Chuyên gia lo ngại trẻ sơ sinh sẽ thành cỗ máy sản xuất nội tạng cho ĐCSTQ
- Bình Minh
- •
Gần đây, các bác sĩ từ Bệnh viện Nhân Tế Trực thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải đã đăng một bài luận trên trang web của “Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ”, báo cáo về 2 trường hợp ghép thận từ trẻ sơ sinh cho bệnh nhân bị suy thận nặng. Các chuyên gia lo ngại rằng trẻ sơ sinh ở Trung Quốc có thể sẽ trở thành cỗ máy sản xuất nội tạng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thận của hai trẻ sơ sinh này lần lượt bị cắt bỏ 1 ngày và 3 ngày sau khi sinh. Các chuyên gia y tế cho biết, phải mất ít nhất vài tuần mới tìm được người ghép thận phù hợp với trẻ sơ sinh. Có thể các bác sĩ đã tìm kiếm người ghép thận tương thích bằng cách hút nước ối xét nghiệm trước khi em bé chào đời.
Trong bài luận được công bố ngày 11/1/2023 có 2 trường hợp. Trong trường hợp đầu tiên, bài viết nói rằng cha mẹ của đứa trẻ đã đồng ý hiến tặng một quả thận vào ngày thứ 2 sau khi em chào đời.
Cha mẹ đồng ý ngừng điều trị duy trì sự sống (WLST) và thực hiện DCD thận (hiến tạng sau khi chết do tim) vào ngày thứ 2 khi trẻ sinh ra. 15 phút sau khi ngừng điều trị duy trì, tim được hỗ trợ cơ học ngừng đập. 5 phút sau, các bác sĩ tuyên bố đứa bé đã chết.
Theo trang web NewYork-Presbyterian, thời gian tối đa một quả thận có thể được giữ lại bên ngoài cơ thể là từ 24 – 48 giờ. Nói cách khác, trong vòng 3 ngày sau khi đứa trẻ chào đời, bác sĩ phải hoàn thành việc tìm người ghép tương thích và tiến hành ghép thận.
Trong trường hợp thứ hai, bài viết khẳng định, cha mẹ của em bé đã đồng ý thực hiện DCD thận (hiến tạng sau khi chết do tim) vào ngày thứ 3 sau khi sinh. 25 phút sau khi ngừng hỗ trợ sự sống, tim đập nhờ cơ học đã ngừng đập, và các bác sĩ tuyên bố em bé đã chết sau đó 5 phút.
Điều này có nghĩa là trong vòng 5 ngày sau khi em bé chào đời, các bác sĩ phải hoàn thành việc kiểm tra sự tương thích và tiến hành ca ghép.
Nội tạng được nhắm mục tiêu trước khi trẻ chào đời
Ngày 4/3, ông Zain Khalpey, Phó Giáo sư khoa ngoại tại Khoa học Sinh lý và Kỹ thuật Y sinh, Đại học Arizona, nói với Epoch Times rằng việc ghép nội tạng thường mất từ 1 – 14 tuần để tìm người ghép tương thích.
“Phải thực hiện một loạt các xét nghiệm để xem liệu người cho và người nhận có tương thích hay không. Các xét nghiệm này bao gồm phân loại máu và mô, đồng thời so sánh chéo, nhằm đảm bảo khả năng tương thích, đặc biệt là với thận.”
“Khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành bước này (tìm người tương thích trước khi ghép) phụ thuộc vào một số yếu tố, như sự sẵn có của nội tạng, độ phức tạp và mức độ khẩn cấp của xét nghiệm. Vì vậy, nói chung, quá trình ghép thận cho trẻ sơ sinh có thể phải mất từ vài tuần đến vài tháng.”
Theo thông tin trên trang web của Bệnh viện Barnes-Jewish ở Hoa Kỳ, việc đánh giá người hiến tạng, bao gồm việc tìm người hiến tạng phù hợp, có thể phải mất từ 1 – 6 tháng.
Trang web của Đại học California, chi nhánh Los Angeles (UCLA) cho thấy việc kiểm tra sức khỏe của người hiến tặng có thể mất đến 6 tháng hoặc hơn, và tùy thuộc vào kết quả kiểm tra, có thể còn cần đánh giá thêm.
Vậy làm thế nào mà các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải lại có thể hoàn thành việc tìm người ghép phù hợp chỉ trong 3 – 5 ngày sau khi em bé chào đời?
