Chuyên gia luật: PTT Pence có thể bác các đại cử tri còn gây tranh cãi
- Như Ngọc
- •
Hai chuyên gia luật John Yoo và Robert J. Delahunty trong một bài viết trên “The American Mind” từ hồi tháng Mười đã đưa ra nhận định rằng Phó Tổng thống Mike Pence có thể chiếu theo Tu chính án 12, Hiến pháp Hoa Kỳ để bác bỏ các đại cử tri còn gây tranh cãi và mở đường cho Hạ viện bỏ phiếu chọn người đứng đầu Tòa Bạch Ốc.
Trong bài viết ngày 19/10, ông John Yoo – giáo sư luật tại Đại học California-Berkeley và ông Robert J. Delahunty – giáo sư luật tại Đại học St. Thomas, lập luận rằng ông Mike Pence – chủ tọa của phiên họp quốc hội hỗn hợp về đại cử tri – có thể từ chối “kiểm đếm” các phiếu bầu đại cử tri của các các bang còn đang tranh cãi về bầu cử.
Hai học giả luật cho rằng mặc dù Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri 1887 dường như tạo ra “các bến cảng an toàn” cho báo cáo về các phiếu Cử tri Đoàn của các tiểu bang, nhưng đạo luật này chính bản thân nó có thể là vi hiến, bởi vì theo Tu chính án 12, “Chủ tịch Thượng viện [tức Phó Tổng thống], sẽ thay mặt cho các đại biểu của Thượng viện và Hạ viện, mở tất cả các bản chứng nhận phiếu đại cử tri của các bang và các phiếu bầu này sau đó sẽ được kiểm đếm”.
Hai ông Yoo và Delahunty nói rằng: “không rõ là ai sẽ ‘kiểm đếm’ các lá phiếu đại cử tri và tính hợp lệ của các lá phiếu này sẽ được xác nhận như thế nào. Nhiều thập kỷ qua, các nhà chính trị và học giả pháp lý đã đưa ra những câu trả lời khác nhau về những câu hỏi mang tính hiến pháp này. Chúng tôi cho rằng vai trò của Phó Tổng thống không chỉ đơn thuần là người mở các lá phiếu và sau đó đưa chúng cho ai đó kiểm đếm. Mặc dù Tu chính án 12 mô tả việc kiểm đếm ở thể bị động, nhưng cách diễn đạt này có vẻ như vạch ra một tiến trình đơn lẻ và liên tục, trong đó Phó Tổng thống vừa mở phiếu, vừa đồng thời đếm phiếu”.
Việc kiểm tra lỗi hay gian lận trong khi kiểm phiếu là những hành động mà Phó Tổng thống thực hiện công khai “thay mặt” cho Quốc hội, ông Yoo và ông Delahunty viết, và nếu việc “kiểm đếm” các lá phiếu đại cử tri là trách nhiệm của Phó Tổng thống, “thì trách nhiệm không thể tách rời với điều đó – việc xác nhận tính hợp lệ của các lá phiếu này – cũng phải thuộc về Phó Tổng thống. Nếu cách hiểu này là đúng, thì Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri là vi hiến. Quốc hội không thể sử dụng đạo luật này để chỉ đạo cách thức mà nhánh hành pháp hay tư pháp phải thực hiện trách nhiệm riêng biệt của họ: Chẳng hạn, Quốc hội không thể bắt buộc các thượng viện tương lai nên thực hiện một phiên luận tội như thế nào. Tương tự, chúng tôi nghĩ cách hiểu đúng hơn cả là Phó Tổng thống sẽ quyết định các danh sách cử tri đoàn cạnh tranh do các nhà lập pháp và các thống đốc lựa chọn hoặc quyết định liệu có kiểm đếm các phiếu bầu vẫn còn đang liên quan đến việc kiện tụng hay không”.
Trong kịch bản này, chẳng hạn, khi đếm đến các đại cử tri của bang Pennsylvania, ông Pence có thể lựa chọn “đếm” danh sách đại cử tri do cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát gửi lên, chứ không đếm danh sách đại cử tri do Thống đốc Tom Wolf của Đảng Dân chủ chọn.
Trao đổi với người dẫn chương trình radio John Batchelor vào ngày 24/10, ông Yoo cho hay: “Theo quan điểm của tôi, Phó Tổng thống Pence khi mở các lá phiếu và đếm chúng, ông ta sẽ quyết định lá phiếu nào là hợp lệ và lá phiếu nào là không hợp lệ”.
Tuy nhiên, những bình luận nêu trên của ông Yoo đến từ trước ngày bầu cử 3/11 và một đại diện cho ông Yoo, cũng như ông Delahunty đã không hồi đáp yêu cầu bình luận khi được Just The News liên lạc vào hôm thứ Hai (7/12) để yêu cầu cập nhật các phân tích nêu trên khi đã có những diễn biến mới về cuộc bầu cử.
Just The News cũng cho biết một phát ngôn viên của Phó Tổng thống Mike Pence hôm 7/12 cũng đã không phản hồi khi được yêu cầu bình luận về nhận định của hai học giả luật.
Như Ngọc (Theo Just The News)
Xem thêm:
Từ khóa Mike Pence Gian lận bầu cử bầu cử Mỹ 2020 Dòng sự kiện cử tri đoàn