Cuốn sách mới vạch trần ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hollywood
- Gia Huy
- •
Một giám đốc điều hành công ty điện ảnh của Mỹ gần đây đã xuất bản hồi ký kể lại chi tiết kinh nghiệm của mình khi đưa phim Hollywood đến Trung Quốc và cách các nhà kiểm duyệt của quốc gia cộng sản này tác động đến quá trình sản xuất phim.
Ông Chris Fenton, cựu chủ tịch DMG Entertainment, là người đã sản xuất gần hai chục bộ phim cho thị trường Trung Quốc. Trong cuốn sách mới của mình “Cho rồng ăn: bên trong việc Hollywood, NBA và doanh nghiệp Mỹ đối mặt với tình huống khó xử nghìn tỷ đô la,” ông đã kể chi tiết kinh nghiệm đó.
Ông nói với VOA: “Thành thật mà nói, bản thân tôi và những người khác trong guồng này thực sự không nghĩ rằng những gì chúng tôi đang làm lại gây bất lợi cho nước Mỹ, hoặc gây bất lợi cho thế giới nói chung, hoặc giúp tăng thêm sức mạnh cho ĐCSTQ.”
Ông cho biết điều này đã không còn đúng, đặc biệt kể khi vụ bê bối nổ ra vào tháng 10 năm ngoái khi Tổng giám đốc Daryl Morey của Houston Rockets đăng dòng tweet ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, và kết quả NBA phải đối mặt với sự tẩy chay và phản đối kịch liệt của chính phủ Trung Quốc và công dân của nước này.
Chuỗi lời xin lỗi sau đó từ những người có liên quan đến giải đấu NBA đã khiến công chúng Mỹ tức giận khi chứng kiến những màn công khai quỳ lạy chế độ cộng sản Trung Quốc. Theo ông Fenton, điều này cũng đã làm Hollywood thay đổi cách nhìn nhận về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Khi được hỏi về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hollywood, ông chỉ ra rằng ngay cả khi một bộ phim làm các nhà kiểm duyệt Trung Quốc “chướng tai gai mắt” và bị loại khỏi thị trường Trung Quốc, thì các hãng phim có liên quan sẽ vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ông Fenton đưa một ví dụ về phiên bản làm lại năm 2012 của phim “Red Dawn” (Bình minh đỏ) năm 1984, ban đầu chọn Trung Quốc là vai phản diện. Mặc dù sau đó đã được chỉnh sửa lại với Bắc Triều Tiên (thay cho Trung Quốc) làm phe đối nghịch, nhưng hoạt động kinh doanh của Sony và MGM tại Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng nặng trong suốt một năm sau đó.
Ông nói: “Trung Quốc tìm hiểu về những bộ phim đó và biết về chúng ngay cả khi chúng không vào được Trung Quốc. Trung Quốc vẫn sẽ phạt hãng phim hoặc nhà làm phim liên quan để họ không thể đưa các bộ phim khác vào Trung Quốc nữa.”
Trong khi các thị trường phức tạp khác mà Hollywood hợp tác, chẳng hạn như Trung Đông, đôi khi yêu cầu một phiên bản được kiểm duyệt để trình chiếu tại địa phương, còn Trung Quốc ngày càng yêu cầu bản kiểm duyệt phải được trình chiếu cho khán giả toàn cầu. Ông Fenton đưa ra ví dụ về chiếc áo khoác của nhân vật chính Tom Cruise trong phần tiếp theo “Top Gun” sắp tới (tên phim tiếng Việt: “Phi công siêu đẳng”) ban đầu có lá cờ Đài Loan và Nhật Bản mà Hãng phim Paramount đã đề nghị làm mờ đi cho thị trường Trung Quốc nhưng thay vào đó các nhà kiểm duyệt Trung Quốc yêu cầu các lá cờ này không được nhìn thấy bất kỳ đâu trên thế giới.
Mặc dù ông Fenton than thở rằng hầu hết mọi người ở Hollywood hiện nay sẽ không lên tiếng về những vấn đề này, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với China Unscripted Podcast, ông cho biết rằng ông đã thấy một số dấu hiệu đáng mừng về mức độ ủng hộ cá nhân mà ông nhận được.
Ông nói: “Tôi hy vọng rằng theo thời gian tôi có thể bắt đầu kéo mọi người bước ra công khai sự thật và khiến họ cùng với tôi lên tiếng về vấn đề này.”
Gia Huy (theo Taiwan News)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Trung Quốc kiểm duyệt Hollywood