“Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gặp trở ngại. Gần đây, hồ sơ đấu thầu vào năm 2020 của Huawei cho dự án “Cáp quang đáy biển Thái Bình Dương” đã bị xác định không hợp lệ, và tương lai khi khởi động lại dự án có thể sẽ không chấp nhận doanh nghiệp Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Hồ sơ tranh thầu vào năm 2020 của Huawei cho dự án “Cáp quang đáy biển Thái Bình Dương” đã bị xác định không hợp lệ. Hình ảnh sơ đồ (TEH ENG KOON/AFP/Getty Images).

Tờ Epoch Times dẫn nguồn tin từ Nikkei (Nhật Bản) ngày 18/3 đưa tin, dự án “Cáp quang đáy biển Thái Bình Dương” do Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ kết nối các quốc đảo Thái Bình Dương là Nauru, Micronesia và Kiribati có chi phí ước tính xấp xỉ 54,45 triệu USD. Ba công ty đấu thầu cho kế hoạch vào năm 2020 là Huawei Marine, Alcatel Submarine Networks (Mạng tàu ngầm Alcatel), một công ty con của Nokia Phần Lan, và Japan Electric (NEC). Báo giá của Huawei Marine thấp hơn 20% so với công ty đối thủ.

Cuối tháng Hai năm nay, công ty liên doanh của kế hoạch này thông báo cho ba công ty trên rằng tất cả các nhà thầu đều không đạt yêu cầu về hồ sơ dự thầu.

Các chi tiết vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thông tin cho rằng nguyên do vì các nước như Nhật Bản, Mỹ và Úc lo ngại công ty của Trung Quốc nên yêu cầu ba quốc đảo Thái Bình Dương liên quan đến kế hoạch và Ngân hàng Thế giới xem xét cẩn thận tình hình đấu thầu.

Khả năng loại trừ công ty Trung Quốc khỏi dự án

Nguồn tin dẫn tờ Nikkei đưa tin rằng có thể ba quốc đảo ở Thái Bình Dương khởi động lại quá trình đấu thầu tuyến cáp quang biển Thái Bình Dương, nhưng các công ty Trung Quốc có thể bị loại ra ngoài cuộc.

“Cáp quang đáy biển Thái Bình Dương” cần được kết nối với đảo Guam thông qua một tuyến cáp khác, đây là một địa điểm quân sự quan trọng của Mỹ. Tháng 9/2020 Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz và Marco Rubio đã viết thư cho Micronesia, kêu gọi các nước liên quan không cho công ty Trung Quốc nhận thầu kế hoạch này, nếu không sẽ tạo cơ hội cho ĐCSTQ đánh cắp bí mật làm công cụ cưỡng chế trong kế hoạch địa chính trị.

Huawei Marine từng là công ty con của Công ty Đầu tư Công nghệ Huawei (Huawei Investment & Holding). Tháng 6/2020, Huawei đã chuyển nhượng 51% cổ phần của Huawei Marine cho hãng sản xuất cáp quang Trung Quốc Hengtong Optoelectronics, và Huawei cũng trở thành cổ đông của Hengtong Optoelectronics (nắm giữ 2,44% cổ phần).

Năm 2020 Hengtong Optoelectronics đã mua lại 30% cổ phần của Huawei Marine do Tập đoàn Hàng hải Toàn cầu (Global Marine Systems) của Anh nắm giữ. Công ty mẹ của Hengtong Optoelectronics là Hengtong Group (Tập đoàn Hengtong).  

shutterstock 1372606610
(Nguồn: Vismar UK/ Shutterstock)

 

Lo ngại về an ninh quốc gia từ “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”

Kể từ năm 2018, Tập đoàn Hengtong đã dẫn đầu việc xây dựng một dự án cáp đáy biển khác mang tên “Hòa bình” với tổng chiều dài 15.000 km, kết nối Trung Quốc và Pakistan bằng đường bộ, cuối cùng đã đến tận Marseille (Pháp), dự kiến công trình sẽ được đưa vào sử dụng ​cuối năm nay.

