Cộng hoà hay dân chủ? Trả lại tên cho chú Sam
Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ trong khi thua xa đối thủ Hillary Clinton về phiếu phổ thông. Những người không chấp nhận Donald Trump nói rằng việc ông chiến thắng là cú tát thẳng cánh vào “nền dân chủ lớn nhất thế giới”. Ở một mức độ nào đó, họ đã đúng. Nói một cách chặt chẽ, Hoa Kỳ không phải là nền dân chủ.
Khoản 4, Điều 4, Hiến Pháp Hoa Kỳ ghi nhận:
Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ bảo đảm mỗi bang trong liên bang này là một thể chế chính quyền cộng hoà…
Điều 4, Luật Quốc Kỳ Mỹ quy định về lời thề trung thành trước quốc kỳ:
“Tôi tuyên thệ trung thành với Lá cờ của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ, với nền Cộng hoà mà lá cờ này được dựng lên, một Quốc gia dưới chân Chúa, với sự tự do và công lý cho tất cả mọi người“.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 kết thúc trong sự toàn thắng của Đảng Cộng hoà. Donald Trump, ứng viên của Đảng, thắng cử chức Tổng thống, Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ đều do các nghị sĩ Cộng hoà nằm thế đa số kiểm soát. Sự ngáng đường của Đảng Dân chủ đối lập không đáng kể, Tổng thống Trump được trông đợi sẽ đủ sự ủng hộ để hoàn thành nhiều kế hoạch tham vọng của mình.
Hoa Kỳ thực chất là một nền cộng hoà, không phải dân chủ thuần tuý. Theo định nghĩa chính xác, dân chủ là một thể chế chính quyền theo đó người dân quyết định trực tiếp các vấn đề quốc gia – thông qua họp toà thị chính, bỏ phiếu và trưng cầu dân ý. Một quyết định sẽ được thông qua nếu số đông người dân của quốc gia đó đồng ý với nó. Theo ý nghĩa này, bà Clinton là người chiến thắng.
Một nền cộng hoà, về mặt khác, là một hệ thống trong đó người dân chọn đại diện để đưa ra những quyết sách thay cho mình, tạo ra một chính phủ bị ràng buộc bởi Hiến pháp. Ở Mỹ, thuật ngữ dân chủ thường được dùng như thuật ngữ dân chủ đại diện. Nhưng Mỹ là một nền Cộng hoà, trong đó lãnh đạo đất nước hoặc quan chức được bầu lên bị ràng buộc bởi Hiến Pháp. Điều này tức là dẫu cho phần đa số có lớn đến mấy, họ vẫn phải tôn trọng những quyền của phe thiểu số do Hiến Pháp quy định. Trong một nền dân chủ thuần tuý, không có Hiến Pháp ràng buộc và số đông có thể bầu chọn để lập hoặc xoá bỏ bất cứ một điều luật nào.
Những nhà sáng lập Hiến pháp Mỹ đã cố gắng tìm ra biện pháp để khắc phục nhược điểm của dân chủ thuần tuý. Những bài học trong lịch sử cho họ thấy rằng những nền dân chủ thuần tuý “đều gây hỗn loạn và tranh cãi; không đảm bảo an ninh cá nhân hoặc quyền tư hữu tài sản; và nhìn chung đều chết yểu trong khủng hoảng và bạo lực”. Hơn nữa, với chính thể Liên Bang như Hoa Kỳ, đất nước hình thành bởi nhiều tiểu bang trong đó có truyền thống, cộng đồng dân cư, cơ cấu kinh tế khác nhau, việc thiết lập “dân chủ thuần tuý” cho toàn bộ liên bang vừa không khả thi, vừa có nhiều nhược điểm.
Benjamin Franklin, một người cha lập quốc của Hoa Kỳ nói: “Nền dân chủ không thể tồn tại như một hình thức lâu dài của chính phủ. Nó chỉ có thể tồn tại trước khi phần đa số phát hiện ra họ có thể bỏ phiếu để hưởng hết kho tàng chung. Sau đó, phần đa số sẽ luôn luôn bầu cho người hứa hẹn cho họ nhiều lợi ích nhất và kết quả là nền dân chủ sụp đổ vì áp dụng nhiều chính sách nới lỏng tài chính. Kế tiếp nó, luôn luôn là chế độ độc tài, và một nền quân chủ“.
“Nền dân chủ là 2 con sói và một con cừu bỏ phiếu xem bữa tối ăn gì. Tự do dưới một nền cộng hoà lập hiến là một con cừu được trang bị vũ khí đầy đủ và phản đối cuộc bỏ phiếu này“.
Alexander Hamilton, một vị cố quốc công thần khác cũng nói: “Tự do thực sự không bao giờ được tìm thấy ở chế độ chuyên quyền hoặc một nền dân chủ cực đoan”, còn Samuel Adams thì nhận định: “Hãy nhớ, nền dân chủ không bao giờ tồn tại quá lâu, nó sẽ nhanh chóng khô cằn, kiệt quệ và tự huỷ diệt“.
Franklin cùng các quốc phụ Hoa Kỳ khác đã nhận ra, hơn đâu hết, thể chế liên bang của Hoa Kỳ không thể có dân chủ thuần tuý. Hiến pháp sau đó được lập ra để đảm bảo quyền lực chủ yếu đưa về chính phủ tiểu bang, nơi cộng đồng dân cư nhìn chung là thuần nhất. Hệ thống Cử tri đoàn cũng được lập ra để đảm bảo không có chuyện “hai con sói ăn thịt con cừu trong bữa tối”, hay sự độc tài của số đông. Nếu áp dụng phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử vừa rồi, các ứng viên sẽ tập trung vận động ở những bang đông người nhất và do đó bỏ qua hoàn toàn tiếng nói cũng như quyền lợi của những bang nhỏ, dân cư thưa thớt.
Theo cái nhìn thông thường, một định nghĩa lỏng lẻo về nền dân chủ rằng dân chủ có nghĩa là chính quyền dựng dên bởi ý chí của người dân, phục vụ mong muốn của nhân dân, thì Mỹ đúng là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Vì thế nhiều người bàn cãi qua lại, cuối cùng cũng nói Mỹ vừa là nền dân chủ, vừa là nền cộng hoà.
Vậy tại sao người ta lại thường nói đến nền dân chủ thay vì nói nền cộng hoà?
Có thể từ Democracy được dùng nhiều hơn do sự lớn mạnh, ảnh hưởng to lớn đến toàn cầu của Mỹ với Đảng Dân chủ (Democratic Party) từ thời kỳ thế chiến II, cùng sự vươn lên của truyền thông cánh tả vốn gần gũi với đường lối của đảng này hơn so với Đảng Cộng hoà có truyền thống bảo thủ. Từ nền cộng hoà (The Republic) là một định nghĩa rắc rối hơn nên người ta dùng luôn từ nền dân chủ để gọi các chính thể Cộng hoà lập hiến. Nhưng cần ghi nhớ, từ này đã được dùng không còn đúng so với thuật ngữ ban đầu của nó, là số đông quyết định tất cả.
Theo Blog Động Đình Quân
Xem thêm:
Từ khóa bầu cử tổng thống Mỹ nền dân chủ Đảng Cộng hòa Donald Trump