Ông Khalpey suy đoán rằng các bác sĩ đã hoàn thành việc tìm nguồn tương thích bằng cách lấy nước ối từ rất lâu trước khi đứa trẻ chào đời.
Theo thông tin trên trang web của Đại học Giao Thông Thượng Hải ngày 27/2, đến nay bệnh viện Nhân Tế đã thực hiện “thành công” 22 ca ghép thận lấy từ trẻ sơ sinh.
Ông Khalpey nói rằng Bệnh viện Nhân Tế đã sử dụng trẻ sơ sinh làm người hiến thận với số lượng lớn đến mức người ta nghi ngờ rằng họ đang sử dụng trẻ sơ sinh làm cỗ máy sản xuất nội tạng.
Ông nói rằng tại các nước phương Tây, những người được ghép thận sơ sinh thường là những đứa trẻ rất nhỏ. Nhưng những người được ghép tạng trong bài luận của Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải lại là 34 và 25 tuổi. “Thật kỳ quặc khi làm điều đó. Có vẻ như đó là một (mẫu) bịa đặt.”
Về việc Bệnh viện Nhân Tế sử dụng trẻ sơ sinh làm người hiến tạng, ông Khalpey nói: “Điều này chưa được kiểm chứng và phi đạo đức. Nếu nó dành cho một đứa trẻ khác thì không sao. Nhưng nếu nó dành cho người lớn, tôi sẽ hoài nghi. Việc sử dụng trẻ sơ sinh là không thể chấp nhận được, vì chúng không có tiếng nói.”
Các vấn đề kỹ thuật và đạo đức trong việc ghép thận của trẻ sơ sinh cho người lớn
Ông Khalpey cho biết ở phương Tây, thận của trẻ sơ sinh hiếm khi được ghép cho người lớn vì các vấn đề kỹ thuật và đạo đức.
Ông cũng điểm lại lịch sử phẫu thuật ghép thận. Năm 1954, Joseph Murray, một bác sĩ tại Bệnh viện Brigham and Women’s trực thuộc Trường Y Harvard, đã thực hiện ca ghép thận thành công đầu tiên trong lịch sử loài người. Bệnh viện này cũng là nơi ông Khalpey được đào tạo về phẫu thuật tim.
Tiến sĩ Murray đã thực hiện ca cấy ghép nội tạng sơ sinh đầu tiên vào năm 1963, khi một em bé nhận được quả thận từ người anh em song sinh cùng trứng. Người nhận đã chết vì bị nhiễm trùng sau 2,5 năm được cấy ghép.
“Tuy nhiên, kể từ đó, ghép thận sơ sinh đã trở thành một kiểu phẫu thuật thường quy cho trẻ sơ sinh bị suy thận. Tỷ lệ thành công của ghép thận sơ sinh rất cao. Một số nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ sống sót sau một năm là hơn 90%. Tuy nhiên, việc cấy ghép thận thận sơ sinh cho người lớn là rất hiếm.”
Vấn đề kỹ thuật đầu tiên là sự không tương thích về mặt lâm sàng giữa người cho và người nhận.
“Thận trẻ sơ sinh nhỏ hơn người lớn và kích thước không tương xứng. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng, như huyết khối hoặc hẹp và tắc tĩnh mạch thận. Ngoài ra, thận trẻ sơ sinh không phát triển như thận người lớn, nên có thể dẫn đến sự khác biệt về chức năng, do đó khiến (bệnh nhân) dễ bị tổn thương.”
Một vấn đề lớn khác là những đứa trẻ được sử dụng làm người hiến tặng thường có những dị tật bẩm sinh.
“Dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh, một số trong đó có thể ảnh hưởng đến chức năng của quả thận được hiến tặng. Thận hiến tặng bị dị tật bẩm sinh có thể dễ bị nhiễm trùng hoặc giảm khả năng lọc. Vì vậy, việc sử dụng thận của trẻ sơ sinh để ghép cho người lớn có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng cao hơn.”
Ngoài ra, còn có những lo ngại về đạo đức trong việc cấy ghép nội tạng từ trẻ sơ sinh cho người lớn.
“Trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương. Việc sử dụng nội tạng của chúng để cấy ghép làm dấy lên mối lo ngại về quyền được biết, sự đồng ý và ép buộc. Trong một số trường hợp, cha mẹ có thể cảm thấy áp lực khi phải hiến tặng nội tạng của con mình, đặc biệt là khi họ biết được rằng việc hiến tặng sẽ cứu sống một người trưởng thành.