Huawei là cổ đông lớn thứ ba của Tập đoàn Hengtong, cung cấp thiết bị cho trạm tiếp đất liền phục vụ việc truyền tải tuyến cáp quang biển đến châu Âu. Đầu tháng Ba, Tiếng nói nước Pháp (RFI) đưa tin rằng trạm tiếp đất liền được coi là bộ phận dễ dàng nhất trong việc giám sát cáp quang biển, bao gồm cả bí mật cài “cửa sau” trong quá trình xây dựng.

Tuyến cáp quang biển là một phần của “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” do ĐCSTQ đề xuất vào năm 2015. ĐCSTQ gọi “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” là số hóa “Vành đai và Con đường”.

Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin vào ngày 19/3 rằng hôm đó, Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund) tại Washington đã tổ chức một cuộc hội thảo trực tuyến để bàn về vấn đề “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của ĐCSTQ.

Nhà phân tích Rebecca Arcesati tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Mercator Institute for China Studies) ở Berlin, cảnh báo “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” mà ĐCSTQ đề xuất rõ ràng có các mục tiêu chiến lược và địa chính trị quan trọng. Ngoài ra ĐCSTQ cũng đang cố gắng thu thập một lượng lớn lượng dữ liệu ở nước ngoài và cung cấp cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền và tình báo dân sự và quân sự.

Bà chỉ ra, châu Âu nên cảnh giác vấn đề an ninh quốc gia từ dự án cáp quang biển “Hòa bình” được kết nối với lục địa châu Âu, bởi vì chính sách “tích hợp dân sự – quân sự” của Trung Quốc (ĐCSTQ) là kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với xã hội dân sự: “Về cơ bản các quy định pháp luật của Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể buộc các công ty Trung Quốc phải chuyển dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Trước đó, Newsweek từng đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan vào tháng 12/2020 đã tuyên bố rằng Trung Quốc đang có kế hoạch “độc chiếm” các mạng lưới liên lạc ở Thái Bình Dương để đánh cắp dữ liệu có giá trị từ các nước đối thủ.

Báo cáo được đưa ngay sau khi một cuộc điều tra của Reuters cho thấy quan chức Chính phủ Mỹ đã cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương không nên trao hợp đồng cáp dưới nước cho các công ty có liên kết với nhà nước Trung Quốc.

Ông Jonathan E. Hillman – nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), đã công bố một báo cáo nghiên cứu có tiêu đề “Bảo vệ mạng internet đáy biển” (Securing the Subsea Network) để làm “sách tham khảo nhập môn cho những nhà hoạch định chính sách” (A Primer for Policymakers).

Ông Hillman chỉ ra, người ta rất có hứng thú với một vài chỗ bí ẩn liên quan đến cáp quang biển và vệ tinh thông tin. Người ta nghĩ một cách đương nhiên, vệ tinh thông tin chắc chắn là truyền tải nhiều dữ liệu nhất trên quốc tế, nhưng kỳ thực 95% dữ liệu là được tiến hành truyền tải thông qua cáp quang biển. Người ta cho rằng cá mập có thể là sát thủ lớn nhất của cáp quang biển, nhưng thực ra hoạt động đánh bắt cá của con người trên biển đã gây ra ⅔ sự cố cáp quang. Trước đây, người ta cho rằng công ty viễn thông như AT&T là người sử dụng chính và người xây dựng chính của cáp quang dưới biển, nhưng hiện nay Google, Facebook, Microsoft và Amazon mới là nhà đầu tư lớn nhất của cáp quang dưới biển.

Ông cũng dự đoán rằng nếu Mỹ mất đi vị thế đi đầu trong lĩnh vực cáp quang biển, thế giới của chúng ta sẽ bị ĐCSTQ thâm nhập và kiểm soát mạng internet và các mạng toàn cầu, điều này có thể trở thành sự thực vô cùng đáng sợ.

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: