Vụ Shabunin, một nhà hoạt động xã hội chống tham nhũng ở Ukraine, bị Cục Điều tra Nhà nước lấy lý do “tình nghi trốn lính” để tiến hành soát nhà mà không cần giấy của tòa, khống chế điện thoại không cho giao tiếp xã hội, dã dấy lên nhiều tiếng nói phản đối. Bloomberg (Mỹ) đưa tin rằng có những lo ngại rằng đây là cách Zelensky trả thù chính trị, “và điều đó ngày càng trở nên có tính hệ thống.” Cựu tổng thống Ukraine Poroshenko chỉ trích gay gắt rằng Zelensky đang “xây dựng một chế độ độc tài ở Ukraine, uy hiếp tiến trình hội nhập EU,” và nhắc đến hàng loạt các sự kiện khác gần đây, minh họa cho tính độc tài của chế độ Zelensky. Pravda Ukraine, tờ báo lâu nay theo sát tình hình chính trị Kiev, cho đăng bài của Trung tâm Hành động Chống tham nhũng (AntAC) với đoạn mở đầu là “Zelensky đang xây dựng một chế độ độc tài tham nhũng trong thời gian thiết quân luật, và vụ án Shabunin chẳng qua chỉ là một phiên tòa giả tạo để chứng minh rằng chính quyền có thể làm bất cứ cái gì đối với bất kỳ ai trong đất nước này — mặc kệ điều đó vô lý đến đâu.”

250712VitalyShabunin
Vitaly Shabunin, nhà hoạt động chống tham nhũng, đã lên tiếng chỉ trích gay gắt chính quyền Kiev dưới thời Volodymyr Zelensky, cáo buộc là “độc tài, tham nhũng” (bài báo của Pravda Ukraine, tiếng Việt là trình tuyệt tụ động dịch)

Vitaly Shabunin bị soát nhà, khống chế điện thoại, mà không có giấy phép của cơ quan đủ thẩm quyền, từ 2:00 chiều Thứ Sáu đến 5:00 sáng Thứ Bảy, theo thông điệp của ông, do Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng thay mặt ông đăng trên mạng xã hội vài giờ đồng hồ trước.

Vụ việc đã dấy lên nhiều tiếng nói chỉ trích và bày tỏ mối quan ngại về chính quyền Kiev, lo lắng về tình trạng nhân quyền của nước này.

“Lợi dụng chiến tranh, Volodymyr Zelensky có những bước đầu và chắc chắn tiến tới chủ nghĩa độc tài tham nhũng,” — Vitaly Shabunin, 12/7/2025

Bloomberg (Mỹ) giới thiệu sơ qua về Vitaly Shabunin: Ông là nhà hoạt động xã hội chống tham nhũng ở Ukraine. Năm 2012, ông là đồng sáng lập AntAC, một tổ chức ngoài nhà nước, phù hợp với luật chống tham nhũng, và ủng hộ Văn phòng Chống tham nhũng Quốc gia.

Thời gian gần đây, ông kêu gọi và thúc đẩy việc yêu cầu các quan chức nhà nước phải kê khai tài sản, và số liệu đó sẽ lưu trữ trong một cơ sở số liệu chung, công khai cho quảng đại quần chúng. Bloomberg cho hay cơ sở số liệu này vốn đã có từ trước, nhưng đã bị tạm ngừng hoạt động vào năm 2022 với lý do chiến tranh. Nhưng nó đã được nối lại hoạt động vào 1 năm sau đó.

Về vụ soát nhà này, Bloomberg có nhắc đến thông điệp chính thức của Cục Điều tra Nhà nước, tuyên bố rằng ông bị soát nhà là vì “trốn nghĩa vụ quân sự một cách có hệ thống, và lạm dụng một chiếc xe mà vốn dành cho Quân lực Ukraine mà không có cơ sở.”

Đơn vị quân đội mà Shabunin đang phục vụ ở Kharkov, và nhà riêng của ông đã bị Cục cho người khám xét mà không có trát của tòa, theo AntAC. Điện thoại riêng của ông đã bị họ khống chế và không cho sử dụng.

Nhóm điều tra của cục cứ tiến hành khám xét nhà riêng, bỏ qua yêu cầu do vợ của Shabunin đưa ra đòi quyền gọi luật sư trước khi khám xét được tiến hành.