Áp lực có thể tăng cao nếu cha mẹ của em bé có hoàn cảnh khó khăn, hoặc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng thận của trẻ sơ sinh để cấy ghép cho người lớn ảnh hưởng không cân xứng đến một số nhóm dân cư nhất định, gây ra những chỉ trích do quan ngại về sự công bằng và công lý.”
Ông Khalpey cho biết, một vấn đề đạo đức tiềm ẩn khác là thương mại hóa việc cấy ghép thận cho trẻ sơ sinh.
“Ở các quốc gia có thời gian chờ ghép lâu dài, việc sử dụng thận sơ sinh để ghép cho người lớn có thể được coi là một cách để tăng nguồn cung nội tạng cấy ghép. Điều này có thể dẫn đến việc thương mại hóa nội tạng trẻ sơ sinh và bóc lột các nhóm dễ bị tổn thương. Báo cáo nói rằng có những người bán nội tạng từ những đứa trẻ sơ sinh đã chết. Đây đều là những vấn đề đạo đức nghiêm trọng.”
Vì sao Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải lại làm chuyện trái đạo lý?
Bất chấp những vấn đề kỹ thuật và đạo đức này, Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải vẫn sử dụng trẻ sơ sinh làm người hiến tạng cho ca những cấy ghép của người lớn. Theo ông Khalpey, có thể là do nội tạng của em bé có một “lợi thế”.
Khi theo học tại Trường Y Harvard, ông Khalpey đã thực hiện nhiều nghiên cứu về quy định điều tiết ghép tạng và ghép tạng không tương thích. Đồng thời ông còn là đồng tác giả của một bài báo về vấn đề này cùng với ông Jeffrey L. Platt, Giáo sư phẫu thuật cấy ghép tại Đại học Michigan.
“Nếu thận của trẻ sơ sinh hoặc trẻ em được cấy ghép, nó sẽ tồn tại (ở người nhận) được nhiều năm. Đây chính là lời kêu gọi (của các bác sĩ Trung Quốc) về việc sử dụng nội tạng trẻ sơ sinh, vì lượng kháng thể trên thận của chúng gây đào thải không nhiều.”
Ông Khalpey rất ngạc nhiên khi “Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ” chấp nhận bài viết từ Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải. Ông tin rằng các biên tập viên tạp chí nên hỏi các tác giả bài luận văn này 4 câu hỏi, bao gồm: Cha mẹ của các em có biết chuyện và đồng ý không? Cha mẹ của các em có phải là tù nhân lương tâm, hay các nhóm dễ bị tổn thương không? Có bất thường bẩm sinh nào trong quả thận được cấy ghép không?
Và câu hỏi quan trọng nhất là: Ít nhất 1 tháng trước khi cấy ghép, các bác sĩ có biết về sự tồn tại và tương thích chéo của 22 bệnh nhân không?
“Nếu họ đã thực hiện 22 ca (ghép thận của trẻ sơ sinh), nhưng bài viết của họ chỉ đề cập đến 2 ca. Vậy thì chuyện gì đã xảy ra với 20 ca còn lại? Vì sao bài báo chỉ đề cập tới 2 ca này?” ông Khalpey nói.
Các tác giả đầu tiên của các bài viết trên là ông Lý Đại Vệ và ông Võ Hạo Vũ, các bác sĩ của Khoa Tiết niệu thuộc Bệnh viện Nhân Tế. Các đồng tác giả còn có ông Trương Minh – Phó Giám đốc Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Nhân Tế, và ông Bối Phi – Giám đốc Khoa Sơ sinh của Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải.
Hiệp hội Cấy ghép Tim Phổi Quốc tế (ISHLT) đã ban hành một tuyên bố, giới thiệu chính sách mới cấm xuất bản bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào về lĩnh vực cấy ghép nội tạng từ Trung Quốc.
Ngày 18/9/2022, ông Jacob Lavee, Giáo sư y khoa tại Israel, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép tạng Israel, nói với Epoch Times rằng: “Kỳ thực, chính sách mới này tẩy chay toàn diện về học thuật đối với bất cứ nghiên cứu lâm sàng nào liên quan đến cấy ghép nội tạng từ Trung Quốc.”
Giáo sư Lavee cũng là thành viên của Ủy ban Đạo đức thuộc Hiệp hội Cấy ghép Tim Phổi Quốc tế (ISHLT).
