóm đã bị ĐCSTQ áp dụng cái gọi là “lệnh trừng phạt”.
Cash đã công khai chỉ trích ĐCSTQ trong nhiều lĩnh vực. Thành viên Luke de Pulford của ủy ban nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh cho biết, Cash như “nhà tổ chức rất nghiêm túc” và là nhân vật “rất hòa nhập với chính sách (chống) Trung Quốc của Quốc hội Anh”.
Nhân vật xã hội năng động
Theo báo Times, Cash hoạt động tích cực trên sân khấu xã hội – chính trị ở Westminster, thường xuyên tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Anh, có mối quan hệ thân thiết với Tom Tugendhat và được Chủ tịch đương nhiệm Ủy ban Đối ngoại Al Alicia Kearns ưu ái mời làm nhà nghiên cứu, có thẻ ra vào Quốc hội Anh.
Năm ngoái, người ta chụp ảnh Cash đang tham dự một bữa tiệc tại Đại sứ quán Mỹ ở London, cứ hai tháng một lần là Cash tổ chức tiệc cocktail cho “những người trẻ trong chính phủ quan tâm đến Trung Quốc”. Những người tham gia bao gồm các nhân viên Bộ Ngoại giao, các trợ lý chính trị, các phóng viên, nhân viên tổ chức tư vấn…
Thông qua ứng dụng hẹn hò, Cash cũng đã nhiều lần cố gắng hẹn hò với một nữ phóng viên đưa tin về chính trị. Cash được biết đến như là một người hiểu biết, nhiều uy quyền, và rất thông minh.
Là con trai của một bác sĩ gia đình, Cash lớn lên ở vùng ngoại ô giàu có của Edinburgh. Thời gian Cash theo học tại trường tư thục George Watson College (Scotland) được biết đến là một cầu thủ bóng bầu dục và có tài năng tranh luận, đồng thời là đội trưởng trẻ nhất của đội cricket đội một của trường. Sau đó, Cash học lịch sử tại Đại học St. Andrews trước khi đến Trung Quốc, nơi anh ta dạy tiếng Anh tại một trường quốc tế ở Hàng Châu trong 2 năm.
Sau khi trở về Anh, Cash học thạc sĩ về Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại King’s College London, rồi dần dần được làm việc trong Quốc hội Anh.
Gây sốc chính trị nước Anh
Cash hiện đang được cảnh sát Anh cho tại ngoại đến đầu tháng 10 (bị bắt vào tháng 3). Một số bộ trưởng đã được thông báo, nhưng chi tiết về các vấn đề an ninh liên quan mới được công khai gần đây đã khiến nhiều nghị sĩ bị che giấu tình hình tức giận.
Ngài Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ từng bị ĐCSTQ áp lệnh trừng phạt, cho biết: “Đây là tình huống rất nguy hiểm. Người này hoạt động tại những nơi nhạy cảm nhất của nước Anh, bị cáo buộc là gián điệp cho ĐCSTQ. Điều quan trọng là anh ta phải được nêu tên vì nhiều người tiếp xúc đều không biết rằng anh ta đã bị bắt vì nghi ngờ hoạt động gián điệp”.
Một nghị sĩ Đảng Bảo thủ khác bị ĐCSTQ trừng phạt cho biết: “Tôi thấy quá sốc. Chúng tôi chưa được thông báo về việc này và cũng chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Tất cả các nghị sĩ nằm trong cái gọi là lệnh trừng phạt của ĐCSTQ nên được thông báo. Trong Quốc hội Anh liệu còn bao nhiêu người (gián điệp ĐCSTQ) có thể đang nhắm vào chúng tôi?”
Một nghị sĩ khác cũng trong diện trừng phạt của ĐCSTQ cho biết: “Trước khi biết được thông tin này trên báo [The Sunday Times] thì chúng tôi không biết gì về điều này, tôi vô cùng thất vọng”.
Thủ tướng Sunak: Chính phủ cần hành động nhiều hơn
Sau khi Kash bị truyền thông vạch trần, tại Ấn Độ vào Chủ nhật (10/9) Thủ tướng Anh Sunak đã có cuộc gặp mặt Thủ tướng Lý Cường của ĐCSTQ, ông Sunak đã lên tiếng gay gắt về vấn đề “can thiệp” của ĐCSTQ vào hệ thống dân chủ Anh.
Xét thấy Cash có thẻ Quốc hội Anh, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Caroline Noakes đã kêu gọi xem xét lại thẻ này. Cô nói với báo Times: “Chúng ta cần kiểm tra các thẻ đã được cấp… đảm bảo loại ra những người lẽ ra không nên được cấp thẻ”.
Trong 2 năm qua, người đứng đầu MI5 Ken McCallum và các quan chức an ninh cấp cao khác của Anh đã nhiều lần cảnh báo về ảnh hưởng mà ĐCSTQ đang gây ra tại Anh. Ông McCallum từng nhấn mạnh, đối với Vương quốc Anh, ĐCSTQ đặt ra “thách thức chiến lược lớn nhất có tính chất thay đổi cuộc chơi”. Năm ngoái, MI5 đã có động thái hiếm thấy trong cáo buộc luật sư Trung Quốc Christine Lee là đặc vụ của ĐCSTQ.
Vào tháng 7 năm nay, Ủy ban Tình báo và An ninh của Hạ viện Quốc hội Anh đã công bố một báo cáo về ĐCSTQ, cảnh báo rằng ĐCSTQ đã tiến hành các hoạt động tình báo quy mô lớn và hung hãn chống lại nước Anh, và đã thâm nhập vào “mọi lĩnh vực nền kinh tế Anh”, nhưng phản ứng của Chính phủ Anh đối với điều này là rất không thỏa đáng.
Đáp lại những lời chỉ trích, ông Sunak cho biết chính phủ đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự can thiệp công nghệ của ĐCSTQ, đồng thời ông cũng nói rằng chính phủ cần phải hành động nhiều hơn.
Vào tối Chủ nhật (10/9), Đại sứ quán Trung Quốc tại London đã đưa ra tuyên bố nói rằng cáo buộc gián điệp này là hoàn toàn “bịa đặt”, “vu khống ác ý”.
Từ khóa nước Anh Dòng sự kiện Gián điệp ĐCSTQ