Yaroslav Yurchyshyn, một nhà lập Pháp của Ukraine, đã nói rằng lực lượng điều tra của Ukraine càng ngày càng phách lối, lạm dụng quyền lực cho mục đích chính trị, theo Bloomberg trích dẫn, “và điều đó ngày càng trở nên có tính hệ thống.”

Hiện nay không cách nào liên lạc trực tiếp được với Shabunin.

Cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bình luận rằng, qua vụ Shabunin này cùng một loạt các vụ khác mà chính quyền Zelensky đã và đang làm, thì ông thấy được điều đáng lo ngại đang diễn ra ở Ukraine.

“Qua vụ khám nhà Vitaly, tôi nhìn thấy được một điều còn to lớn hơn,” ông bày tỏ quan điểm, theo truyền thông Ukraine đưa tin. “Đó là biểu hiện của sự tấn công ồ ạt từ phía chính quyền, sử dụng một số cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật […] nhằm mục đích che giấu [tội ác] của những kẻ đang hưởng lợi từ chiến tranh.”

Poroshenko hiện nay cũng là một nghị sỹ Quốc hội, đứng đầu một đảng đối lập. Ông được giới quan sát cho rằng sẽ là một trong những ứng viên cho bầu cử tổng thống Ukraine, nếu cuộc bầu cử đó được tổ chức trong thời gian tới.

“Vụ [Shabunin] chỉ là một phần trong một dòng chảy lớn mạnh hơn,” Poroshenko chỉ ra một số vụ khác đã và đang diễn ra. “Vụ ngăn chặn bổ nhiệm người đứng đầu mới cho BES (Cục An ninh Kinh tế), đề xuất lập pháp vô lý về việc ân xá cho các tội phạm trong việc mua sắm quốc phòng, v.v.”

“Thật bất hạnh thay! Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng một chế độ độc tài ở Ukraine, uy hiếp tiến trình hội nhập EU của chúng ta.

Đây là một thách thức đòi hỏi sự phản ứng thống nhất từ xã hội dân sự chúng ta cùng với các đối tác quốc tế.”

— Petro Poroshenko bình luận về vụ Shabunin và chiều hướng độc tài của Zelensky.

Trong thông điệp của Shabunin (nhờ người đăng tải nói trên) và được Pravda Ukraine đăng lại, thì cũng có nhắc tới 2 vụ mà Poroshenko nêu trên: Vụ Zelensky tìm cách thông qua một luật mà nhờ luật đó ông ta có thể ân xá cho “người hầu” của mình thoát khỏi tội tham nhũng khi mua sắm thiết bị quân sự, và vụ chính quyền từ chối bổ nhiệm người lãnh đạo mới cho BES, mặc dù người đó đã thắng trong các cuộc đua tuyển.

–/–

Zelensky từng bị Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “độc tài” trong một vài dịp bình luận khác nhau.

Ông ta cũng bị Tổng thống Nga Vladimir Putin nghi ngờ tính hợp pháp về danh vị.

Theo Tổng thống Nga Putin, thì Zelensky đã mãn nhiệm tổng thống từ lâu, hơn 1 năm rồi, do đó, nếu bây giờ ký thỏa thuận với Ukraine với chữ ký và con dấu của Zelensky, thì sẽ rất mạo hiểm. Bởi vì có thể có nguy cơ rằng chính quyền sau đó của Kiev sẽ không thừa nhận thỏa thuận ấy.

Trên thực tế, chính quyền Kiev thật sự đã từng xù nợ với Moskva với lý do liên quan tới tính hợp pháp của tổng thống.

Năm đó chính quyền Kiev đã vay Nga 3 tỷ USD, với chữ ký và con dấu của Tổng thống lúc bấy giờ là Viktor Yanukovych.

Sau đảo chính Maidan năm 2014, Yanukovych bị lật đổ, và chính quyền mới của Kiev đã không trả khoản nợ này.

Năm đó khi vay tiền, Yanukovych vẫn là tổng thống hợp hiến, vẫn trong thời gian tại nhiệm. Ông ta bị đảo chính. Ông ta kể rằng ông tháo chạy khi suýt bị ám sát mất mạng.

Nhật Tân