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chống mổ cướp tạng ở Trung Quốc, giết 60.000–100.000 người/năm
Mới đây hôm 28/2, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật xử phạt các cá nhân liên quan thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm kéo dài nhiều thập kỷ của Trung Quốc, một hoạt động khủng khiếp mà các chuyên gia tin rằng đã mở rộng đáng kể sau khi thành lập các trại tập trung dành cho người Hồi giáo kể từ năm 2017, và hiện đang cướp đi mạng sống của 60.000–100.000 người mỗi năm, theo Breitbart đưa tin.
Dự luật, “Đạo luật Chấm dứt Mổ cướp Nội tạng Cưỡng bức năm 2023”, được soạn thảo bởi dân biểu Đảng Cộng hòa Chris Smith. Năm ngoái ông Smith đã tổ chức một phiên điều trần trong đó các chuyên gia về các chủ đề này trình bày chi tiết lời chứng của những người sống sót trong trại tập trung – những người thường quan sát các nạn nhân trung bình 28 tuổi của trại tập trung “biến mất lúc nửa đêm” sau khi kiểm tra y tế, được cho là bị giết để lấy nội tạng. Ngoài người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Turkic khác, nạn nhân của bộ máy trại tập trung ở Đông Turkistan bị chiếm đóng, thì các thành viên của phong trào khí công Pháp Luân Công từ những năm 2000 cũng đã cáo buộc Trung Quốc giết hại các thành viên của họ để bán nội tạng ra thị trường chợ đen.
“Dưới thời Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự tàn ác của việc sát hại từ 60.000 đến 100.000 nạn nhân trẻ tuổi mỗi năm —độ tuổi trung bình là 28— để lấy nội tạng của họ là không thể tưởng tượng được,” ông Smith cho biết hôm thứ Tư trong một tuyên bố sau khi dự luật của ông được thông qua ở ủy ban.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã bỏ phiếu nhất trí gửi dự luật lên Hạ viện, nơi các thành viên có khả năng thông qua nó thành luật.
Dự luật này được cả hai đảng ủng hộ, yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ tham gia báo cáo về buôn bán và cấy ghép tạng, và xử phạt những cá nhân bị phát hiện tham gia hoạt động chợ đen cấy ghép tạng.
Hồi tháng 4/2022, “Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ” đã tiến hành phân tích văn bản quy mô lớn trên máy tính về 2.838 bài báo cấy ghép được đăng trên các tạp chí học thuật của Trung Quốc từ năm 1980 – 2015. Họ phát hiện ra rằng các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép Trung Quốc đã vi phạm quy tắc “người hiến tặng đã chết” được quốc tế công nhận. Nghĩa là, trước khi một người hiến tặng được tuyên bố là “chết não”, các nội tạng của họ, gồm cả tim và phổi, đã bị lấy ra.
Trang web của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc hội Hoa Kỳ tuyên bố, ĐCSTQ đã bị cáo buộc rộng rãi về tội thu hoạch nội tạng sống. Thông tin hiện có cho thấy các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính của hành vi tàn ác này. Người Duy Ngô Nhĩ cũng như các cộng đồng dân tộc khác và thiểu số tôn giáo bị bỏ tù cũng là nạn nhân.
Từ năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố chỉ lấy nội tạng từ những người hiến tặng tự nguyện, nhưng tính xác thực của tuyên bố này đã bị nghi ngờ. Dữ liệu cho thấy các bệnh viện Trung Quốc thực hiện số ca cấy ghép nhiều gấp nhiều lần so với số lượng ước tính cao nhất về những người hiến tạng theo tiêu chuẩn đạo đức.
Tháng 3/2020, một tòa án độc lập đã đưa ra phán quyết cuối cùng về nạn thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm của ĐCSTQ. Tòa án nhận thấy rằng hoạt động thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc đã được thực hiện trong một thời gian dài, liên quan đến một lượng lớn nạn nhân.
Ngày 14/6/2021, 12 người điều hành các thủ tục đặc biệt của Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng họ “vô cùng kinh hoàng” trước các báo cáo rằng các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các dân tộc thiểu số khác cũng như các Cơ đốc nhân bị giam giữ ở Trung Quốc bị “mổ cướp nội tạng”. Họ cũng kêu gọi Chính phủ Trung Quốc “cho phép các cơ chế nhân quyền quốc tế được giám sát độc lập.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” giúp đề cao tiêu chuẩn đạo đức, cùng 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và người dân được đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát, các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Dòng sự kiện Nội tạng trẻ sơ sinh Pháp Luân Công Cấy ghép tạng Cấy ghép nội tạng trẻ sơ sinh Người Duy Ngô Nhĩ