Chương trình hạt nhân Bắc Hàn phát triển thế nào qua ba thế hệ nhà Kim?
- Yên Sơn
- •
Mới đây Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã nói rằng Mỹ sẽ sẵn sàng liên lạc với các quan chức Bắc Hàn về chương trình hạt nhân, ngay cả khi nước này không muốn từ bỏ kho vũ khí này. Chương trình hạt nhân của Bắc Hàn phát triển ra sao qua ba thế hệ lãnh đạo mà Ngoại trưởng Mỹ đã nhận định rằng: “Họ đã đầu tư quá nhiều tiền vào đây”.
Ngoại trưởng Mỹ gây bất ngờ cho ngoại giới khi phát biểu tại nhóm tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương hôm thứ Ba (12/12) rằng: “Sẽ là không thực tế để nói rằng chúng ta chỉ tiến tới đàm phán nếu Bắc Hàn sẵn sàng từ bỏ chương trình [hạt nhân] của họ. Họ đã đầu tư quá nhiều vào đó. Tổng thống [Mỹ] cũng rất thực tế về điều này”.
Tuyên bố của ông Tillerson khiến nhiều người nghi ngại rằng khả năng Bắc Hàn có tên lửa vươn tới được lục địa Hoa Kỳ là hiện hữu. Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vài tháng trước cũng đã từng tuyên bố “mục tiêu cuối cùng của ông là cân bằng lực lượng thực tế với Hoa Kỳ và khiến cho các nhà cầm quyền Washington không dám nói về lựa chọn quân sự”.
Vậy chương trình hạt nhân của Bắc Hàn đã phát triển ra sao qua ba thế hệ lãnh đạo nhà Kim, dưới đây là cái nhìn khái quát:
Hạt giống vũ khí hạt nhân được gieo từ chiến tranh Triều Tiên
Nhà sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) được cho là người thúc đẩy chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng tiến lên, tuy nhiên ông đã không thể sống để được chứng kiến tận mắt đất nước mình tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News gần đây, ông Sung-Yoon Lee – giáo sư về Nghiên cứu Triều Tiên tại trường Fletcher của Đại học Tufts nhận định rằng chính cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là chất xúc tác để dẫn dắt lãnh đạo Bắc Hàn tin rằng đất nước của ông cần phải có vũ khí hạt nhân.
“Hạt giống của khát vọng hạt nhân đã được gieo trong chiến tranh Triều Tiên”, ông Lee nói.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên đẩy Bắc Hàn và Trung Quốc, hai quốc gia không có vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó, đương đầu với Hoa Kỳ được trang bị vũ khí hạt nhân. Ông Lee nhận định rằng thực tế đó đã làm cho “ông Kim Nhật Thành nhận thấy rõ ràng rằng vũ khí hạt nhân rất có uy lực, một sức mạnh ngăn chặn”.
Sau đó, chính quyền Kim Nhật Thành đã tiến hành xây dựng các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên dưới sự giúp đỡ của Liễn Xô (cũ) và sau này là Trung Quốc.
Ông Kim Jong Il biến Bắc Hàn thành quốc gia hạt nhân
Khi ông Kim Jong Il qua đời vào năm 2011, cáo phó về lãnh đạo Bắc Hàn đăng trên tờ New York Times ghi nhận rằng ông Kim là “nhà độc tài biến Bắc Hàn thành một quốc gia hạt nhân”.
Giáo sư Sung-Yoon Lee cũng nói chính ông Kim Jong Il là “người thực sự đưa đất nước [Bắc Hàn] bước vào con đường hạt nhân”.
Trong thời gian đầu kế nhiệm cha mình vào giữa những năm 1990, ông Kim Jong Il luôn phủ nhận việc đất nước Bắc Hàn đang tiến hành một chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, tới năm 2003, chế độ Bình Nhưỡng đã chính thức loan báo với quốc tế rằng Bắc Hàn rút khỏi Hiệp ước Phổ biến vũ khí Hạt nhân 1968, trong đó cấm nước này sản xuất vũ khí hạt nhân.
Cho tới năm 2005, Bắc Hàn đã xác nhận họ có vũ khí hạt nhân và ông Kim Jong Il cho tiến hành thử bom hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006.
Chương trình hạt nhân và tên lửa phát triển mạnh dưới thời Kim Jong-un
Theo giáo sư Sung-Yoon Lee, ông Kim Jong-un kế nhiệm vai trò lãnh đạo tối cao Bắc Hàn từ năm 2011 chính là người nâng tầm chương trình hạt nhân Bắc Hàn. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này gặp thuận lợi khi trong suốt 8 năm ông Barack Obama làm tổng thống Mỹ, Washington không thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của chế độ Bình Nhưỡng như người tiền nhiệm George W. Bush.
Chỉ trong vòng hơn 5 năm cầm quyền từ 2011 tới 2016, ông Kim Jong-un đã tiến hành 4 lần thử bom hạt nhân và thường xuyên thử tên lửa đạn đạo. Năm 2016, nước Mỹ phân tâm trong chiến dịch bầu cử tổng thống, Bắc Hàn đã hai lần thử bom hạt nhân và tiến hành hàng chục vụ thử tên lửa tầm xa.
Bước vào năm 2017, bất chấp những động thái ngăn chặn quyết liệt bằng nhiều cách thức từ ngoại giao, chế tài kinh tế, tới đe dọa quân sự của Tổng thống Donald Trump, chế độ Kim Jong-un vẫn thử bom hạt nhân lần 6 và phóng nhiều tên lửa tầm xa, trong đó có hai lần bắn qua bầu trời miền bắc Nhật Bản.
Bắc Hàn tuyên bố rằng họ đã làm chủ được công nghệ hạt nhân và tên lửa và tầm bắn của vũ khí hạt nhân của họ đã có thể bao phủ toàn bộ lục địa Hoa Kỳ. Mặc dù các thông tin này chưa thể được kiểm chứng, nhưng đe dọa hạt nhân Bắc Hàn đối với nước Mỹ và đồng minh là cực kỳ hiện hữu.
Sau vụ thử tên lửa đạn đạo gần nhất hôm 29/11, ông Kim Jong-un đã nói rằng Bắc Hàn đang gần đạt tới mức “cân bằng” với Hoa Kỳ về lực lượng quân sự.
Tổng thống Donald Trump trước nay vẫn tuyên bố ông không bao giờ chấp nhận một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân. Ông Trump từng nói rằng: “Hoa Kỳ đã có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao. Nhưng nếu buộc phải bảo vệ chính mình và đồng minh, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Bắc Hàn”.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Bắc Hàn KIm Jong Il Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành